3 tỉ USD du học – một cách nhìn khác

0

Sẵn sàng du học – Con số 880 triệu USD mà “du học sinh Việt Nam đóng góp cho nền kinh tế Mỹ” đang là chủ đề cho những cuộc tranh luận. Nó cũng thường niên như con số hàng năm, “người Việt chi 3-4 tỉ USD cho du học”. Nhưng nói đó đều là “vọng ngoại”, là “chảy máu” thì liệu có công bằng?

Du-Hoc (1)

Nói thường niên, là bởi mỗi năm, 3-4 tỉ USD mà người Việt chi cho du học, hay 3-4 tỉ USD chi cho khám chữa bệnh ở nước ngoài luôn đặt ra, luôn gây “nhức nhối”, luôn được nhìn nhận như một sự “chảy máu”. Góc nhìn ấy không sai. Hãy thử nhìn trong tương quan so sánh xuất khẩu gạo năm nay ước đạt 3 tỉ USD. Có nghĩa, số tiền chi cho du học hay y tế ấy tương đương nông dân cả nước làm lụng trong cả năm.

Trên Tuổi trẻ, TS Hoàng Ngọc Vinh – Phó Chủ tịch Hiệp hội Giáo dục nghề nghiệp Việt Nam nhìn nhận: Tâm lý "vọng ngoại" nói chung xuất hiện khá nhiều ở người Việt Nam, từ hàng hóa ngoại đến phim ảnh và rất nhiều thứ khác… Ngoài vấn đề tâm lý "sính ngoại", trong xã hội cũng cho thấy nền kinh tế phát triển, khoảng cách giàu nghèo gia tăng… Có người giàu lên nhanh chóng nhờ kinh doanh, nhưng cũng có không ít quan chức có quyền thế, tiền bạc giàu có do tham nhũng và do những người khác hiến tặng…

Nhìn nhận ấy không sai, nhưng sẽ là thiếu công bằng nếu không nhìn thấy khía cạnh tích cực của câu chuyện du học.

Bởi, cũng như TS Vinh xác nhận: Xu hướng du học nước ngoài tăng cũng phản ánh niềm tin vào dịch vụ giáo dục trong nước đang giảm. Và “Niềm tin” ấy là do chất lượng, môi trường giáo dục còn nhiều hạn chế.

Bởi “Một khi chương trình đào tạo còn những nội dung viển vông, nặng về lý luận, cách giảng dạy thiếu sinh động… sẽ làm sinh viên nhàm chán, y như bạn bước vào quán ăn với các thực đơn nghèo nàn mà sự phục vụ lại thiếu ân cần… Rồi người ta sẽ bảo nhau và không đến quán ấy nữa.

Rõ ràng, nguyên nhân nội tại của nền giáo dục mới là lý do chính dẫn tới những quyết định du học – một thứ quyết định nhìn nhận tích cực là đầu tư cho tương lai, từ tiền túi, từ mồ hôi nước mắt của người dân.

Không ai ăn mãi một thực đơn nghèo nàn, với thái độ phục vụ thật ra là ban phát, thiếu bình đẳng, và thậm chí mang nặng tư tưởng xin cho!

Có lẽ, nên nhìn nhận rằng các gia đình người Việt đang phải “thắt dây chuối chi tiêu” để từ đó tạo ra một thế hệ có trình độ ngoại ngữ tốt, được tiếp cận với những nền giáo dục hiện đại, tiên tiến, trong một môi trường không biên giới. Cách tiếp cận ấy, có lợi và công bằng hơn nhiều so với câu chuyện “chảy máu” đã nói đi nói lại quá nhiều.

Cách tiếp cận ấy mới khiến những du học sinh từ nước ngoài trở về trở thành một lực lượng lao động chất lượng cao, trong thời đại 4.0 không biên giới.

Có khi nào người dân làm tự chảy máu tiền mồ hôi nước mắt của chính mình?!

Thái Hải (SSDH) – Theo Báo Lao động

Share.

Leave A Reply