7 cô gái Việt và trường ĐH Phụ nữ đặc biệt ở Bangladesh

0

SSDH – Nhóm du học sinh 7 cô gái Việt ở Bangladesh đang học tập trong môi trường rất đặc biệt – môi trường “nữ quyền” và đa văn hóa tại Trường ĐH Phụ nữ châu Á (Asian University for Women – AUW)

 

Họ là những cô gái đang theo học tại các trường THPT khác nhau trực thuộc các tỉnh thành khác nhau ở Việt Nam (Quốc học Huế, Lương Thế Vinh – Đồng Nai, Mạc Đĩnh Chi – TP. Hồ Chí Minh, Phú Nhuận – TP. Hồ Chí Minh, Thống Nhất – Đồng Nai). Có 2 SV trong nhóm đang học năm nhất của 2 trường ĐH: ĐH Ngân hàng và ĐH Công nghiệp TPHCM.

 

Họ biết đến thông tin về AUW từ nhiều nguồn tin khác nhau: từ Viện Nghiên cứu Giáo dục, trực thuộc trường ĐH Sư Phạm TP. Hồ Chí Minh, đến các trường THPT ở các tỉnh thành, qua người thân hoặc bạn bè hay người quen đã từng học hoặc biết đến AUW.

 

Trường học đặc biệt và thế giới “nữ quyền”

 

 7 cô gái Việt và trường ĐH Phụ nữ đặc biệt ở Bangladesh

7 du học sinh Việt Nam đang học tập tại AUW

 

Quyết định theo học ở AUW, các cô gái tin rằng đây là một cơ hội tốt để học tập từ một môi trường hoàn toàn mới và đa văn hóa, đa sắc tộc dành cho nữ giới.

 

AUW cũng là trường hệ “liberal arts” đầu tiên dành cho nữ tại châu Á, sử dụng hệ thống chương trình giáo dục của Mỹ. Hầu hết các giảng viên của trường đến từ các nước phát triển như Mỹ, Canada, Ý, Úc,.. AUW được thành lập với hy vọng, nó sẽ “đền bù” về việc thiếu cơ hội giáo dục của các phụ nữ châu Á, nhằm khuyến khích họ phát triển các kĩ năng mềm, kiến thức và áp dụng vào cuộc sống khi ra xã hội.

 

Trần Hoàn Mỹ Duyên (SN 1994, Đồng Nai) là sinh viên năm 2 tại AUW hào hứng chia sẻ: “Tại đây chúng mình được học những kĩ năng mềm bên cạnh các kiến thức về các lĩnh vực khác nhau. Ngoài ra, chúng mình còn nhận được học bổng gần như toàn phần cho các năm học tại trường”.

 

Khi được hỏi kì vọng về ngôi trường cũng như khả năng đáp ứng kì vọng ấy, các cô gái tự tin khẳng định vô cùng hài lòng. Mỹ Duyên nói rằng: Bọn mình được tự do chọn môn học đại cương, được dạy nhiều kỹ năng, nhất là làm việc độc lập, tư duy phản biện, khả năng thích ứng linh hoạt với các môi trường làm việc khác nhau. Sau 2 năm đại cương, tụi mình sẽ được chọn chuyên ngành chính và một chuyên ngành phụ”.

 

 7 cô gái Việt và trường ĐH Phụ nữ đặc biệt ở Bangladesh

Họ cũng chính là những người sáng lập dự án APMP

 

Các cô nàng hào hứng kể tiếp: “Những gì mà chúng mình không nghĩ tới đó là sự tận tâm của trường. Bất cứ yêu cầu hay đề xuất gì chính đáng đều được nhà trường giải quyết rất ổn thỏa. Nếu không được chấp nhận, họ sẽ đưa ra lí do tại sao không được. Vì thế, ở đây, trong trường ĐH phụ nữ này, mỗi người phụ nữ đều cảm thấy được lắng nghe và trân trọng.”

 

Các ngành học của trường trải dài và đa dạng từ khoa học tự nhiên đến khoa học xã hội. Hiện tại trường có 7 chuyên ngành: Châu Á học, Khoa học sinh học, Công nghệ môi trường Khoa học máy tính/ Công nghệ thông tin, Kinh tế học, Khoa học môi trường, Chính trị – triết học – kinh tế và Y tế cộng đồng. Ngoài ra trường còn có nhiều lựa chọn đa dạng dành cho sinh viên với 12 ngành phụ như: Châu Á học, Khoa học Sinh học, Trung Quốc học, Khoa học Máy tính, Nghiên cứu Phát triển, Kinh tế, Mỹ thuật, Nghiên cứu Giới tính, Toán học, Tâm lý học và Y tế cộng đồng.

 

 7 cô gái Việt và trường ĐH Phụ nữ đặc biệt ở Bangladesh

Nhóm dự án tổ chức tổng kết tại TP.HCM

 

7 cô gái học trường phụ nữ tỏ ra rất thích thú với phương pháp dạy và học tại trường khi kể câu chuyện có giáo sư khẳng định rằng: “Tôi không quan tâm ý kiến của bạn đúng hay sai. Vấn đề tôi quan tâm là nếu bạn thuyết phục được tôi và các bạn khác tin vào ý kiến của bạn, bạn thắng!”.

 

Với một môi trường toàn là nữ lần đầu được trải nghiệm, Thiên Thu cho biết: “Vì là nữ với nhau, nên có cảm giác an toàn trong bất cứ trang phục nào mình mặc đi học, miễn là mình cảm thấy thoải mái”. Nhiều nghiên cứu về môi trường giáo dục một giới tính (single-sex education) cho thấy môi trường này thực sự có hiệu quả cao trong việc phát triển tiềm năng của mỗi giới tính.

 

Học, thấu hiểu và mong muốn, vì thế ngay từ năm thứ nhất 7 cô gái này đã bắt tay triển khai dự án của riêng mình. APMP là từ viết tắt của dự án Adoption Promotion & Mentorship Program” – một dự án nghiên cứu về việc nhận con nuôi và chương trình cố vấn cho trẻ mồ côi ở Việt Nam. Dự án được lên ý tưởng từ tháng 2/2014 và chính thức thực hiện tại Việt Nam từ cuối tháng 5/2014 bởi chính 7 cô nàng này nhờ sự cố vấn trực tiếp của PGS. TS chuyên ngành tâm lý học Sharon Flicker.

 

Dự án của tình yêu

 

 7 cô gái Việt và trường ĐH Phụ nữ đặc biệt ở Bangladesh

Các cô gái và TNV trong dự án APMP tại Thành phố HCM hè 2014

 

Nhận được sự hỗ trợ từ Viện Nghiên Cứu Giáo Dục, trực thuộc ĐH Sư phạm TP. HCM, là cơ quan tuyển sinh đầu vào của trường AUW, các cô gái quyết định tiến hành dự án APMP.

 

Phần một là cuộc nghiên cứu về thái độ và quan điểm của người Việt Nam đối với việc nhận nuôi con trong nước. Song song là chương trình “Vì nụ cười trẻ thơ” gồm 2 hoạt động là nhảy Flashmob và vẽ henna nhằm khích lệ việc nhận con nuôi tại Công viên văn hóa Lê Thị Riêng ngày 10/8 vừa qua.

 

 7 cô gái Việt và trường ĐH Phụ nữ đặc biệt ở Bangladesh

7 cô gái trong quá trình đi thăm và thực hiện dự án ở TP.HCM

 

Thông qua việc truyền tải trải nghiệm thực tế của những gia đình/cá nhân nhận nuôi đến với cộng đồng, dự án mong muốn giúp mọi người có cái nhìn khách quan, toàn diện hơn về việc nhận nuôi con.

 

Bên cạnh đó, cả nhóm nhận thấy rằng, những hoàn cảnh đặc biệt One-on-One đã được áp dụng ở nhiều quốc gia trên thế giới nhưng chưa thực sự phổ biến ở Việt Nam. Vì thế, họ đã quyết định tiếp tục triển khai mô hình “một kèm một” với sự giúp sức của tổ chức Big Brothers Big Sisters. Tính đến thời điểm này, họ đã có 8 tình nguyện viên nhận đỡ đầu và đồng hành với 8 em nhỏ khiếm thị tại mái ấm Huynh Đệ Như Nghĩa. Công việc của các TNV là gặp các em nhỏ của mình mỗi tuần 1 lần và duy trì việc này trong một năm.

 

Mỹ Duyên nói rằng: “Thực ra, cái các em thiếu thốn không hẳn là vật chất mà là tình thương. Các em ấy thực sự mong muốn có người yêu thương, che chở và trò chuyện với mình”.

 

Cuối tháng 8, 7 cô gái đã quay trở lại Bangladesh để tiếp tục hoàn thành khóa học của mình tại ngôi trường đặc biệt- AUW. Ở Việt Nam có lẽ còn rất nhiều việc phải làm, vì thế, mong rằng các cô gái nhỏ nhắn này sau khi hoàn thành khóa học sẽ cùng nhau quay về Việt Nam và làm tiếp những câu chuyện phi thường dang dở.

 

Nguồn: Tiin

Share.

Leave A Reply