9 lý do học tiếng Anh 10 năm không giỏi

0

SSDH – Thầy giáo Nguyễn Anh Đức cho rằng học tiếng Anh 10 năm không thể giỏi là do luôn mang trong đầu ý nghĩ học tiếng Anh rất khó hay chỉ loay hoay học ngữ pháp.

 

Lý do thứ nhất: Luôn mang trong đầu ý nghĩ “tiếng Anh rất khó” và những ai giỏi tiếng Anh chắc hẳn phải được đầu tư từ bé, hoặc gặp may hay có một năng khiếu đặc biệt về việc học ngoại ngữ. Những người suy nghĩ thế này luôn cảm thấy khó chịu với tiếng Anh đến mức dị ứng với nó. Mỗi khi học tiếng Anh ở bất cứ nơi đâu, thay vì cởi mở bản thân để cho tiếng Anh đi vào, họ sẽ luôn tìm kiếm những bằng chứng để chứng minh rằng học tiếng Anh là rất khó như: học từ mới khó nhớ và hay quên; hay nghe tiếng Anh là một cơn ác mộng khi mà người ta nói quá nhanh, dùng nhiều từ phức tạp và thành ngữ rối rắm; hay học ngữ pháp rất nhiều nhưng không thể nắm chắc được ngữ pháp tiếng Anh…

 

Một cách tự động, những người có cùng “ý tưởng lớn” đó tự thu hút nhau để lập thành một hội mang tên anti-English (phản đối tiếng Anh), mà mỗi khi nói đến việc học tiếng Anh khó khăn ra sao thì cả hội sẽ “chém gió” rầm rộ với đầy đủ bằng chứng vô cùng thuyết phục rằng tiếng Anh rất khó. Bằng cách đó, họ sẽ chẳng bao giờ muốn học tiếng Anh chứ đừng nói tới chuyện thành thạo ngôn ngữ này.

 Nguyễn%20Anh%20Đức.jpg

Thầy giáo Nguyễn Anh Đức.

 

Lý do thứ hai: “Thiên tài ngữ pháp”, tức là hãy học ngữ pháp, ngữ pháp và ngữ pháp. Những người luyện theo cách này luôn có một suy nghĩ là chưa nắm chắc được ngữ pháp tiếng Anh thì chưa thể nào sử dụng được tiếng Anh vào việc nói và viết. Những người này luôn cảm thấy mình đúng khi liên tục gặp những cấu trúc ngữ pháp hay là những mẫu câu mà họ chưa thuộc, chưa biết hoặc thậm chí là đã học nhưng… đã quên. Họ tự than thở rằng “thấy chưa, mình học ngữ pháp nhiều như thế mà vẫn đọc phải những câu mà mình chưa biết cấu trúc, và những hiện tượng ngữ pháp mới vẫn còn đầy rẫy ra đấy…” và họ lại thúc giục bản thân là phải tiếp tục học ngữ pháp để thực sự hoàn thiện ngữ pháp đã, vì ngữ pháp mà còn không biết thì làm sao có thể hiểu được tiếng Anh.

 

Kết quả là những người này sẽ về tiếp tục “cày cuốc” với các cấu trúc ngữ pháp như một “nhà bác học nghiên cứu tiếng Anh” để rồi… lâu lâu lại thấy quên và càng học nhiều càng thấy ngữ pháp tiếng Anh rối rắm, nhiều điều bất quy tắc, nhiều cấu trúc câu quá phức tạp và khó nhớ… Rồi đến một ngày những “nhà bác học” này kết luận xanh rờn sau nhiều năm “ngâm cứu” rằng: Ngữ pháp tiếng Anh thật là rắc rối và rất khó mà nắm bắt hết được.

 

Lý do thứ ba: Học thật nhiều từ vựng đơn lẻ, với một tập giấy chép từ vựng dày cộp. Nếu bạn luyện theo cách này, “thành tựu” mà bạn đạt được sẽ là học đâu quên đấy, học trước quên sau; học nhiều quên nhiều, học ít quên ít, và không học… thì không có gì để quên. Những cao thủ luyện theo cách này thường học theo kiểu tra từ mới và viết nó ra giấy… nhưng chỉ viết từ đó mà thôi.

 

Họ chép từ ra giấy theo từng từ riêng lẻ, không tra các từ vựng phái sinh ra từ từ mới mà họ đã tra cứu. Trong khi vốn dĩ từ vựng trong tiếng Anh thường có một họ từ phái sinh; một từ là động từ thì có thể thêm đuôi vào để thành danh từ, hay tính từ… và ngược lại một từ là tính từ thì có thể thêm đuôi hoặc biến đối đuôi để trở thành động từ hay danh từ… và việc tạo từ mới theo cách đó gọi là từ phái sinh, và lại càng không thèm viết ra những cụm từ có từ mới mà họ tra cứu trong bối cảnh cụ thể nào đó. Vì đơn giản là có quá nhiều từ và nhiều nghĩa của một từ đó được liệt kê ra trong từ điển…

 

Viết tất cả ra như đã nêu trong từ điển thì có thể sẽ bị “tẩu hỏa nhập ma” mất. Sau đó những cao thủ này sẽ có một vài tập giấy thật dày ghi chép rất nhiều từ vựng, và có thể là họ sẽ dán những mẩu giấy từ vựng này khắp phòng để giúp họ học thuộc từ nhanh hơn. Nhưng kết quả là họ luôn cảm thấy từ vựng thật khó nhớ, học trước quên sau, và họ sẽ nghi ngờ vào trí nhớ hay thậm chí là khả năng trí tuệ của mình.

 

Mỗi khi làm bài thi, những cao thủ này vẫn bất lực với vấn nạn mà họ luôn gặp phải là luôn có quá nhiều từ mới, cũng như khi đọc hay nghe tiếng Anh họ vẫn luôn thấy từ mới là vấn đề lớn. Và ngay cả khi bài đọc hay bài nghe không có từ mới, việc hiểu rõ những gì mà tài liệu viết hay bài nói luôn là thách thức lớn mà phải mất nhiều thời gian để hiểu, thậm chí suy luận ra nghĩa của câu, nhưng họ cũng không dám tin chắc chắn vào suy luận ngữ nghĩa đó của mình.

 

Lý do thứ tư: Học tùy hứng, lúc nào thích thì học. Những cao thủ học tiếng Anh tùy hứng sẽ luôn đặt ra câu hỏi: làm thế nào để tìm thấy hứng thú học tiếng Anh? Và họ mải mê đi tìm hứng thú mà quên đi một sự thật là cảm hứng học tiếng Anh chân chính chỉ sinh ra trong chính quá trình học tập, còn nếu chỉ đi tìm hứng thú bên ngoài thì đó chỉ là những cảm hứng nhất thời và sẽ trôi qua nhanh. Kết quả là người học theo cảm hứng sẽ rất nhanh mất hứng.

 

Việc học tiếng Anh vì thế mà hay bị gián đoạn giống như dòng cảm hứng lúc có lúc không vậy. Kết quả là những cao thủ theo trường phái “tùy hứng” này sau nhiều năm vẫn mải mê đi tìm cảm hứng, nhưng họ vẫn không ngừng hát vang điệp khúc không có cảm hứng học tiếng Anh. Vì vậy, sau nhiều năm tiếng Anh của họ vẫn chưa thể nào đạt đến trình độ đủ để giao tiếp hoàn toàn độc lập.

 

Lý do thứ năm: Học tiếng Anh câm. Tức là mọi suy luận ngôn ngữ đều diễn ra trong đầu một cách thầm lặng. Tai không mấy khi nghe tiếng Anh, miệng cũng chẳng nói tiếng Anh nhiều cho lắm, tay thì mải mê điền đáp án cho những câu hỏi trong các cuốn sách tiếng Anh… với một “niềm tin lớn” rằng điểm cao tiếng Anh thông qua các bài kiểm tra trên giấy cũng có nghĩa là mình giỏi tiếng Anh. Những cao thủ thuộc trường phái “tiếng Anh câm” này thường rất tự tin rằng tiếng Anh của mình thật là chắc chắn, nhưng sự thật là khả năng nghe và nói tiếng Anh của họ rất thất vọng. Một sự thực hiển nhiên đó là các yêu cầu của bài thi trên giấy gồm các bài tập điền từ, chia động từ, hay đọc hiểu, hoàn toàn khác với việc giao tiếp bằng tiếng Anh trong cuộc sống.

 

Trong giao tiếp tiếng Anh thực tế, phản xạ nghe và nói nhanh nhạy mới là điều quan trọng, và khả năng sử dụng tốt các cấu trúc câu giao tiếp, vốn dĩ chẳng bao giờ xuất hiện trong các bài kiểm tra ngữ pháp cầu toàn, mới đóng vai trò quyết định tới sự thành công hay thất bại của việc sử dụng tiếng Anh. Và sau nhiều năm được điểm cao trong các bài kiểm tra ngữ pháp, những người chợt thấy mình lúng túng và kém cỏi trong giao tiếp thực tế. Lúc này, họ luôn có nhu cầu chuyển đổi những thành tựu ngữ pháp thành lời nói. Nhưng việc này hoàn toàn không dễ dàng, và phải mất nhiều thời gian thực sự luyện nghe và nói nữa thì họ mới có thể vận dụng tốt cái vốn ngữ pháp của họ để nói tiếng Anh được thực thụ.

 

Lý do thứ sáu: Cầu toàn – chỉ đợi khi đúng hẳn ngữ pháp thì mới nói hay viết tiếng Anh. Đây là một lý do khá phổ biến với người mới học tiếng Anh, vì họ quan niệm rằng tiếng Anh gồm ngữ pháp cộng với từ vựng. Và khi chưa nắm chắc ngữ pháp thì sẽ không thể diễn đạt được các câu tiếng Anh cho đúng. Chính vì vậy, họ mải mê đào sâu các sách ngữ pháp để học. Nhưng sự thật là càng học nhiều ngữ pháp, người học càng cảm thấy rối rắm và dễ chán nản, vì tiếng Anh vốn có rất nhiều yếu tố ngôn ngữ ngoại lệ khó học thuộc hết được, và ngay cả khi thuộc được vài điều ngoại lệ đó thì người ta cũng sẽ bị quên rất nhanh.

 

Một sự thật mà người học theo trường phái “cầu toàn” không nhận ra đó là ngữ pháp chỉ là các quy luật hình thành câu. Hay nói một cách sâu xa hơn thì câu chính là chuỗi lời nói, hay chuỗi âm thanh, diễn đạt đủ một ý. Như vậy quy tắc hình thành câu, hay ngữ pháp, chính là quy luật của âm thanh. Và đã là quy luật của âm thanh thì chỉ có thường xuyên nói các cấu trúc câu thành lời, và thường xuyên nghe tiếng Anh thì mới “cài đặt” được chuỗi âm thanh có nghĩa trong bộ nhớ, và từ đó mới nghe và nói được tiếng Anh. Quá trình nghe rồi nói ra của người học tiếng Anh luôn có thể mắc lỗi. Nhưng việc tích cực nói, tích cực viết, chấp nhận mắc lỗi, và luôn có ý thức sửa lỗi, mới làm cho ngữ pháp tiếng Anh của người học trở nên hoàn thiện cả trên mặt giấy cũng như trong lời nói.

 

Lý do thứ bảy: Học tiếng Anh theo phong cách suy luận như học toán. Những người luyện theo cách hiểu logic toán học đối với tiếng Anh thường thất vọng khi thấy càng học tiếng Anh nhiều, càng thấy chúng không logic. Thực tế những môn học tư duy như toán học thì chỉ cần hiểu được nguyên tắc là có thể suy luận ra lời giải của các bài toán khác. Nhưng tiếng Anh lại là môn học của kỹ năng và thói quen. Tức là nó đòi hỏi sự lặp lại nhiều lần của việc nghe và nói, đọc và viết để trở nên thành thạo. Những người mải mê tìm quy luật logic trong tiếng Anh sẽ luôn nếm trái đắng vì chẳng bao giờ có thể tìm ra được nếu không gặp được những người thầy cực kỳ am hiểu tiếng Anh.

 

Ý chí tìm kiếm quy luật logic không sai. Vì thực tế tiếng Anh có một quy tắc ngữ pháp và cả ngữ âm khá rõ ràng, và người ta hoàn toàn có thể vẽ ra một bức tranh logic về ngữ pháp tiếng Anh, hoặc chỉ ra những quy luật chính xác về mặt ngữ âm để bạn có thể dễ dàng phát âm đúng các từ và nói đúng ngữ điệu của câu tiếng Anh mà không cần tra từ điển. Tuy nhiên, chỉ có một số ít những người nghiên cứu tiếng Anh chuyên sâu hoặc những người thầy rất giàu kinh nghiệm mới có thể chỉ ra các quy luật này cho bạn. Còn người học tiếng Anh thì không đủ am hiểu và kiến thức đủ sâu rộng để tìm ra được các quy luật ấy, nên họ sẽ luôn rơi vào ma trận phức tạp và rối rắm của tiếng Anh. Vậy nên, tốt nhất các bạn thuộc trường phái này nên vận dụng ngay những gì đã biết để nói và viết, mà chấp nhận là đôi khi sẽ bị mất logic hoặc có thể sai, nhưng ít nhất họ cũng dùng được những gì mà họ có.

 

Lý do thứ tám: Chỉ học từ giáo viên Việt Nam. Bạn thắc mắc tại sao trong một lớp đại học của bạn, có nhiều sinh viên nói theo nhiều giọng khác nhau như: người thì nói tiếng Việt theo giọng Hà Nội, có người nói tiếng Việt theo giọng Nghệ An, có người nói giọng TP Hồ Chí Minh…? Vì họ sinh ra và lớn lên trong môi trường của chất giọng đó. Họ nghe từ bé cho tới khi lớn lên, và chất giọng đó biến thành tiềm thức và định hình thành kỹ năng phổ biến nhất về cách nói tiếng Việt của họ, dĩ nhiên là họ sẽ nói theo giọng địa phương của họ.

 

Tóm lại là bạn nghe giọng gì nhiều thì bạn sẽ “sản xuất” ra đúng như những gì bạn nghe thấy. Và học tiếng Anh cũng vậy, nếu bạn chỉ nghe giáo viên Việt Nam nói tiếng Anh thì kết quả là bạn sẽ mắc những lỗi mà chính những giáo viên Việt Nam đó mắc phải như không rõ âm cuối, sai trọng âm, phát âm sai, và cả hình thành câu sai nữa… Bạn sẽ nói lại những gì bạn nghe, và dĩ nhiên là nói theo cả cái sai của giáo viên của bạn.

 

Giáo viên Việt Nam dạy tiếng Anh cũng chỉ là người học tiếng Anh như chính bạn, chỉ khác ở chỗ là họ đã học nhiều hơn bạn tới mức đủ để làm thầy, chưa kể là không phải 100% giáo viên tiếng Anh đều đủ khả năng ngôn ngữ thực thụ để đứng lớp. Và nếu chỉ nghe các giáo viên Việt Nam nói tiếng Anh thì bạn cũng sẽ nói ra một thứ tiếng Anh mang tên Vinglish (tức là: Vietnamese English) mà chỉ có bạn và những bạn bè Việt Nam khác hiểu bạn khi nói tiếng Anh, chứ chưa chắc người Anh bản ngữ hiểu được bạn nói gì, dù ai cũng biết bạn đang cố gắng nói tiếng Anh.

 

Lý do thứ chín: Không xác định mục tiêu rõ ràng và không định lượng cụ thể để học. Đây chính là nguyên nhân khiến nhiều người học tiếng Anh không bao giờ đến đích. Mục tiêu không rõ ràng có nghĩa là người học nhầm lẫn giữa mục tiêu và mục đích. Mục đích học là để trở nên thành thạo với tiếng Anh, nhưng mục tiêu là thành thạo ở mức độ cụ thể nào: ví dụ đạt 7.5 trong bài thi IELTS, hay nắm vững toàn bộ 99 mô hình câu tiếng Anh và 3.500 từ vựng để đạt trên 900 điểm trong bài thi TOEIC và giao tiếp hoàn toàn độc lập, thành thạo trong môi trường thương mại quốc tế? Phần lớn người học tiếng Anh không đặt mục tiêu bằng con số cho mình, và vì vậy họ không xác định được khối lượng kiến thức cần học và số giờ rèn kỹ năng cần phải đầu tư.

 

Chính vì thế mà họ không thể chia khối lượng kiến thức và số giờ đó vào mỗi tuần hay mỗi ngày để biến thành chỉ tiêu phải hoàn thành cho từng ngày hay từng tuần. Những người học tiếng Anh theo “trường phái không mục tiêu cụ thể” này sẽ thường bỏ học giữa chừng vì động lực học tập bị mất đi rất nhanh. Sự hào hứng với suy nghĩ ban đầu về một phần thưởng là sử dụng được tiếng Anh, một ngoại ngữ quan trọng nhất, sẽ nhanh chóng biến mất khi những khó khăn cố hữu của tiếng Anh kéo đến. Việc bỏ học giữa chừng là điều thường thấy ở những người không có mục tiêu học tập cụ thể này. Và kết quả là những người theo nhóm này sẽ thường học đi học lại các khóa học tiếng Anh ở một trình độ rất thấp và họ vẫn sẽ lại bỏ cuộc.

 

Thầy giáo Nguyễn Anh Đức

Tác giả cuốn sách Luyện siêu trí nhớ từ vựng tiếng Anh theo phương pháp Do Thái

Share.

Leave A Reply