Ăn – Cầu nguyện – Yêu ở Bhutan (Phần 1)

0

Sẵn sàng du học – Ăn – Cầu nguyện – Yêu là hành trình trải nghiệm thi vị trong chuyến du lịch Bhutan đáng nhớ của tôi.

Mới đầu, tôi định đặt tên bài viết là “An Lạc Bhutan”, vì tôi cảm thấy gọi Bhutan là xứ sở hạnh phúc, nghe có gì đó kiểu cổ tích công chúa hoàng tử, chưa chuẩn xác. Hạnh phúc, tiếng Anh là Happy, có vẻ dễ hiểu, nhất là đối với nền văn minh thực tế châu Âu. Bhutan, The Happiest Country, dịch vậy, dân Tây họ hiểu ngay. Tuy nhiên, nếu được phép, tôi xin được gỡ bỏ tính từ thông dụng và quen thuộc này, và thay vào đó tính từ “An Lạc”.

Sau cùng, trong đầu tôi bỗng nảy ra ý tưởng đặt tên bài viết là “Ăn – Cầu nguyện – Yêu ở Bhutan”. Ai chăm đọc đều biết đến cuốn tự truyện đầy lôi cuốn, tinh tế, và tươi sáng của tác giả Elizabeth Gilbert. Trong cuốn sách, bà mô tả bản thân như một người thành thị điển hình, vật vã, lạc lõng, quay cuồng, chán chường trong mớ bòng bong cuộc sống (tưởng chừng như) êm ấm, thành công, hạnh phúc của chính bản thân mình. Bà quyết định tự tìm lại bản thân qua những chuyến đi.

ssdh-bhutan

Ở nhà, người ta đang thúc đẩy chiến lược quảng cáo – marketing du lịch Bhutan như một xứ sở thiên đường lấp lánh. Nhiều người hồ hởi tìm đến Bhutan để… hưởng thụ khái niệm Hạnh Phúc theo cảm quan của bản thân, rồi thẫn thờ với khái niệm Hạnh Phúc kiểu Bhutan không giống như người ta kì vọng. Như vậy, vô hình chung, bạn tự biến mình thành lạc lõng, thơ thẩn như Gil người châu Âu mất rồi. Bạn tìm về Bhutan khi bạn thực sự biết mình là ai, mình đón nhận điều gì, mình ở đâu, và mình bình thản với mọi buồn – vui do chính mình tạo ra và mình xứng đáng được nhận.

Giờ, chúng ta cùng để lại mọi ý niệm, trở về trạng thái tinh thần thật rỗng, tâm hồn rộng lòng hết mức, và nếu có thể, một cái bụng đói nữa, để đón nhận những điều bất ngờ về Bhutan mà tôi sắp kể với bạn nhé!

ĂN

Để đến được Bhutan, chúng ta phải bay sang Bangkok hoặc Nepal. Rồi từ hai nơi đó bay tiếp. Vì Hà Nội gần Bangkok hơn nên tôi bay sang Bangkok, rồi sẽ bay tiếp sang Bhutan vào sớm ngày hôm sau. Trước khi đáp ở Bhutan, chúng ta lại quá cảnh thêm lần nữa ở Ấn Độ.

ssdh-bhutan1

Từ Bangkok bay sang Ấn, trên chuyến bay của hãng hàng không Bhutan DrukAir – một trong hai hãng hàng không được hoạt động ở Bhutan, tiếp viên hàng không sẽ hỏi bạn ăn thịt hay… ăn chay. Hành khách trên chuyến bay hồ hởi cố níu kéo nốt bữa thịt cho ra thịt cuối cùng trước khi sang xứ sở An Lạc. Đến lượt tôi, ngồi giữa khoang máy bay, là không còn lựa chọn. Tuy nhiên, tôi vui vẻ, vì tôi ở nhà thì cảnh vẻ vậy, chứ đi du lịch thì tôi thích nghi nhanh lắm. Vả lại, tôi không ăn chay trường, nhưng cũng thường ăn chay, nên tôi rất hưởng thụ món chay theo phong cách Ấn này. Tức là chay kiểu cà ri rau củ quả kèm ớt, thêm nhiều bơ sữa, phô mai. Khá “thi vị” nếu bạn không quen phong cách vận dụng đa dạng đến hoành tráng các loại gia vị – thảo dược. Tuy nhiên, Bhutan chứ không phải Nhật Bản hay Hàn Quốc. Thay vì giữ khư khư quan điểm ngon chúng ta đang nằm lòng, thì bạn nên thở phào một cái, nếu còn lựa chọn Thịt, thì cũng thử “điên rồ” một chút, ăn chay cùng tôi. Chúng ta cùng nhàn nhã nhai chậm rãi món gạo kiểu Ấn khô khốc, nếm thử sốt cà ri củ quả đượm vị nồng cay quyện cùng hương thơm the the của lá thảo dược, cảm nhận các lớp gia vị xoay vần luân chuyển kết hợp nhuần nhuyễn khiến vị giác đang có cảm giác sợ hãi dè chừng, dần quen với điều mới mẻ, cảm thụ điều mới mẻ, yêu lấy điều mới mẻ. Đừng bị ác cảm món Ấn nồng mùi mà hãy thoải mái cảm nhận món ăn như một sự kết hợp cầu kì và mãnh liệt của nhiều nguyên liệu, đặc biệt là các loại lá, loại hoa – gia vị. Nhiều loại gia vị bạn đang nếm lúc này, cũng được dùng trong việc… tạo mùi thơm trong nước hoa đấy.

ssdh-bhutan2

Tôi quá cảnh tại Ấn Độ. Ngồi yên ắng trong máy bay, lắng nghe dạ dày tập làm quen với tầng tầng lớp gia vị, phô mai, bơ sữa. Chút nữa thôi, chúng ta sẽ từ Ấn Độ bay sang xứ sở An Lạc. Chút nữa thôi, chúng ta sẽ được ăn bữa ăn đầu tiên mang đúng phong cách Bhutan.

Bữa ăn kế tiếp. Tiếp viên không cần hỏi bạn dùng gì nữa. Vì chỉ một lựa chọn thôi. Chay cho nhẹ nhàng!

Chưa đến Bhutan mà đã chỉ toàn thấy… chay với cay thế này. Bạn đã hoảng hồn, đã vỡ mộng về quốc gia Hạnh Phúc chưa?

Thực tế, Những ngày ở Bhutan, bạn có quyền ăn thịt. Không ai cấm bạn cả. Bản thân người dân Bhutan vẫn ăn thịt, chứ xứ An Lạc không ăn mỗi lạc như mọi người lầm tưởng (đùa đấy). Các loại thịt gà, thịt lợn, thịt bò… được nhập từ các nước láng giềng. Chủ trương của đất nước An Lạc là không giết mổ. Cách người Bhutan ăn uống khá đồng điệu với người Ấn Độ ở điểm dùng nhiều bơ sữa, phô mai trong món ăn lẫn món uống, các món ăn thường cay, các loại rau thường được xào cùng phô mai và ớt. Nếu hỏi quả gì là quốc quả của Bhutan, khỏi suy nghĩ, tôi cho bạn câu trả lời luôn, đó là quả ớt. Cay cũng là loại gia vị được ưa chuộng nhất ở xứ An Lạc. Đâu đâu bạn cũng thấy ớt. Ớt đầy ngoài chợ, ớt đỏ phơi khô hàng bao tải trong nhà người dân, mở mâm cơm ra, sừng sững đĩa ớt xanh cay xè xào pho mai ngậy nức nở. Tóm lại, ẩm thực Bhutan thế nào, tôi xin được tóm gọn thành 3CH: Chay, Chili (Ớt), Cheese (phô mai). Người Bhutan chuộng ăn rau củ quả, ăn nhiều trứng gà, không ham hố ăn thịt. Các món ăn chế biến không cần cầu kì. Món nào cần nấu chín thì nấu chín là đủ, nếu thêm cay nữa thì hoàn hảo. Những ngày ở Bhutan, tôi tập làm quen với khái niệm Ngon theo phong thái giản đơn, lành vị, và… cay mãnh liệt. Có mà ăn là Ngon, là may mắn, hạnh phúc rồi.

ssdh-bhutan3

Đi du lịch Bhutan, thế nào bạn cũng được dặn dò là nên mang theo nào ruốc, nào mì ăn liền, nào thịt bò khô hoặc là bê nguyên cả cái tủ lạnh theo cho nó… an toàn. Tôi thì cầm theo ít đồ chay, chủ yếu làm quà cho những người bạn đồng hành Bhutan, ít bánh kẹo khi ngồi chơi cùng người dân Bhutan, và các loại hạt để ăn vặt. Tại sao đến một nơi mới mẻ rồi lại ăn những thứ hàng ngày bạn vẫn ăn nhỉ? Tôi thấy có gì đó sai sai, nặng nề, và không… an lạc ở lời dặn dò quá cẩn trọng này.

Tóm lại, nếu khoái cảm của bạn là làm bếp, không theo những quy chuẩn, không ngại tiếp nhận những điều mới mẻ, thì Bhutan là một nhà bếp thú vị và bất ngờ. Bơ địa phương siêu ngậy, phô mai địa phương siêu cứng, các loại gia vị ẩn dật nghe qua đã muốn thử như hạt tiêu Sichuan (tiêu Tứ Xuyên có mùi – vị “bốc lửa” dữ dội, cực mãnh liệt; ngoài việc làm gia vị món ăn, mùi thơm đặc biệt của loại tiêu này còn được dùng trong nước hoa), hay Saffron (nghệ tây, cụ thể hơn là nhụy hoa nghệ tây, loại gia vị quý hiếm, rất đắt đỏ, vừa được dùng trong ẩm thực, lại rất được trọng dụng trong nước hoa) đều là những món quà tinh túy không thông dụng Bhutan dành tặng bạn.

Cá Domino (SSDH) – Theo elle.vn

Share.

Leave A Reply