‘Ba ơi, mình đi đâu?’ – có nỗi bất hạnh nào còn hơn được nữa

0

Sẵn sàng du học – “Nếu một đứa trẻ ra đời là một điều kỳ diệu, thì một đứa trẻ tật nguyền ra đời lại là một điều kỳ diệu ngược lại”.

Ở tuổi 70, với Ba ơi, mình đi đâu?, lần đầu tiên Jean-Louis Fournier viết về hai cậu con trai tật nguyền của mình, cũng để dành tặng chúng như một món quà. Câu chuyện của ông khiến chúng ta ngưỡng mộ. Một bi kịch hòa quyện với chừng ấy điều nực cười, bất hạnh, một bi kịch hòa quyện với chừng ấy những tình thương và sự âu yếm.

Jean-Louis Fournier xưng “tôi” để trở thành người dẫn đường trong tự truyện. Hãy tưởng tượng xem, một người đàn ông sẽ phải đối mặt thế nào khi hay tin lần lượt những đứa con của mình bị tật nguyền. Chúng vĩnh viễn không thể lớn, không thể phát triển như những đứa trẻ bình thường. Một gánh nặng không thể sẻ chia cùng ai, khi người vợ cũng đã bỏ ông đi mất.

Khoan, xin đừng vội trách bà mẹ nhẫn tâm, đó chỉ là một sự giải thoát để cả gia đình không bị ép tới sự khốn cùng. Jean-Louis Fournier là vậy, ông tự giễu bản thân bằng giọng văn trào lộng, lấy chính mình để chọc cười nhằm xua đuổi nỗi buồn đang ngày ngày âm ỉ.

Tác phẩm Ba ơi, mình đi đâu? của nhà văn Pháp Jean-Louis Fournier.

Tác phẩm Ba ơi, mình đi đâu? của nhà văn Pháp Jean-Louis Fournier.

Gà trống nuôi con đã là kỳ tích, một mình chăm sóc hai đứa trẻ tật nguyền quả là một minh chứng của sự dũng cảm phi thường. Với Mathieu suốt ngày chỉ kêu “brừm brừm” vì nghĩ mình là động cơ máy nổ, một Thomas ngờ nghệch chẳng biết làm gì, nói gì ngoại trừ một câu hỏi duy nhất lặp đi lặp lại: “Ba ơi, mình đi đâu?”, hẳn người đàn ông này đã rất vất vả.

Chúng ta sẽ thấy một Jean-Louis Fournier thành thật, một Jean-Louis Fournier đáng thương. Ông luôn tự hỏi vì sao Thượng đế lại nỡ hờn ghen với hạnh phúc, giáng cho ông một tai họa đau đớn thế này. Những uất ức dồn nén, ông từng muốn uống thật say rồi quyên sinh cùng hai đứa trẻ, hoặc vứt quách chúng ra ngoài cửa sổ không một chút thương xót.

Đã có lúc độc giả cảm thấy rõ sự hằn học, độc ác của người cha ghì nặng lên trang sách, không quên giễu theo giọng điệu mỉa mai. Phải rồi, chính nhờ chúng bây, đám con tật nguyền kia mà ta được lợi đủ thứ thuế má, những ưu đãi mà xã hội “phải” chu cấp, niềm vui chớm hé ngay từ trong bất hạnh. Jean-Louis Fournier gượng cười để kể lại, một nụ cười còn in nguyên nỗi buồn khôn tả.

Nhưng sau tất cả, vô vàn thù hằn, mỉa mai ấy được phủ lấp bằng tình thương và những sự âu yếm. “Ba” đây rồi, “ba” sẽ không bao giờ bỏ các con, những chú yêu tinh đáng yêu của “ba”. Ông không còn xưng “tôi” nữa, như một sự thay đổi dũng cảm, để hóa thành một người cha dịu hiền. Mathieu và Thomas không còn khiến ông cáu gắt, thay vào đó ông tự vẽ ra những nét dễ thương ở chúng.

Một tình yêu ngây thơ, thoải mái từ một đứa trẻ tật nguyền, thứ gì trên đời có thể thuần khiết bằng. Một nỗ lực phi thường vượt qua cảm xúc ngổn ngang để xích lại gần con hơn, ông phải tự nhủ với mình như vậy. Các con à, đừng đi đâu nhé, có ba, có ba đây rồi. Đứng trước nỗi đau Jean-Louis Fournier nhận ra mình là người đàn ông mạnh mẽ, mạnh mẽ nhất trần đời.

Sự thật luôn là đường thẳng còn ngõ cụt thì sừng sững đứng đó, Jean-Louis Fournier rốt cục vẫn là một người cha bất hạnh. Ông không thể làm gì khác ngoài đứng nhìn Đấng tạo hóa lần lượt cướp đi từng người con. Ông đã thực sự bị nhấn chìm trong bế tắc. Dù buồn nhưng Ba ơi, mình đi đâu?, một tác phẩm hướng chúng ta về cái thiện, chắp cánh nghị lực cho những số phận long đong.

Cá Domino (SSDH) – Theo news.zing.vn

Share.

Leave A Reply