Bí ẩn hòn đảo chỉ đón khách một ngày mỗi năm

0

Sẵn sàng du học – Bị bỏ hoang sau một dịch bệnh từ thế kỷ 19, hòn đảo Eynhallow giống như chiếc hộp rỗng trên quần đảo Orkney, ngoài khơi Scotland.

19h30, chuyến phà rời cảng Tingwall Jetty, thuộc quần đảo Orkney, tới một nơi thời gian đã ngừng trôi từ rất lâu về trước. Phía chân trời, một hòn đảo nhô lên từ mặt biển như tấm lưng của con cá voi khổng lồ, mắc kẹt giữa từng đợt sóng dâng trào và mặt trời đang ngả bóng.

Hành khách đợi phà tới Eynhallow. Ảnh: Mike McEacheran.

Hành khách đợi phà tới Eynhallow. Ảnh: Mike McEacheran.

Là một hòn đảo không có người sinh sống nằm về phía bắc Scotland, Eynhallow như đích đến của những cuộc hành hương, nơi diễn ra các nghi lễ, lưu truyền những câu chuyện dân gian và chốn cư ngụ của các hồn ma.

Tới gần Eynhallow, chiếc phà vẫn nổ máy, băng qua những trang trại, đồng cỏ gia súc và cánh đồng sình lầy. Hành khách trò chuyện rôm rả. Một gia đình người Mỹ đứng trên mũi phà, háo hức với camera sẵn sàng trên tay, thậm chí họ đã vượt cả đại dương để đến đây.

Dù chỉ cách đất liền 500 m, Eynhallow không một bóng người suốt 364 ngày trong năm. Không có chuyến phà nào ra đảo, chuyến đi do cộng đồng di sản Orkney tổ chức vào một tối tháng bảy hàng năm là cơ hội duy nhất để du khách có cơ hội đặt chân lên hòn đảo.

Ngay cả những người có thuyền riêng cũng gặp nguy hiểm nếu muốn tiếp cận Eynhallow, những con sóng lớn vây quanh đảo như tạo thành một dòng sông chảy xiết.

“Tôi nhìn thấy nó hàng ngày vậy mà tôi vẫn chưa hiểu gì về nó”, trích lời Bob Nelson, một nông dân về hưu vẫn ngắm hòn đảo ngoài khơi từ nhà mình.

Thật cường điệu khi ví Eynhallow với hòn đảo huyền thoại Atlantis của triết học gia Plato, nhưng phép so sánh ấy cũng chính xác. Nếu xem bản đồ tỷ lệ lớn của quần đảo Orkney, bạn sẽ khó lòng xác định được vị trí của Eynhallow.

Chỉ rộng 900 m, nhô cao 40 m tại điểm cao nhất, Eynhallow thậm chí không được hiển thị bằng một chấm mực trên bản đồ. Nó có màu sắc như hàng nghìn đảo tại Scotland khác, nhưng mọi thứ tại đây như ngừng lại, gần như là đứng yên.

Eynhallow im lìm giữa những hòn đảo của Orkney. Ảnh: Mike McEacheran.

Eynhallow im lìm giữa những hòn đảo của Orkney. Ảnh: Mike McEacheran.

Giống như Atlantis, Eynhallow có nhiều điều bí ẩn xoay quanh. Người Scotland lớn lên với những câu chuyện về hòn đảo ma ám. Theo truyền thuyết, những linh hồn quỷ quyệt sẽ khiến Eynhallow tan vào không khí nếu ai đó muốn đặt chân đến đây. Những người khác lại được kể về tiên cá biến hình để lên bờ vào mỗi mùa hè.

Những câu chuyện lịch sử dân gian khiến Eynhallow càng trở nên bí ẩn. Eynhallow thuở sơ khai đã mơ hồ, không ai có thể xác định chính xác nó bắt nguồn từ đâu. Trong chuyện lịch sử về những bá tước của Orkney từ thế kỷ 13, cái tên Eynhallow cũng chỉ được nhắc thoáng qua trong khi nguồn gốc những hòn đảo khác của Orkney đều được đề cập rõ ràng.

Dan Lee, nhà khảo cổ học từ đại học Cao nguyên và Biển đảo, cho hay: “Người trong vùng nói rằng hòn đảo tồn tại giữa hai thế giới, cả về mặt địa lý lẫn lịch sử. Một bệnh dịch lan khắp Eynhallow vào năm 1851, khiến những gia đình từng sống tại đây phải di tản. Để thanh tẩy Eynhallow và đảm bảo không ai quay trở lại, giới địa chủ ra lệnh tháo dỡ mọi mái nhà trên đảo. Kể từ đó, nó bị bỏ hoang”.

Đi qua một cánh đồng um tùm cây cỏ dại tới một tu viện đá hoang tàn, ông Lee nói rằng các nhà khảo cổ đã tìm thấy những tàn tích của nhà ăn, hành lang tu viện, tháp chuông và cổng tò vò phía trên thánh đường.

Bên cạnh những bức tường của tu viện, các nhà khảo cổ tìm thấy dấu vết của kiến trúc Trung cổ trong tường đá, mái nhà… hé lộ về một thời kỳ lịch sử cổ xưa hơn. Những di tích thuộc thời kỳ tiền sử như gò đất mai táng hay tường từ thời kỳ đồ đá cũng được phát hiện. Tất cả bằng chứng đó mở ra tấm bản đồ dẫn đến một thế giới chưa từng được khám phá.

Tu viện đổ nát của Eynhallow có thể là tu viện chính của cả quần đảo Orkney. Ảnh: Mike McEacheran.

Tu viện đổ nát của Eynhallow có thể là tu viện chính của cả quần đảo Orkney. Ảnh: Mike McEacheran.

Tiến sĩ Sarah Jane Gibbon, đồng nghiệp của ông Lee tại trường đại học, cho hay: “Eynhallow dịch ra có nghĩa là Đảo Thánh, nhưng ý nghĩa thực sự của nó ngay cả những cư dân trên đảo cũng chưa từng hiểu rõ. Orkney là nơi duy nhất tại Tây Âu không có tu viện chính thức, điều này cho thấy khả năng tu viện đó nằm trên Eynhallow. Giả thuyết này có thể đưa chúng ta về thế kỷ 11”.

Một kho tàng khảo cổ quý giá như Eynhallow thường sẽ được đầu tư nghiên cứu, nhưng so với những nguồn nghiên cứu khảo cổ dồi dào tại Orkney, bí ẩn về Eynhallow chưa từng được nhìn nhận thấu đáo.

Với những nhà môi trường học, ít nhất sự im ắng của Eynhallow có lợi cho chính hòn đảo này. Từ sau cuộc di tản hồi thế kỷ 19, Eynhallow trở thành nơi cư ngụ quan trọng đối với nhiều loài chim biển, những vách đá ngày nay là chốn làm tổ của hải âu cổ rụt, nhạn biển Bắc cực hay mòng biển.

Trên đường quay lại phà, tiếng từng đàn chim hoang dã chỉ còn vang vọng sau lưng các nhà khảo cổ, họ đang mải mê kể cho nhau những mẩu chuyện từ cuộc phiêu lưu vừa kết thúc. Từng người ghép lại những mảnh ghép của riêng mình để thay người xưa viết nên một câu chuyện lịch sử khác cho Eynhallow, cùng gánh vác trách nhiệm nối dài câu chuyện của hòn đảo.

Chuyến phà xa dần, Eynhallow trông như bức họa in lên nền trời rực ánh hoàng hôn, im lìm và một lần nữa biến mất giữa quần đảo Orkney.

Quần đảo Orkney bao gồm 70 đảo lớn nhỏ, là điểm đến phù hợp với du khách yêu thích lịch sử và khảo cổ, ngắm nhìn phong cảnh thiên nhiên và khám phá các loài động vật biển hoang dã.

Có ba chuyến phà hoạt động theo tuyến Scotland – Orkney, chạy tổng cộng 52 chuyến/tuần. Du khách từ bờ bắc Scotland có thể bắt phà Scabster, gần Thurso. Chuyến phà kéo dài khoảng hai giờ tới bờ tây nam của Orkney.

Du khách cũng có thể lựa chọn đi bằng máy bay tới sân bay Kirkwall, Orkney từ nhiều thị trấn tại Anh như Aberdeen, Inverness, Glassgow, Edinburgh hay Birmingham…

Du khách nên thuê ôtô tự lái để khám phá đảo chính tại Orkney và những đảo lân cận. Ngoài ra, người dân địa phương thường chọn phà để di chuyển giữa các đảo.

Cá Domino (SSDH) – Theo vnexpress.net

Share.

Leave A Reply