Bí quyết cân bằng cuộc sống khi du học

0

SSDH – Du học là bắt đầu một cuộc sống mới, bận rộn hơn, mới mẻ hơn – không đơn giản chỉ là ăn và học. Nhiều em cũng dành thời gian để giải trí cũng như làm thêm. Vậy làm cách nào để có thể thực hiện?

 du-hoc-sinh.jpg

Nhiều du học sinh Việt Nam thường đi làm thêm sau mỗi tuần học

 

Hồi hộp chờ ngày lên đường

 

Trong khi các bạn cùng lớp đang phấp phỏng chờ Bộ GD – ĐT công bố điểm sàn xét tuyển đại học, cao đẳng thì Quỳnh Trang (Hai Bà Trưng) đã chắc suất du học Mỹ. Mặc dù khá tự tin nhưng Quỳnh Trang cũng không tránh khỏi những lo lắng khi lần đầu tiên xa bố mẹ, sống độc lập ở một đất nước mà em mới chỉ biết qua sách báo. Trang cho biết: Em đã lên kế hoạch cụ thể: năm 1, học và đi chơi; từ năm thứ 2 sẽ đi làm thêm để tự nuôi được mình. Hy vọng, mọi việc diễn ra theo đúng kế hoạch.

 

Bà Vũ Kim Hường, Phó Giám đốc Công ty Giáo dục và Đào tạo Quốc tế Đại Tây Dương cho rằng, các bạn trẻ cần xác định đi du học thì việc học là quan trọng nhất. Học để có kiến thức, hình thành được những kỹ năng cho nghề nghiệp trong tương lai, nâng cao được khả năng sử dụng ngoại ngữ và dễ dàng hơn trong việc “ứng cử” vào các vị trí việc làm.

 

Tuy nhiên, theo bà Hường việc học ở môi trường nước ngoài tất nhiên là không dễ dàng, nhất là trong thời gian đầu khi hầu hết học sinh, sinh viên Việt Nam chưa làm quen với phương pháp giảng dạy của giảng viên cũng như khả năng ngoại ngữ còn hạn chế. Bên cạnh đó là những thói quen cũ trong học tập từ khi còn ở Việt Nam đã làm ảnh hưởng đến kết quả học tập cũng như nghiên cứu khi mới sang nước ngoài.

 

“Điều đầu tiên các em cần làm là có những người định hướng trong học tập, giúp đỡ trong từng môn, giảng giải từng nội dung và chính giảng viên cũng như người hỗ trợ sinh viên (Tutor) sẽ làm việc này chứ không ai khác. “Không thầy đố mày làm nên” mà. Nhưng, thời gian lên lớp cho 1 môn học hay một Seminar thường không nhiều và việc còn lại, thời gian còn lại là do các em “xử lý” nó.

 

Đừng quên việc hỏi một vấn đề nào đó em chưa hiểu. Nên hỏi càng nhiều càng tốt và cố gắng tiếp cận giảng viên, các bạn học cùng để hỏi. Hỏi càng nhiều thì bản thân các em sẽ “vỡ” ra nhiều điều mà chính các em tưởng như đã rõ nhưng thực tế thì vẫn còn khá mơ hồ”- bà Hường nhấn mạnh.

 

Làm và chơi vào lúc nào?

 

Một trong những mối quan tâm của các bạn du học sinh chính là việc làm thêm. Bà Hường cho biết, phần lớn các em đi du học đều quan tâm đến vấn đề này. Làm thêm để có ít thù lao nhằm trang trải cho việc học ở nước ngoài nhiều tốn kém hoặc để có tiền và đi du lịch đó đây. Tất cả đều rất đáng trân trọng. Bởi theo bà Hường thì khi làm thêm, dù là công việc bán thời gian ở các tiệm ăn, nhà hàng hay những công việc ở trường thì đều đem lại những trải nghiệm và thêm nhiều kiến thức, hiểu biết cho mỗi người mà trong giáo trình, sách vở không có.

 

Tuy nhiên, vị chuyên gia này nhấn mạnh, điều quan trọng là các em cần sắp xếp hợp lý để việc làm không ảnh hưởng nhiều đến việc học và cũng đừng quá ham làm thêm mà quên đi sức khỏe của bản thân cũng như “nhiệm vụ hàng đầu” khi đi du học. Theo đó, các em nên làm vào cuối tuần hoặc vào những kỳ nghỉ vì thời gian đó, việc học không phải là áp lực nhiều.

 

“Ngoài ra, việc đi du lịch cũng là việc các em nên thực hiện. Do môi trường hoàn toàn mới nên những chuyến dã ngoại các em nên đi với bạn bè cùng nhóm. Ngoài ra, các em nên tham gia các lễ hội tại địa phương cũng như tại trường. Nhiều trường có những ngày như “Ngày sinh viên châu Á” hay “Ngày sinh viên châu Phi”. Đây chính là cơ hội để các em có thêm nhiều cơ hội để hiểu về văn hóa, ẩm thực nước ngoài” – bà Hường chia sẻ.

 

Nguồn: Infornet

 

Share.

Leave A Reply