Bộ GD&ĐT sẽ tinh giản 5-7 tuần so với chương trình hiện nay

0

Sẵn sàng du học – Kết luận tại buổi họp trực tuyến, đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo chia sẻ sẽ ban hành hướng dẫn tinh giản chương trình học, để đến 15/7 kết thúc năm học.

Chiều ngày 25/3, kết luận tại cuộc họp trực tuyến của Bộ Giáo dục và Đào tạo với đại diện 63 tỉnh, thành trên cả nước, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ cho biết trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 phức tạp như hiện nay, Bộ sẽ tinh giản chương trình theo hướng giảm nhẹ nhất có thể. Các địa phương cũng căn cứ vào cơ sở đó để điều chỉnh phù hợp với thực tế. Đồng thời ma trận đề thi THPT quốc gia 2020, đề tham khảo sẽ được xây dựng sau khi có chương trình tinh giản.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ cho hay: "Việc tinh giản không thực hiện cơ học và phải đảm bảo cung cấp đầy đủ kiến thức nền tảng, cốt lõi của chương trình cho học sinh, đáp ứng yêu cầu chuẩn đầu ra".

Cụ thể, cuối tháng 3, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ ban hành hướng dẫn tinh giản chương trình học. Như thường lệ, mỗi năm học có 35-37 tuần, mục tiêu của Bộ là giảm 5-7 tuần so với chương trình hiện nay để đến 15/7 kết thúc năm học.

 

52000319 - stressed student  studying for exam in classroom

Cũng trong cuộc họp sáng ngày 25/3, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ đã trao đổi, thống nhất các giải pháp phải thực hiện khi dịch bệnh còn diễn biến phức tạp; triển khai việc lựa chọn SGK; chuẩn bị các điều kiện cần thiết, triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới vào năm học sau, đưa ra các phương án bàn bạc về việc giảm tải chương trình cho học sinh do ảnh hưởng COVID-19.

Việc tổ chức kỳ thi THPT quốc gia, hiện tại Bộ GD-ĐT vẫn giữ mốc thời gian dự kiến là ngày 8 đến 11/8. Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ nhấn mạnh Bộ GD-ĐT sẽ xây dựng ma trận đề thi THPT quốc gia, công bố đề thi tham khảo sau khi có chương trình được tinh giản, giảm tải cụ thể để nhà trường và phụ huynh có cơ sở chuẩn bị tốt nhất cho kỳ thi THPT quốc gia 2020.

Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học chia sẻ Bộ GD-ĐT đang gấp rút triển khai việc rà soát để giảm tải, lược bớt phần kiến thức hiện đang trùng lặp giữa các môn học. Những tiểu ban rà soát chương trình bao gồm các chuyên gia giáo dục, tác giả SGK, giáo viên phổ thông của từng môn học/cấp học. Các tiểu ban thống nhất hướng đến việc tích hợp các bài học trong SGK theo chủ đề.

Nguyên tắc rà soát sẽ dựa vào chương trình đối chiếu với SGK để giảm bớt các nội dung nâng cao, sao cho đảm bảo yêu cầu tối thiểu, nhưng có thể thực hiện trong bối cảnh hiện tại. Được biết việc tích hợp vẫn nằm trong SGK nhưng sẽ giúp tiết kiệm thời gian, thuận lợi cho thiết kế các bài học qua Internet và truyền hình như đang triển khai hiện nay.

Cá Domino (SSDH) – Theo Trí Thức Trẻ

Share.

Leave A Reply