‘Bóng đá như cuộc đời, có bóng tối, có vẻ đẹp riêng’

0

Sẵn sàng du học – Dũng Lê, tác giả sách "Việt vị", cho rằng bóng đá cũng như cuộc đời, có những vinh quang và góc khuất, bên ngoài sân cỏ là câu chuyện văn hóa, nhân văn.

Việt vị là cuốn sách của cây bút Dũng Lê và designer Duy Đào, viết về những câu chuyện có thật, những góc tối của bóng đá thế giới. Tác giả Dũng Lê đã chia sẻ về ý tưởng, kỳ vọng và quá trình thực hiện cuốn sách đặc biệt này.

– Khi thực hiện cuốn sách về bóng đá, các tác giả chủ đích đưa điều gì mới mẻ hơn vào sách?

– Thú thật tôi không mua nhiều sách bóng đá tiếng Việt lắm, tôi thường đọc sách tiếng Anh nhiều hơn. Sách bóng đá ở Việt Nam tôi cảm thấy phần nhiều là tự truyện, sau đó là những câu chuyện về những đội bóng lớn, cá nhân lớn.

5 phiên bản của sách Việt vị.

5 phiên bản của sách Việt vị.

Chúng tôi thực hiện cuốn sách này để nói về những con người không tên, những câu chuyện, sự kiện mà ai cũng biết nhưng đằng sau nó có những câu chuyện, số phận khác.

– Tại sao các tác giả lựa chọn khai thác những vụ việc mặt tối bóng đá?

– Đây là một tham vọng của chúng tôi, có thể bản thân tôi nhiều hơn, đó là công bố mặt tối bóng đá để nói với mọi người rằng bóng đá là môn thể thao vua, đáng để chúng ta quan tâm, hấp dẫn chúng ta. Nhưng bóng đá cũng như tất cả chúng ta, có những mặt tốt đẹp, và có những góc khuất.

Sau World Cup luôn có vấn đề

– Anh có thể chia sẻ cụ thể hơn về những góc tối?

– Một ví dụ đơn giản là vụ Calciopoli – scandal lớn của bóng đá Italy vào giữa thập niên 2000. Phần lớn khán giả nhầm đó là sự kiện bán độ. Cụm từ “bán độ” là nói đến cầu thủ.

Nhưng thật ra đây là một vụ dàn xếp tỉ số trên một mạng lưới vô cùng phức tạp của những đội bóng lớn, những tập đoàn lớn nhất Italy, những con người vô cùng quyền lực. Đó cũng là một phần được nhắc tới trong cuốn sách này. Và trong sách có nhiều câu chuyện tương tự như vậy.

Dũng Lê

Dũng Lê

– Ở trên anh nói trong sách không chỉ có câu chuyện về bóng đá mà còn là câu chuyện văn hóa, con người. Anh có thể lấy ví dụ chứng minh điều đó? 

– Tôi muốn nhắc đến Escobar. Nói tới đây, có người sẽ nghĩ tới cầu thủ Escobar, một trong những “quý ông của bóng đá”, người chết vì 6 phát súng trong bãi đỗ xe bên hông một vũ trường. Người ta tin anh chết vì một Escobar khác, một ông trùm ma túy người Colombia. Đó là người mà có thời điểm đã cung cấp tới 96% lượng cocain vào thị trường thế giới.

Nếu nhìn vào con số đó, ta hoàn toàn có thể kết luận Escobar là một kẻ đầu độc nhân loại. Tuy nhiên, chúng ta có thể nhắc tới câu chuyện khác. Ví dụ, Escobar luôn cướp của nhà giàu chia cho người nghèo. Với số tiền cực lớn của mình, ông ta xây dựng rất nhiều trường học, sân bóng, bệnh viện cho người nghèo.

Điều thú vị là từ những sân bóng đá cộng đồng mà trùm ma túy Escobar xây dựng, đã có nhiều cầu thủ trưởng thành, chơi cho đội tuyển quốc gia Colombia. Đó là những câu chuyện ta không thể nói nó là đen hay trắng được.

Đó là thông điệp cho cuốn sách này.

– Tại sao sách về góc khuất bóng đá lại lấy tên "Việt vị"?

– Việt Vị là ý tưởng của đồng tác giả Duy Đào. Cái tên Việt vị trong tiếng Anh là offside, nó vô cùng nhạy cảm. Ở chỗ, nếu tiền đạo việt vị nhưng không bị trọng tài phát hiện, họ hoàn toàn có thể lập công, anh ta có thể ghi bàn thắng tuyệt vời.

Tương tự, có những sự kiện được ghi nhớ là thành công, ví dụ như World Cup chẳng hạn, luôn được ghi là thành công, thể hiện trong bản báo cáo của các quốc gia đăng cai tổ chức. Nhưng sau mỗi kỳ World Cup đó luôn có vấn đề, những chuyện mà người ta không muốn nhắc tới.

Xét ở góc độ hình học, việt vị có nghĩa là đi ra khỏi khuôn khổ, nằm ngoài khuôn khổ. Giống như chúng ta vẫn nói “câu chuyện trong sân” và “câu chuyện ngoài sân”. Cuốn sách này không đề cập tới chuyên môn bóng đá. Chuyên môn, kỹ thuật, chiến thuật, chiến lược… là những câu chuyện trong sân cỏ.

Còn cuốn sách này là những vấn đề ngoài sân cỏ.

– Viết cuốn sách về những vấn đề ngoài sân cỏ như vậy, các bạn hướng tới mục đích gì?

– Đây là mong muốn tương đối kỳ lạ. Tôi muốn nhắc tới mặt tối để giúp ta hiểu được môn thể thao đó. Ở đó chúng ta thấy được bản thân mình, xã hội, các nền văn hóa. Bóng đá lúc đó phản chiếu con người chứ không đơn thuần là môn thể thao nữa.

Bóng đá xứng đáng để yêu

– Có bao nhiêu scandal được tập hợp trong sách?

– Tôi không nhìn nhận đó là scandal, tôi coi đó là những câu chuyện. Rất nhiều người nhìn nhận đó là scandal. Ví dụ nói về Calciopoli, ai cũng biết nó là scandal của làng bóng đá Italy.

Bản thân tôi không nhớ được hết bao nhiêu câu chuyện, tôi cũng không đếm, mà muốn truyền tải bóng đá là câu chuyện văn hóa.

– Anh lựa chọn câu chuyện đưa vào sách theo tiêu chí nào?

– Khi tư duy về mục lục của cuốn sách này, tôi quyết định đưa ra vấn đề văn hóa – xã hội. Sách có các chủ đề như bạo lực, hooligan, chính trị, phân biệt chủng tộc, phân biệt giới tính… rất nhiều vấn đề con người trong đó. Nếu nhìn vào mục lục thì ít người nghĩ đó là sách về bóng đá.

– Tại sao các tác giả không viết về câu chuyện ở Việt Nam, mà lựa chọn viết về các sự việc bóng đá thế giới?

– Tôi may mắn được tiếp xúc các cây viết xuất sắc, đang làm việc tại các tòa soạn lớn. Tôi học ngoại ngữ nhanh, nên tiếp xúc, khai thác thông tin hiệu quả. Viết lách không phải thế mạnh bẩm sinh, nhưng tôi đã cố gắng để chuyển tải mọi thứ trong khả năng ngôn ngữ của mình.

Một trang thiết kế ấn tượng trong sách.

Một trang thiết kế ấn tượng trong sách.

– Tác giả chọn góc nhìn như thế nào khi viết về bóng đá thế giới để độc giả có niềm tin vào góc nhìn của mình?

– Một trong những điều mà báo chí Việt Nam khi viết về bóng đá còn yếu đó là trích dẫn thông tin. Các đồng nghiệp nước ngoài họ làm việc này vô cùng hiệu quả. Nếu bạn xuất bản những nghiên cứu, in cuốn sách, một trong những phần được đề cao là trích dẫn. Tôi tin là tôi và Duy Đào, biên tập viên Lê Hải đã làm rất tốt trích dẫn các nguồn tin.

Thứ hai, khi suy nghĩ về phương pháp để viết cuốn sách này, tôi hạn chế tối đa đưa vào quan điểm cá nhân. Bởi đây là bóng đá quốc tế, nó là trải nghiệm mà tôi đọc được, tôi muốn dựa vào khả năng đọc, viết của mình để đưa nó đến với độc giả Việt Nam. Đây không phải câu chuyện của tôi. Đây là câu chuyện của tất cả mọi người trên khắp thế giới. 

– Viết về mặt tối bóng đá, các tác giả muốn gửi gắm gì tới độc giả?

– Đây là cuốn sách dễ đọc, nhưng khó hiểu. Bởi mong muốn của tôi khi nhắc tới những đen tối trong bóng đá, là mọi người hãy nhìn thấy con người ở đó, hãy nhìn thấy thế giới ở đó, thấy bản thân ở đó, và bóng đá xứng đáng để yêu.

Cá Domino (SSDH) – Theo news.zing

Share.

Leave A Reply