Cách người Trung Quốc đón Tết Nguyên Đán

0

Sẵn sàng du học – Tết Nguyên Đán, còn được gọi là Lễ hội Mùa xuân, là một trong những lễ hội truyền thống quan trọng nhất của Trung Quốc được tổ chức vào dịp năm mới theo lịch âm. Người bản địa tin rằng Tết Nguyên Đán mới là cột mốc chính thức đánh dấu một năm mới và họ rất coi trọng việc ăn mừng ngày lễ này. Nhân dịp năm mới sắp đến, hãy cùng SSDH khám phá cách người dân Trung Quốc thường ăn mừng Tết Nguyên Đán như thế nào.

ssdh-happy-new-year

Dán câu đối Tết

Trước Tết Nguyên Đán, gần như mọi gia đình ở Trung Quốc đều dán những cặp câu đối trước cửa nhà. Câu đối (春联, Chun Lian) là hai câu thơ hay về những điều tốt lành được viết trên những cuộn giấy đỏ. Ngoài ra người Trung còn treo thêm một cuộn giấy ngang với bốn ký tự tóm tắt nội dung hai câu đối. Phong tục này bắt nguồn từ thói quen của người dân trước thời nhà Tống (960 – 1279) khi treo Taofu – một dòng chữ trên những tấm ván làm từ cây đào được cho là có sức mạnh xua đuổi tà ma. Đôi khi ta cũng có thể thấy một tấm giấy hình vuông màu đỏ có viết một chữ Hán tự được dán ở giữa cánh cửa. Những chữ Hán này thường là '福' (Hạnh phúc). Khi được dán ngược lại, nó mang ý nghĩa 'Hạnh phúc đã đến'  sự đồng âm giữa '倒' (Được phát âm là 'Dao', có nghĩa là 'lộn ngược ') và '到' (Phát âm cũng là 'Dao' với ý nghĩa là 'đến').

Tổng vệ sinh nhà cửa

Sinh ra và lớn lên ở Trung Quốc, một tuần trước Tết Nguyên Đán là khoảng thời gian gây khó chịu nhất trong năm đấy với tôi bởi vì mẹ tôi thường lên kế hoạch tổng vệ sinh nhà cửa và mẹ thường yêu cầu cả nhà “tự nguyện” tham gia giúp đỡ công việc dọn dẹp. Theo “Lã thị Xuân Thu” – một tác phẩm kinh điển được biên soạn vào năm 239 TCN, phong tục dọn dẹp trước Tết Nguyên Đán đã tồn tại từ thời rất xa xưa. Có tin đồn rằng nó rất hay vì ‘Bụi’ trong tiếng Trung '尘' (Chen) là từ đồng âm của '陈' có nghĩa là 'Cũ'. Người ta tin rằng cái cũ sẽ được cái mới thay thế bằng cách dọn dẹp bụi bẩn trong nhà cửa.

Ăn sủi cảo

Gần như tất cả các gia đình ở phía bắc Trung Quốc đều ăn sủi cảo tự làm vào đầu năm mới. Phong tục này bắt nguồn từ hai nguyên nhân. Sủi cảo nhân thịt từng là một bữa ăn xa xỉ đối với người bình thường khi kinh tế còn chưa phát triển; 'sủi cảo' trong tiếng Trung 'Jiaozi' (饺子) là từ đồng âm của '交子' có nghĩa là 'thời điểm năm mới đến'. Vì vậy, ăn sủi cảo tượng trưng cho sự chia tay năm cũ và chào đón năm mới. Đôi khi người ta sẽ bỏ thêm đồng xu vào trong nhân sủi cảo và những người ăn được viên sủi cảo có đồng xu thì sẽ gặp nhiều may mắn.

Các món ăn chủ yếu trong dịp Tết ở phía nam Trung Quốc thường là bánh gạo thay vì sủi cảo.

Xem Gala Mừng năm mới của CCTV hoặc lướt Weibo

Kể từ khi Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) phát sóng Gala Năm mới đầu tiên trên toàn quốc vào năm 1983 thì đây là chương trình được người Trung Quốc xem nhiều nhất vào đêm Giao thừa. Với lí do Trung Quốc là quốc gia đông dân, Gala Năm mới của CCTV còn là chương trình có lượng người xem nhiều hơn bất kỳ chương trình giải trí nào trên thế giới.

Chương trình thường bao gồm các màn trình diễn ca hát và nhảy múa, giao lưu trò chuyện và các vở kịch vui nhộn, tất cả đều hướng đến mục đích làm khán giả cảm thấy vui vẻ trong một ngày vui như đêm Giao thừa. Tuy nhiên, trong những năm gần đây thì mọi người, đặc biệt là thế hệ trẻ, ngày càng thấy chương trình gala trở nên ít thú vị hơn. Trong khi cha mẹ và ông bà cùng nhau thưởng thức chương trình Gala trên tivi thì giới trẻ lại tìm thấy niềm vui của họ trên Weibo – mạng xã hội được coi là Twitter của Trung Quốc. Ở đây, cư dân mạng tổ chức đêm Gala Năm mới của riêng họ.

Đốt pháo, hoặc không

Đốt pháo vào Tết Nguyên Đán đã trở thành một truyền thống lâu đời. Truyền thuyết kể rằng có một con quái vật rất hung dữ tên là 'Nian' (Năm) đã xuất hiện vào đêm giao thừa để săn lùng thú vật và con người. Cách để xua đuổi Nian là đốt những cây pháo nổ thật to.

Trong những năm gần đây, do ô nhiễm không khí nặng nề, nhiều tỉnh của Trung Quốc đã ban hành các quy định hạn chế và thậm chí là cấm sử dụng pháo. Bắc Kinh và Thiên Tân là hai thành phố bị cấm đốt pháo trong nội thành.

Thăm người thân và bạn bè

Vào ngày đầu tiên của Tết Nguyên Đán, mọi người bắt đầu ghé thăm nhà người thân và bạn bè cùng với những món quà và những lời chúc tốt đẹp nhất. Đối với các cặp vợ chồng, có một phong tục là đến thăm gia đình nhà chồng vào ngày đầu tiên của Tết Nguyên Đán và gia đình nhà vợ vào ngày thứ hai.

Tiền lì xì trong phong bao đỏ

Khi còn nhỏ, niềm vui lớn nhất của tôi trong dịp Tết Nguyên Đán là nhận được những phong bao màu đỏ có tiền lì xì bên trong. Người lớn tặng lì xì cho trẻ em với mong muốn những đứa trẻ được khỏe mạnh và hạnh phúc trong năm tới. Một số trẻ em có thể giữ tiền lì xì nhưng số khác lại bị cha mẹ tịch thu với danh nghĩa “Bố/Mẹ sẽ để dành giúp con.”

Thời điểm dừng được nhận tiền lì xì ở Trung Quốc thì khác tuỳ theo từng khu vực. Trong khi một số người ngừng nhận lì xì khi đã có công việc thì một số người chỉ dừng lại khi họ kết hôn.

Nhân tiện, nếu bạn muốn nhận được lì xì từ những người bạn Trung Quốc thì đây là một câu thần chú luôn có tác dụng: “恭喜发财,红包拿来”  (Gong Xi Fa Cai, Hong Bao Na Lai!) có nghĩa là “Năm mới phát tài! Lì xì của tôi đâu?”

Người dịch: Thuỳ Dương (SSDH)

Share.

Leave A Reply