Cảm nhận ‘thanh âm’ huyền bí và vẻ đẹp ngôn từ

0

Sẵn sàng du học – Nabokov ở truyện ngắn là Nabokov đặc biệt, với những câu chuyện luôn gợi mở nhiều tầng nghĩa, được chắt lọc từ một hệ thống ngôn từ tuyệt đẹp, thấm đẫm chất thi vị, luyến ái.

Tập truyện ngắn Thanh âm của Nabokov là tập thứ 3 sau Mỹ nhân Nga, và Mây, hồ, tháp được dịch ở Việt Nam. Thanh âm gồm 17 truyện ngắn được sáng tác trong khoảng thời gian từ 1923 đến 1953. Việc sắp xếp theo thứ tự sáng tác cũng khiến độc giả có khả năng nhận thấy sự biến chuyển về phong cách sáng tác của Nabokov theo thời gian.

Nabokov yêu trước hết là ngôn ngữ. Ông chơi trong thế giới của ngôn ngữ, để ngôn ngữ trở thành nhân vật chính trong những sáng tác của mình. Ông dùng ngôn ngữ tạo nên những kiệt tác, vừa sâu sắc bí ẩn, và đẫm chất thi vị như chính quan niệm của ông trong sáng tác: “Trong một tác phẩm nghệ thuật, luôn có sự hòa trộn giữa hai thứ, giữa tính chính xác của thơ ca và sự phấn khích của khoa học thuần túy”.

ssdh-thanh-am

 

Truyện ngắn Thanh âm là một tuyệt tác đẹp quá đỗi về những rung động của tình yêu. Ngôn ngữ như suối nhạc, vọng lên một nỗi nhớ mơ hồ nhưng thăm thẳm. Những khung ảnh hiện ra, sực nức màu sắc, giữa những đoạn đối thoại rời rạc, những nghĩ ngợi đứt quãng, vừa cất tiếng vừa thinh lặng, của em và anh, đều gợi nghĩ về mối tình chông chênh.

Nabokov có khả năng khai phá tâm tư bí ẩn của con người, trong tưởng tượng đầy sống động, và dùng ngôn ngữ để biện giải.

Ở Thanh âm, ông viết: “Anh biết: Em cần những cảm giác giản đơn, những lời nói giản đơn. Sự im lặng của em cũng thảnh thơi và yên gió như của mây trời cùng cây cỏ. Mọi sự im lặng đều giả định một bí mật. Em hình như bí ẩn rất nhiều”. Bí ẩn ấy cũng là niềm đam mê khai phá suốt đời sáng tác của Nabokov.

Pilgram lại nhói lên những ám ảnh về sự si mê, và cái chết. Nabokov luôn hứng thú với việc tạo dựng những cõi mê đắm. Cõi mê đắm ấy khiến con người hưng phấn, đeo đuổi, và rồi tận cùng của cõi  đắm ấy lại thường là cái chết. Cái chết là tận cùng, của bi kịch, hay thực ra nó chỉ là một bi kịch trong mắt những kẻ ngoài lề, chưa từng được trải qua những trạng huống của si mê, chưa từng có một cõi đắm chìm của riêng mình.

Humbert đã chết trong cõi si mê của Lolita (Lolita); Albinus đã chết bởi tình yêu mù quáng với một cô gái trẻ (Tiếng cười trong bóng tối), và Pilgram, ông đã chết trong cơn đắm chìm vào giấc mộng về loài bướm… Đây là những cái kết bi thương nhưng nó lại là sự hoàn hảo trong mỹ cảm văn chương Nabokov.

Điều này được thể hiệu bằng rất nhiều những câu chuyện xung quanh cuộc đời ông, trong đó có một giai thoại khá thú vị: Mùa hè những năm 40, Nabokov tới sống với gia đình nhà thơ James Laughlin tại Utah, nơi ông dành nhiều thời gian để săn bướm.

Một hôm, vào lúc chạng vạng, Nabokov trở về nhà và kể rằng trong lúc mải mê chạy theo con bướm ở Khe Gấu, ông nghe thấy có tiếng người rên rỉ đau đớn ở phía bờ suối. “Anh có dừng lại kiểm tra không?” Laughlin hỏi. “Không”, Nabokov đáp, “Tôi phải bắt con bướm kia đã”.

Tác giả Nabokov.

Tác giả Nabokov.

Nabokov viết nhiều truyện ngắn, với nhiều những chủ đề khác nhau, nhưng nỗi hoài cảm về nước Nga vẫn là cái da diết lặp đi lặp lại trong tâm trí của ông. Ở truyện ngắn Vòng, tâm cảm ấy được bộc lộ sắc nét.

Nước Nga gắn liền với tuổi thơ ngây, với trong xanh mây trời và những mối tình trong sáng. Trong truyện ngắn Vòng, Ilya Ilyich luôn mang trong mình “nỗi buồn nhớ điên dại về nước Nga”, cũng như “mọi thứ gắn liền với nó – những giận dữ, vụng dại, nồng nàn”. Ở mảnh đất ấy, mùa hè, Ilya Ilyich đã gặp gỡ và trải qua cảm xúc yêu đương ngắn ngủi với nàng Tanya xinh đẹp.

Lần gần gũi duy nhất với nàng, là một cơn chấn động theo hắn suốt đời. Cho đến ngày hội ngộ, hai mươi năm sau, Nabokov miêu tả buổi gặp gỡ sượng sùng, ơ hờ ấy bằng một thứ ngôn ngữ cuốn hút, tinh tế, đã biểu cảm được đủ đầy cái nhói đau của nhân vật. “Tanya hóa ra vẫn quyến rũ như thế”, suốt khoảng thời gian rộng dài, đầy những thăng trầm bi ai, Tanya dường như đã tan biến, nhưng dường như cũng ở lại mãi trong tận cùng tâm tư của hắn, khi gặp lại, vén bức rèm che lên, hình ảnh ngày xưa vẫn vẹn nguyên, khiến hắn run rẩy, bất an.

Tanya ấy là cô gái của ngày xưa, là giấc mộng của ngày xưa, hay chính nàng là hiện hữu của nước Nga đã biến mất. Nabokov gói ghém ở đó tất thảy những xúc cảm bằng ngôn ngữ mong manh vừa đẹp đẽ, vừa thấm đẫm u buồn.

Nói về sự mong manh của ký ức, hay sự hoang tưởng của ký ức, truyện ngắn Là ở Aleppo, ngày đó… đã khai thác rất sâu chủ đề này.

Tên tác phẩm Là ở Aleppo, ngày đó… , được trích từ vở bi kịch Othello nổi tiếng của văn hào Shakespeare, tạo nên một liên văn bản đầy suy nghiệm. Đây là truyện ngắn được xem là cực kì khó đọc của Nabokov, là truyện ngắn quyến rũ sự dẫn giải, nghiên cứu của nhiều nhà phê bình trên thế giới.

Câu truyện có cốt truyện khá đơn giản, kể về hành trình của một cặp vợ chồng, sau đó anh chồng lạc vợ trên một chuyến tàu. Và hai ngày sau, anh gặp lại cô ở điểm đến hai vợ chồng đã hẹn. Chuyện gì đã xảy ra trong khoảng thời gian ấy.

Qua lời kể của của người vợ, những sự kiện mơ hồ hiện ra, những địa điểm, con người, hay những cuộc gặp gỡ… đều bị xáo trộn. Rốt cuộc, không ai có thể biết, câu chuyện thực sự đã xảy ra như thế nào? Phụ nữ luôn là giống loài có trí tưởng tượng phong phú, hay chính tâm trí con người cũng là thứ dễ bị xóa nhòa, đổi thay. 

Đó cũng chính là cách Nabokov tạo nên sự hấp dẫn cho truyện ngắn của mình.

Nabokov ở truyện ngắn là một Nabokov đẹp đẽ, thuần khiết trong bể xúc cảm đa chiều của con người. Cũng giống như ở Mỹ nhân Nga, và Mây, hồ, tháp, 17 truyện ngắn ở Thanh âm cần đọc chậm, đọc đi đọc lại, để có thể chạm vào thế giới đầy bí ẩn và đẹp đẽ của văn chương Nabokov.

Cá Domino (SSDH) – Theo news.zing

Share.

Leave A Reply