Cậu bé Việt làm rung động trái tim người yêu nhạc

0

SSDH – “Lần đầu tiên đọc các bài báo viết về mình, thấy người ta gọi em là “thần đồng âm nhạc”, em rất… choáng. Tự nhiên hôm đó phải tăng giờ tập của mình, sợ lỡ đâu biểu diễn không hay, người nghe lại bảo là thần đồng rởm”, Nguyễn Việt Trung cười hóm hỉnh.

 

Vóc dáng nhỏ bé, đôi mắt tinh nghịch sau cặp kính cận tròn xoe, và cả cách dùng từ rất Việt Nam dù sống ở Ba Lan từ khi chưa đầy 1 tuổi, cậu bé 14 tuổi này khiến người đối diện thật sự thú vị. Một sự hồn nhiên đến mức đáng ngạc nhiên, bởi tôi cũng đã tưởng tượng rất khác về hình ảnh nhân vật đang khuấy động giới báo chí và thời sự âm nhạc Ba Lan, Việt Nam suốt thời gian qua…

 

anhtrung2

 

“Tài năng piano không có gì phải bàn cãi”…

 

TS Nguyễn Văn Thân, bố của Nguyễn Việt Trung cũng bảo, anh không thích cách người ta gọi Trung là “thần đồng”. Bởi theo anh mĩ từ này thường dùng cho những trường hợp tài năng thiên bẩm và bộc phát, nhưng hàng loạt những giải thưởng âm nhạc quốc tế, khả năng cảm nhạc tuyệt vời mà Trung đang có, ngoài sự nhạy cảm bẩm sinh, còn cần sự nỗ lực hết mình của cậu bé trong nhiều năm.

 

Câu chuyện “chạm” vào làng âm nhạc khi Trung còn bé xíu có thể coi như một sự tình cờ. Bố mẹ bận đi làm, cậu bé 5 tuổi lẽo đẽo theo chị gái đến câu lạc bộ piano của GS. Filomema Dziedzic. Chỉ một đoạn nhạc cậu bé nghịch ngợm trên đàn của chị vào giờ giải lao đã khiến GS Filomema Dziedzic sửng sốt. Cẩn thận kiểm tra lại khả năng của cậu bé, bà khẳng định với ba mẹ Trung: cậu bé có khả năng âm nhạc đặc biệt, nếu gia đình cho cậu học, chắc chắn một ngày nào đó cậu bé này sẽ làm nên chuyện.

 

Thế là sau nửa năm tập luyện dưới sự kèm cặp của GS. Filomema Dziedzic, Nguyễn Việt Trung bắt đầu vào trường âm nhạc. Một năm sau, cậu bé 7 tuổi từng sợ đến phát khóc trong ngày thi vào trường đã giành giải nhất cuộc thi Piano dành cho trẻ em Ba Lan (2003). Giải thưởng này thì không còn là sự tình cờ, cũng như một loạt các giải thưởng quốc tế tiếp tục đều đặn đến với Trung trong các năm sau. Giải “Nốt nhạc vàng” dành cho thí sinh quốc tế chơi nhạc Mozart khi Trung 10 tuổi (2006). Năm 2007, Nguyễn Việt Trung đã giành giải 3 tại Festival Piano quốc tế dành cho Pianist trẻ diễn ra tại Glubczyce (Ba Lan), đạt luôn giải dành cho tay đàn trẻ thể hiện bản nhạc thế kỷ 20 hay nhất. 12 tuổi (2008), Trung giành giải xuất sắc về Chopin dành cho trẻ em quốc tế tổ chức tại Ba Lan.

 

Năm 2009, Trung lại giành giải nhì cuộc thi Piano quốc tế mang tên “Ludwik Stefanski và Halina Czerny Stefanska” tổ chức tại Plock (Ba Lan). Trung là thí sinh nhỏ tuổi nhất cuộc thi, và là thí sinh duy nhất đang học trường sơ cấp đạt Giải nhì trong cuộc thi mà chỉ những thí sinh 16 đến 17 tuổi trở lên đang theo học ở các trường trung cấp mới “dám” tham gia. Giải nhì này chỉ kém giải nhất 0,25 điểm… Một kỷ niệm thật vui khi ngay bà giáo Filomema Dziedzic từ đầu cũng không dám tự tin là Trung sẽ vào được vòng 3, vì nghĩ cậu còn quá nhỏ, thi chỉ để thử sức. Trang phục biểu diễn cũng chỉ mang đủ cho Trung vào đến vòng 2. Trở thành “cậu bé vàng” của nền âm nhạc Ba Lan, tờ Twoja Muza – một tạp chí âm nhạc danh tiếng của Ba Lan gọi Nguyễn Việt Trung là “Ngôi sao âm nhạc Ba Lan với tài năng piano không có gì phải bàn cãi”…

 

Hạnh phúc với gia đình “thuần Việt”

 

Hỏi Trung có run trước mỗi lần biểu diễn không? Cậu bé khẽ nhíu mày suy nghĩ rồi cười “xòe”: Hình như chưa có! Mỗi lần ngồi trước đàn, điều duy nhất em nghĩ đến là các nốt nhạc. Có khi biểu diễn xong, khán giả vỗ tay mới giật mình… Trung chia sẻ, hai soạn giả mà em thích nhất là Chopin và Franz Lizt, nhưng mỗi lần đàn một bản nhạc lại là một cách cảm nhận khác nhau. “Nếu đàn theo một khuôn mẫu thì không thể hay được”, cậu diễn giải.

 

Và cậu bé đã mang tâm thế này bước vào cuộc thi quốc tế International Competion “Chopin for the Youngest” Antonin 2010. Một cuộc thi dành riêng cho các nghệ sỹ chơi Chopin, được giới âm nhạc đánh giá là cuộc thi rất khó đối với các nghệ sỹ Chopin trẻ, thu hút thí sinh nhiều nước tham gia như Ba Lan, Nhật Bản, Trung Quốc, Thụy Sỹ, Hàn Quốc, Tiệp khắc, Litva… Cuộc thi này Việt Trung đạt được giải Nhì và lại vẫn chỉ sau giải Nhất 0,25 điểm. Cậu phụng phịu “nếu em đạt giải nhất thì giờ ba em đã bỏ thuốc lá rồi”. Trung cười ngượng nghịu khi giải thích về “phần thưởng” đặc biệt mình yêu cầu: “em chỉ sợ ba hút thuốc nhiều dễ bị ung thư”.

 

Hơn tất cả các giải thưởng, những lời khen ngợi của những tên tuổi uy tín trong làng nhạc thế giới và báo chí dành cho mình, đối với cậu bé 14 tuổi này, gia đình vẫn là nơi mang lại nhiều niềm vui nhất. Ngay từ ngày Trung bắt đầu theo học nhạc, mẹ Trung, chị Nguyễn Thị Vinh luôn theo con đến tất cả các buổi học và các cuộc thi âm nhạc. “Giờ con chỉ cần đánh sai một nốt nhạc của Chopin là bà Vinh nhận ra ngay, mẹ cháu cũng được luyện thành tai “chuyên gia” rồi!”, TS Nguyễn Văn Thân đùa. Anh cũng bảo, dù rất tự hào về tài năng của cậu con út nhưng gia đình không kỳ vọng cậu bé phải trở thành một “tên tuổi” nào đó. Có một điều anh luôn dạy con: sống là phải có đam mê, và biết hy sinh một số điều ít quan trọng hơn cho đam mê đó. Trung đã chọn nhạc thì phải chuyên tâm với nó, trừ khi đến ngày nào đó cậu không thích chơi đàn nữa…

 

Cuộc sống của Trung hiện giờ cũng không chỉ có âm nhạc, cậu còn phải học văn hóa và ngoại ngữ để tích lũy kiến thức. Hiện, Trung nói thành thạo bốn thứ tiếng: Anh, Pháp, Ba Lan, Việt Nam. Riêng tiếng Việt, gia đình Trung cho em đi học tại trường dạy tiếng Việt ở Ba Lan. Quy ước trong gia đình là tất cả các thành viên đều dùng tiếng Việt để trao đổi với nhau, bất kể ở đâu, đặc biệt là giữ quốc tịch Việt Nam bởi “người ta dù có thành đạt đến đâu cũng không thể không có nguồn cội…” TS Nguyễn Văn Thân chia sẻ.

 

Trung tâm sự: “Em rất hâm mộ nghệ sĩ Đặng Thái Sơn và nghệ sĩ Lang Lang (Trung Quốc). Em muốn mình sẽ có được những thành công mà chú Sơn và Lang Lang đã đạt được”.

 

Thục Uyên ( Theo Dân trí )

Share.

Leave A Reply