Câu học trò giành Huy chương Bạch Kim Toán Châu Á- Thái Bình Dương

0

Sẵn sàng du học – Em Nguyễn Đăng Dũng, học sinh lớp 6A0, trường Liên cấp Tiểu học và THCS Ngôi Sao Hà Nội đam mê Toán học vừa xuất sắc giành tấm Huy chương Bạch Kim khi lọt vào top 10 cuộc thi Toán học Châu Á Thái Bình Dương APMOPS 2019.

Thành tích này cũng giúp Đăng Dũng đứng thứ 3 trong bảng xếp hạng ở vòng chung kết sau đội chủ nhà Singapore và Đài Loan.

Từng bị chuẩn đoán là chậm phát triển trí não

 

Kết quả đáng nể phục là vậy nhưng ít ai ngờ được, Đăng Dũng từng được bác sỹ chuẩn đoán bị bệnh tăng động, chậm nói, chậm phát triển trí não khi mới 2 tuổi. Lúc đó gia đình rất lo lắng và bắt đầu xem xét lại quá trình dạy và đồng hành cùng con.

Trải qua rất nhiều lớp tư vấn, phương pháp trị liệu tâm lý và đến 3 tuổi thì Đăng Dũng lại bất ngờ tự biết mặt đọc chữ vanh vách, thuộc lòng 80% các câu chuyện cổ tích trong sách mẹ thường đọc trước khi đi ngủ cho em.

Em Nguyễn Đăng Dũng, học sinh lớp 6A0, trường Liên cấp Tiểu học và THCS Ngôi Sao Hà Nội.

Em Nguyễn Đăng Dũng, học sinh lớp 6A0, trường Liên cấp Tiểu học và THCS Ngôi Sao Hà Nội.

Đồng thời, cũng chính thời gian đó, gia đình đã phát hiện ra tài năng tính những phép toán đơn giản của Dũng khi được chị gái dạy nhận biết mặt số và tính cộng trừ. Cứ như vậy, niềm yêu thích Toán học của Dũng cũng lớn dần theo năm tháng và ăn sâu vào trong tiềm thức của em từ khi nào không hay.

Tuy nhiên, theo các thầy cô giáo nhận xét, Đăng Dũng không phải là học sinh quá chăm chỉ, “em chỉ dành thời gian 2-3 tiếng đồng hồ/ngày học ở nhà và không tham gia các lớp học thêm ngoài trường nhưng em thường tự học, tự tìm các bài toán trong sách của Singapore, Australia, Mỹ hoặc trên mạng internet để giải.

Đăng Dũng chia sẻ, sở dĩ em thích những bài toán khó đó, vì nó rất đánh đố, đòi hỏi tính logic, phải chú ý từng câu chữ, từng dữ liệu trong bài và có nhiều cách giải đi đến một đáp án đúng. Em sợ học toán trong sách giáo khoa thông thường vì nó quá nhàm chán và quá dễ.

Tuy nhiên mỗi khi gặp những bài toán quá khó, Dũng thường tự lên mạng và tìm cách giải các bài tương tự, nếu vẫn chưa hiểu thì sẽ tìm sự trợ giúp từ chị gái hoặc cô giáo. Bần cùng nhất là xem đáp án ở cuối sách để hiểu vì sao nó lại như vậy và vướng mắc của mình ở khâu giải nào để rút kinh nghiệm.

Ngoài giờ học trên lớp, ở nhà Đăng Dũng học rất ít, thường sẽ cùng vào bếp với mẹ và đảm nhận nhiệm vụ rửa bát sau mỗi bữa ăn.

Có điều thú vị là Dũng rất mê xem các chương trình truyền hình trải nghiệm thực tế trên tivi như: Vua Đầu bếp- Master chef; Người tập sự- The Apprentice; Đừng để tiền rơi…hoặc các chương trình thể thao có môn bóng rổ, bóng đá và karatedo.

Nhờ đó, mà hầu hết các cầu thủ quốc tế, các luật thi đấu của từng môn thể thao Đăng Dũng đều thuộc nắm chắc trong lòng bàn tay và cứ thao thao bất tuyệt khi tranh luận bất cứ câu chuyện nào liên quan đến chủ đề này.

Đăng Dũng lên nhận Huy chương Bạch Kim cuộc thi Toán Châu Á- Thái Bình Dương 2019.

Đăng Dũng lên nhận Huy chương Bạch Kim cuộc thi Toán Châu Á- Thái Bình Dương 2019.

Đặc biệt, thay vì xem các phim truyền hình của Việt Nam thì Đăng Dũng lại rất thích xem các phim hành động của nước ngoài như Mỹ, Pháp, Anh… nhưng không có phụ đề tiếng Việt.

Đăng Dũng lập luận rằng, “các các kênh phim truyện của Việt Nam chưa có nhiều kênh riêng biệt dành cho trẻ em, nội dung phim không phù hợp với lứa tuổi trẻ con, nên em thấy nhàm chán và không thể theo dõi.

Ngược lại, phim nước ngoài có nhiều tình tiết kịch tính, logic. phân tích điều tra và không có nhiều câu chuyện nhạy cảm như phim trong nước.

Đồng thời, qua việc theo dõi các phim như vậy sẽ giúp em nghe, đọc tiếng Anh tốt hơn, hiểu đúng nghĩa của các câu chuyện trong phim hơn là theo dõi các bộ phim có phụ đề, vì nhiều khi tivi cũng chưa dịch đúng ngữ cảnh của phim muốn diễn tả.

Được tự quyết thời gian biểu

Chị Nguyễn Thị Liên (mẹ Đăng Dũng) cho biết, nói thực lòng là tôi không muốn con tham gia quá nhiều các cuộc thi tuyển chọn để giành huy chương, điều đó sẽ khiến con hình thành tính cách hiếu thắng, quá tự tin về bản thân và tự tạo áp lực nếu có thất bại. Tôi muốn hướng con học đều các môn, thay vì suốt ngày làm “gà nòi” đi thi đấu.

Nhưng cũng không vì thế mà bỏ đam mê của con, do vậy tôi thường không gò ép hay quy định một giờ học cụ thể nào, thường để con tự giác trong việc sắp xếp thời gian học và chơi hợp lý.

“Mẹ chỉ đóng vai trò định hướng học môn gì, học trường nào, lớp ôn tập ra sao và mục tiêu lớn trong năm học như thế nào… còn lại Đăng Dũng sẽ tự có quyền quyết định các bước đi để hoàn thành được mục tiêu lớn ban đầu đã thỏa thuận với mẹ. Do đó, tôi thường không quá quan tâm tới cách con làm việc, học tập và vui chơi ra sao. Miễn sau đạt được kết quả đã vạch định ra giữa 2 mẹ con và đi đúng hướng”, chị Liên tâm sự.

Theo chị Liên, gia đình làm vậy là muốn tập cho Đăng Dũng một sự tự giác nhất định, nếu mình quá ép buộc, quá coi trọng việc học hành, thi cử… điều đó vô hình chung sẽ tạo ra một tâm lý áp lực, khi đó kết quả và tinh thần sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều.

Hai mẹ con luôn giao kèo với nhau rằng, không được để cô giáo phàn nàn về chuyện làm bài tập của con, nếu có chuyện đó xảy ra thì con sẽ không được xem tivi và phải tăng thời gian làm việc nhà.

“Tôi chưa bao giờ sử dụng phương pháp đòn roi, quát nạt trong dạy con, thay vào đó là các biện pháp để cho con tự suy nghĩ và tự nhận thấy lỗi sai. Có thể cách dạy nhẹ nhàng đó mà Đăng Dũng luôn tự ý thức được mọi hành vi của mình nhất là trong chuyện học tập và rèn luyện cá nhân. Tôi chọn cách làm bạn đồng hành và tôn trọng quyết định của con” – chị Liên chia sẻ.

Một số giải thưởng môn Toán tiêu biểu mà Đăng Dũng đã đạt được trong năm học 2018- 2019 như sau:

– Giải nhất cuộc thi toán học Hoa Kỳ AMC8 và lọt vào top 5% thí sinh có thành tích cao; 

– Huy chương Vàng phần thi Debate Champion, Huy chương Bạc phần Writing của vòng 1 The World Scholar’s Cup 2019; 

– Giải nhất môn Toán khối 6 của trường Liên cấp Tiểu học và THCS Ngôi Sao Hà Nội và đạt học bổng 75% của kỳ thi Học bổng Tài Năng Ngôi Sao Hà Nội năm học 2019-2020.

Cá Domino (SSDH) – Theo dantri

Share.

Leave A Reply