Chàng trai Việt giành học bổng hơn 4,7 tỷ của trường ĐH Mỹ

0

SSDH – Giành suất học bổng hơn 4,7 tỷ tại Đại học Tufts Mỹ, chàng trai Đinh Nho Minh mong muốn sau này trở thành một nhà ngoại giao giỏi.

 

Nhìn vào những thành tích mà chàng trai 9X này đạt được, hẳn ai cũng ngạc nhiên và thầm nghĩ “đây là con người ta”. Điều ấn tượng là những điểm số mà Đinh Nho Minh (SN 1996, Hà Nội) đạt được luôn ở ngưỡng tuyệt đối: 8.0 IELTS, điểm SAT đạt 2270, điểm số môn Toán và Lý đều đạt tuyệt đối (SAT II: Toán 800/800, Lý 800/800). Mới đây, chàng trai thủ lĩnh sinh viên còn giành suất học bổng “khủng” hơn 4,7 tỷ đồng tại trường đại học danh tiếng của Mỹ, Tuff.

 

Không chỉ gây “choáng” với điểm học tập khủng, Đinh Nho Minh còn là chàng sinh viên năng động từng giữ các vị trí thủ lĩnh như: Phó Tổng Thư kí Chương trình Mô phỏng Liên Hợp Quốc dành cho học sinh Trung học Phổ thông (Little MUN 2015), Chủ tọa Hội đồng Khủng hoảng Lịch sử Chương trình Mô phỏng Liên Hợp Quốc (VYMUN 2014) và đại biểu của các chương trình “Oxford International Model United Nations 2014”,…

 Đinh%20Nho%20Minh.jpg

 Đinh Nho Minh

  

Nếu ai đó muốn tìm hiểu về bạn, bạn sẽ giới thiệu về mình là chàng trai như thế nào? 

 

Mình là một người khá hướng nội, cầu toàn và tham vọng. Mình yêu thích tìm hiểu về nhiều chủ đề khác nhau như Quan hệ Quốc tế, Vật lý, Khoa học,… qua nhiều hình thức như sách báo, phim tài liệu hoặc thậm chí là game.

 

Về phim ảnh, mình có một kho phim khá đồ sộ, cả trên máy tính, đầu đĩa, ổ cứng,… Có một số phim mình thích, xem đi xem lại nhiều lần đến mức thuộc được cả lời thoại. Mình nghĩ việc xem phim cũng là một cách hay để bổ sung thêm kiến thức của mình, vì phim thường có nhiều chi tiết nhỏ gắn đến các sự kiện lịch sử, văn hóa,…

 

Mình cũng rất thích tham gia các hoạt động xã hội như Hội nghị Mô phỏng Liên Hợp Quốc (Model United Nations – MUN) ở Việt Nam,… Đó cũng là một nơi để thí sinh có thể kết bạn với những người cùng ý tưởng, khát khao,… hoặc thậm chí là bạn thân, người yêu. 😀

 

Ngoài ra mình cũng có sở thích viết các bài phân tích, bình luận về các vấn đề quốc tế như ISIS, khủng hoảng Ukraine,…

 

Thay vì nộp hồ sơ học bổng vào năm lớp 12, khi trở thành sinh viên năm nhất Đại học Ngoại thương, bạn mới bắt đầu chuẩn bị hồ sơ du học. Tại sao bạn lại có quyết định như vậy?

 

Thực ra mình đã có ý định du học từ giữa năm lớp 11. Tuy nhiên như vậy vẫn là khá muộn, vì thường các bạn đã có dự định từ lớp 10, thậm chí là lớp 9. Thế nên mình mới quyết định apply vào năm nhất Đại học, thay vì apply vào lớp 12 như các bạn thường làm. Apply muộn một năm như vậy gọi là thực hiện năm chuyển tiếp (gap year).

 

Mình dùng chiến thuật gap year này để có thêm thời gian chuẩn bị hồ sơ và xác định được mục tiêu của bản thân. Tuy nhiên rủi ro của quyết định này là không ít. Đầu tiên là mình sẽ phải ôn thi Đại học ở Việt Nam, vừa chuẩn bị hồ sơ và điểm chuẩn hóa, vừa tham gia thêm các hoạt động và tìm hiểu về ngành nghề mình yêu thích. Bản thân mình cũng nhiều lúc thấy sốt sắng khi bạn bè cùng lứa lần lượt được nhận vào các trường Đại học ở Mỹ hoặc Singapore. Trường cũng sẽ đòi hỏi hồ sơ của mình phải đẹp và hoàn thiện hơn những người không dùng năm chuyển tiếp rất nhiều, vì họ quan niệm là mình có nhiều thời gian hơn người khác nên hồ sơ cũng phải đẹp hơn rất nhiều (trong khi đó thời gian ôn thi Đại học của mình chiếm một phần không nhỏ nhưng lại không thể nêu trong hồ sơ được).

 

Ngoài ra, khi đã đỗ Đại học Ngoại thương khối A1 với điểm số 25, mình đã bỏ học trên lớp Đại học khá nhiều để tập trung cho việc nộp hồ sơ. Mặc dù hồ sơ du học không yêu cầu điểm trên lớp Đại học, nhưng nếu mình không được trường nào nhận thì mình sẽ phải quay lại cải thiện điểm số.

 

Cũng may mắn là mặc dù khá “cứng đầu”, khi ra quyết định cuối cùng thì bố mẹ và anh trai mình vẫn luôn ủng hộ và giúp đỡ hết sức. Có lẽ đó là một phần không nhỏ giúp mình đạt được thành tích như ngày hôm nay.

 

Điều gì ở ĐH Tufts, Mỹ khiến bạn quyết tâm giành học bổng tại đây?

 Đinh%20Nho%20Minh2.jpg

 

Điều quan trọng nhất trong việc săn học bổng của mình đó là tìm và chọn một trường phù hợp với bản thân (ngành học, môi trường, tính cách…). Vì nếu mình cảm thấy hợp với trường thì chắc chắn mình sẽ hưng phấn và có nhiều ý tưởng hơn khi viết bài luận. Ngược lại, nếu trường cảm thấy bản thân mình phù hợp và thích tính cách của mình thì nhiều khả năng mình không chỉ được nhận mà còn được họ ưu ái với những suất học bổng lớn để “mời chào” mình đến trường.

 

Sau khi tìm hiểu kĩ các trường thì mình thấy Tufts có rất nhiều điểm hợp với mình: có ngành Quan hệ Quốc tế trong top 5, có nhiều người ở Việt Nam trong ngành ngoại giao từng học ở trường (như Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh), thành phần sinh viên đa dạng,…

 

Ngoài trường Tufts, bạn có apply hồ sơ sang các trường khác không?

 

Mình apply ĐH Tufts theo phương án Early Decision, tức là sẽ phải nộp hồ sơ sớm (trước 1/11/2014) và biết kết quả sớm (giữa tháng 12/2014), ngoài ra không được apply cho các trường khác nữa theo quy định. Nếu được nhận vào Tufts thì mình không được nộp hồ sơ cho trường nào khác và bắt buộc phải rút hồ sơ ở các trường đã nộp trước đó để đảm bảo theo thỏa thuận Early Decision là mình sẽ vào Tufts.

 

Được biết, bài luận của bạn gây được ấn tượng lớn với hội đồng chấm thi. Bạn có thể chia sẻ 1 chút về nội dung bài luận được không?

 

Bài luận của mình tập trung chủ yếu để nói về tầm quan trọng của ngoại giao và ngành quan hệ quốc tế trong thời buổi toàn cầu hóa hiện nay, khi cơ hội cũng như thách thức với Việt Nam là không ít.

 

Trước đó mình đã chuẩn bị tới 7 ý tưởng cho bài luận trong vòng 1 năm trước đó, tuy nhiên đến lúc lên giấy đều không thành công. Ý tưởng cuối cùng, ý tưởng thứ 8 này, mình đã nghĩ ra khi chỉ còn 1 tháng nữa là đến hạn nộp hồ sơ. Cũng rất may là ý tưởng này rất hoàn hảo khi lên giấy, và mình đã kịp hoàn thành bài luận chính này cùng các bài luận bổ sung khác mà trường yêu cầu vài ngày trước hạn chót.

 

Bí quyết để bài luận của mình gây ấn tượng đó là đừng ngại bộc lộ tính cách, quan điểm, cá tính,… của mình trong bài viết. Người Mỹ nói chung và những nhà tuyển sinh Mỹ rất coi trọng sự đa dạng để đóng góp cho môi trường văn hóa phổ cập và đại chúng của họ. Khi họ đọc một hồ sơ, họ muốn thấy một con người đa chiều và có nhiều ý tưởng thú vị, thể hiện một con người độc lập. Tuy nhiên sự phá cách cũng nên có giới hạn, không nên viết cái gì đó quá nhạy cảm hoặc gây tranh cãi để thể hiện mình cũng đã trưởng thành và biết kiểm soát cái tôi của bản thân.

 

Lúc nhận được thông báo giành suất học bổng “khủng” trị giá tới 220.000 USD/4 năm, cảm xúc của bạn lúc đó thế nào?

 

Lúc mình nhận được kết quả là 3h sáng ngày 16/12/2014. Đêm đó mình vừa chờ kết quả, vừa xem CNN, nửa tỉnh nửa ngủ trên ghế sofa. Mình tự nhiên mơ thấy là đã có kết quả, nên chồm dậy kiểm tra thư ở trong phần thư rác thì thấy có thư từ trường. Mở ra thì mình chỉ đọc mỗi từ “Congratulation” và bỏ qua hết đoạn còn lại, vội gọi bố mẹ dậy báo tin vui.

 

Tuy nhiên mình cũng cảm thấy hơi hụt hẫng vì như vậy theo quy định Early Decision thì mình không được apply tiếp các trường khác nữa, mà lúc đó mình đã chuẩn bị hồ sơ cho nhiều trường như Columbia, Chicago,…

 

Tuy nhiều người cảm thấy thời gian apply cực kì căng thẳng và thậm chí là “tra tấn”, nhưng với mình thì quãng thời gian apply là một khoảng thời gian cực kì bổ ích, vì nó cho mình cơ hội được tìm hiểu thêm về chính bản thân mình để xem mình có những điểm mạnh và điểm yếu gì, đam mê của mình,… cũng như thử sức mình với những mục tiêu và giới hạn mới.

 

Khi nhìn vào điểm số mà Minh giành được, hẳn ai cũng sẽ “choáng” với những con số tuyệt đối. Bí quyết giành điểm tuyệt đối của bạn là gì?

 

Mình nghĩ điều đầu tiên và quan trọng nhất để học giỏi tiếng Anh nói chung đó là quen và tiếp xúc nhiều với tiếng Anh, không chỉ ở trên lớp mà cũng như trong các hoạt động giải trí như đọc báo, đọc sách,… Ví dụ, mình thường like các trang báo mạng nước ngoài trên Facebook như New York Times cũng như những trang web về các chủ đề mình quan tâm viết bằng tiếng Anh như Vật lý, Quan hệ Quốc tế,… như Discovery, The Diplomat,… Hoặc mình cũng thường xuyên xem phim mà không có phụ đề hoặc phụ đề tiếng Anh. Điều này tạo cho mình thói quen nghĩ như một người nói tiếng Anh bản địa, cũng như hiểu được và dùng được phong cách diễn đạt bằng tiếng Anh của họ.

 

Điều thứ hai mình cho là quan trọng đó là quá trình học các bài thi chuẩn hóa. Mình đã vạch ra một quá trình học cụ thể (khi nào học từ, khi nào làm đề, khi nào bắt đầu tổng ôn,…), vạch ra chiến lược trong lúc làm bài (đọc câu hỏi hay đọc bài trước, gặp câu khó làm thế nào,…). Ngoài ra, mình nghĩ mình cần phải tìm chiến lược làm bài và học phù hợp với bản thân, còn kinh nghiệm cụ thể của người khác chỉ là tham khảo. Chiến lược làm bài và học phù hợp với bản thân là một phần rất quan trọng để được điểm cao không chỉ trong SAT mà trong tất cả các bài thi chuẩn hóa.

 

Bạn có dự định và lên kế hoạch học tập, rèn luyện thế nào khi sang Mỹ?

 

Tháng 8 tới, mình sẽ sang Tufts và học ngành Quan hệ Quốc tế. Trong thời gian trước cũng như trong khi học ở nước ngoài, mình sẽ luôn cố gắng cập nhật tình hình thời sự ở Việt Nam cũng như đóng góp cho các hoạt động xã hội của thanh niên ở nước nhà, điển hình bằng việc luôn sát cánh cùng VYCO – tổ chức mà mình là đồng sáng lập. Mục tiêu trước mắt của mình cùng VYCO tổ chức sự kiện VYMUN 2015 vào mùa hè, với nhiều chủ đề và tình huống hết sức hấp dẫn…

 

Hoàn thành xong 4 năm đại học ở Mỹ, bạn có định về Việt Nam cống hiến?

 

Sau khi học xong ở Đại học Tufts, mình rất muốn apply tiếp lên Cao học và có thể là Tiến sĩ ở những trường cao hơn như Harvard, Columbia,… để tiếp tục mở mang kiến thức và tự tạo động lực phấn đấu cho bản thân. Mình nghĩ là mình không được phép tự hài lòng bản thân mình dù cho người khác có khen mình đến mức nào, cũng như không được phép tự ti về bản thân khi mình chưa được công nhận hoặc bị đánh giá thấp. Ngoài ra, mình cũng sẽ cố tận dụng thời gian ở nước ngoài để đi làm thêm ở các tổ chức bên đó để có thêm kinh nghiệm cho bản thân.

 

Mục tiêu sau khi học tập xong ở nước ngoài của mình là được về làm cho Bộ Ngoại giao để áp dụng những kiến thức mình đã học một cách có ích.

 

Theo bạn, bản thân mình có những tố chất nào để trở thành nhà ngoại giao giỏi?

 

Mình nghĩ có hai điều quan trọng. Thứ nhất đó là phải có vốn kiến thức rộng ở nhiều lĩnh vực như văn hóa, xã hội, quân sự, tôn giáo,…  Điều này sẽ giúp mình có khả năng bắt chuyện và trao đổi với nhiều người khác nhau khi cần cũng như nắm bắt được tâm lý, suy nghĩ của họ. Điều thứ hai đó là phải chịu khó giao tiếp với bên ngoài để trau dồi kinh nghiệm, kiến thức cho bản thân. Tuy là người hướng nội, nhưng mình vẫn luôn chịu khó tham gia các hoạt động cũng như hội thảo để tăng kinh nghiệm giao tiếp cho bản thân.

 

Cảm ơn Minh, chúc bạn thành công hơn trên con đường sắp tới!

 

Nguồn: Tiin

Share.

Leave A Reply