Châu Á thụt lùi, mất vị thế do không biết tư duy?

0

Sẵn sàng du học – Châu Á có diện tích lớn nhất, đông dân nhất, nơi tập trung nhiều tôn giáo lớn, nhưng lại thụt lùi hàng nghìn năm so với châu Âu. Nguyên nhân phải chăng ở tư duy của người châu Á?

Tên sách Người châu Á có biết tư duy? (Can Asians Think?) như một lời khiêu khích với những công dân phương Đông. Câu hỏi này được đặt ra bởi giáo sư Kishore Mahbubani, một nhà ngoại giao Singapore gốc Ấn, nhưng hưởng nền giáo dục bằng tiếng Anh. Với cơ hội di chuyển giữa hai nền văn hóa Đông – Tây, từ những trải nghiệm bản thân, ông nảy sinh những mối quan tâm về châu Á của quá khứ, đương thời, và viễn cảnh châu Á trong thiên niên kỷ mới. 

ssdh-nguoi-chau-a-co-biet-tu-duy

 

Châu Á là lục địa lớn nhất của thế giới, là trung tâm tâm linh với các tôn giáo lớn như Phật giáo, Hồi giáo, Khổng giáo, Hindu giáo. Nơi đây chiếm 60% dân số thế giới. Các nền kinh tế châu Á sắp vượt châu Âu và Bắc Mỹ trong 50 năm tới, nhưng phương Tây vẫn không chịu thay đổi cách nhìn về phương Đông.

Để tránh sự va chạm, xung đột giữa các nền văn minh, Mahbubani tin rằng tất cả các bên liên quan cần tự nhìn nhận lại mình. Kể cả người châu Á và người Âu đều cần phân tích về quá khứ, dự đoán tương lai để thức tỉnh.

Cuốn sách Người châu Á có biết tư duy? là tuyển tập các bài viết của GS Kishore Mahbubani để trả lời cho hai câu hỏi quan trọng: “Bạn có biết tư duy? Nếu có, tại sao xã hội châu Á lại thua thiệt hàng nghìn năm và thụt lùi so với xã hội châu Âu đã tiến xa từ bước ngoặt thiên niên kỷ trước?” và “Người châu Á có biết nghĩ cho bản thân họ không?”.

Tác giả thừa nhận không có tham vọng đưa ra một câu trả lời thích đáng, mà chỉ muốn độc giả tự thách thức những giả thuyết cũ. Nhưng xuyên suốt cuốn sách, bật lên lời khẳng định của chính tác giả, rằng "người châu Á cần phải tư duy rất sâu sắc về triển vọng của mình trong thế kỷ tới và trong thiên niên kỷ mới". Và bài học đầu tiên mà châu Á cần nghĩ tới là học cách phát triển, triển khai và duy trì một phần mềm đúng trong việc phát hiện nhân tài, hòa bình và sự trung thực. 

Cuốn sách được chia làm bốn phần. Phần một – Sự trở lại của châu Á – chủ yếu thảo luận về quá khứ, hiện tại và tương lai của châu Á. Phần hai – Phương Tây và phần còn lại – là hồi chuông thức tỉnh cho châu Âu vốn thống trị lịch sử thế giới trong hai thế kỷ 18, 19 và phần lớn thế kỷ 20, nhưng đang mất dần vị thế của mình.

Ở phần ba – Châu Á – Thái Bình Dương và Đông Nam Á – là những phân tích về các nước lớn của châu Á như Nhật Bản, Trung Quốc. Phần cuối của sách phân tích với sự phát triển của châu Á, trật tự thế giới mới đang được hình thành, và đặt ra các mối quan tâm toàn cầu. 

Tác giả Kishore Mahbubani.

Tác giả Kishore Mahbubani.

Người châu Á có biết tư duy? được xuất bản lần đầu năm 1998, sách được tái bản vài lần, mỗi lần đều có bổ sung, cập nhật. Ý tưởng của cuốn sách có sức lan truyền vì buộc chúng ta phải loại bỏ các kiến thức xưa, các mô hình tư duy thông thường và bắt đầu suy nghĩ theo hành lang tinh thần mới.

Samuel P. Huntington, tác giả Sự va chạm giữa các nền văn minh, đánh giá: “Phân tích của Mahbubani về quá khứ và những dự báo tương lai giống như lời thức tỉnh cho cả Tây phương lẫn Á châu… Nếu bạn muốn biết những người khác đang nhìn nhận về chúng ta như thế nào, thì theo tôi biết, chẳng có cuốn cẩm nang nào hay hơn cuốn này của Kishore Mahbubani. Tập hợp các bài luận sống động của ông vừa cung cấp thông tin vừa thách thức tư duy của bạn".

Tác giả Kishore Mahbubani (Sinh 24/10/1948), một nhà ngoại giao, học giả uy tín. Mahbubani nghiên cứu triết học và lịch sử, đã để lại dấu ấn trong vai trò tri thức công chúng toàn cầu. Năm 2005, ông được tờ Foreign Policy và Prospect đưa vào danh sách 100 trí thức của công chúng trên thế giới.

Cá Domino (SSDH) – Theo news.zing

Share.

Leave A Reply