Chuyện về chàng trai từ bỏ Harvard, sống hoang dã và chết trong rừng

0

Sẵn sàng du học – Đọc “Vào trong hoang dã” của Jon Krakauer giống như men theo những đường chỉ dẫn trên bản đồ, nơi chàng trai trẻ Alexander McCandless ruồng bỏ xã hội để theo đuổi lý tưởng.

Ra mắt năm 1996, hơn 20 năm đã trôi qua, cuốn sách Vào trong hoang dã (tên gốc: Into the Wild) kể câu chuyện có thật đầy lạ lùng về chàng thanh niên Alexander McCandless xuyên Mỹ rồi “một mình sống trong rừng” vẫn được nhiều người tò mò, quan tâm để rồi ám ảnh.

Dọc theo hành trình đầy bất ngờ, nhiều trải nghiệm, lãng mạn nhưng cũng điên rồ đó không phải là cái chết cô độc, mà còn cho thấy một sự phản kháng đầy quyết liệt với xã hội “văn minh” của chàng trai trẻ này.

Chuyến phiêu lưu rực rỡ của tuổi trẻ

Alexander McCandless là một nhân vật có thật, một thanh niên Mỹ vừa tốt nghiệp đại học, từ bỏ tất cả để dấn thân vào cuộc phiêu lưu dọc chiều đất nước. Cậu từ gọi mình là “supertramp”, nghĩa là một kẻ siêu lang thang sống rày đây mai đó.

Trải nghiệm của Supertramp là độc nhất; và trong hai năm phiêu bạt “xem đường đi là nhà”, cậu đã trải qua muôn vàn cảm xúc, từ vô cùng hào hứng đến kinh hãi tột độ. Cậu học cách xoay xở và sống sót một cách tài tình.

Đi nhờ xe, sống trong hoang mạc, kiếm tiền trên đường đi, chèo thuyền qua biên giới Mexico, sống một mình trong rừng Alaska… tất cả đã tạo nên những ký ức về một quãng đời tuổi trẻ rực rỡ.

Những căng thẳng tột độ với bão cát, lũ cuốn, lạc đường, rơi vào tình trạng nguy kịch… đều không thể khuất phục được chàng trai trẻ ngang tàng này.

“Hai năm anh phiêu bạt. Không điện thoại, không bể bơi, không thú cưng, không thuốc lá, hoàn toàn tự do. Một người cực đoan. Một chàng lang thang có óc thẩm mỹ vốn coi đường đi là nhà” – Krakauer kể lại hành trình của chàng trai trẻ.

ssdh-vao-trong-hoang-da

 

Từ một người luôn nghi ngờ về các mối quan hệ (gia đình và xã hội), Supertramp kết thân với rất nhiều người trong hành trình của mình. Đó là Wayne chủ một đồn điền nơi cậu làm thuê, người mà cậu rất quý trọng và kính phục sau này. Ông già Ron Franz tốt bụng hay những người bạn vô tình bắt gặp trên đường đi như Rainy, Jan, Tracy, Jim… đều có tình cảm yêu mến đặc biệt dành cho cậu. Để rồi trước khi chết cậu đã kịp nhận ra chân lý: Hạnh phúc chỉ tồn tại khi sẻ chia.

Dù kết thúc cuộc đời khá bi thảm (đói và ngộ độc khi sống trong rừng Alaska) nhưng Supertramp đã sống một cuộc đời không hề lãng phí. Anh viết trong nhật ký của mình: “Tôi đã có một cuộc đời hạnh phúc và cảm ơn Chúa vì điều đó. Tạm biệt. Chúa phù hộ cho tất cả”.

Sự phản kháng với xã hội văn minh

Supertramp có một gia đình giàu có, bố mẹ có học vấn và được đào tạo cẩn thận ngay từ nhỏ. Cậu cũng tốt nghiệp loại ưu tại trường Đại học Emory; chắc cú một suất học Luật ở Harvard. Nhưng cậu đã gạt bỏ tất cả điều đó, không sống theo lề thói thông thường mà dấn thân vào một con đường khó khăn hơn, nhiều trải nghiệm hơn.

Alexander McCandless

Alexander McCandless

Cuộc phiêu lưu của Supertramp là một sự phản kháng với xã hội văn minh. Cậu từ chối kiếm tiền, sự giàu sang dù cậu có khả năng để làm điều đó. Cậu cũng từ chối nhận chiếc xế hộp mới tinh từ bố mình vì “con Datsun vẫn rất tốt”.

Sự phản kháng với xã hội văn minh còn nằm ở những hành động của Supertramp như quyên góp số tiền tiết kiệm hơn 24.000 USD vào quỹ học bổng vì cậu không cần đến; đốt số tiền còn lại mang theo, bỏ lại chiếc xe hơi… và di chuyển chủ yếu bằng cuốc bộ hoặc đi nhờ xe trong suốt hành trình phiêu bạt của mình.

Không chỉ vậy, Supertramp còn khước từ (hay chống đối) với một số điều luật ban hành ở Mỹ mà theo cậu là “rất vớ vẩn”. Dù có phần cực đoan nhưng lý lẽ mà cậu đưa ra lại hết sức thuyết phục. Chàng trai trẻ đã một mình chèo thuyền vượt qua biên giới Mexico khi chưa có giấy phép. Cậu cũng một mình vào rừng sâu Alaska khi chưa có giấy phép săn bắn thú.

Và đỉnh điểm của sự chối bỏ xã hội văn minh là khi cậu thừa nhận, trong một giọng điệu quả quyết và đầy say mê, “Ông Franz, cháu nghĩ rằng ‘sự nghiệp’ chỉ là một phát minh của thế kỷ 20 và cháu không muốn thứ đó”.

Sự mê hoặc trong cách kể chuyện của Jon Krakauer

Cuộc phiêu lưu của Supertramp có lẽ sẽ không gợi nhiều cảm hứng và ám ảnh đến như vậy nếu như nó được kể bởi những nhà báo nghiệp dư, thích câu khách. Ngay khi đặt bút viết về câu chuyện lạ thường này cho tờ tạp chí Outside, tác giả Jon Krakauer đã hoàn thành một bài viết dài 9.000 chữ.

Sự ám ảnh, sự lẩn khuất cùng với máu của “hội cùng thuyền” (Krakauer vốn là một nhà leo núi mạo hiểm, từng có những năm tháng tuổi trẻ chinh phục các đỉnh núi tuyết ở Alaska) đã đưa anh đến quyết định viết nên Vào trong hoang dã.

Tác giả Jon Krakeuer.

Tác giả Jon Krakeuer.

Jon Krakauer có đủ tư liệu để “chế biến” nên một câu chuyện thú vị, bao gồm: tư liệu quý giá và phong phú (các bức thư tay, bưu thiếp với thủ bút của McCandless), hàng chục cuộc tiếp xúc gặp gỡ với các nhân vật liên quan, hàng núi cuộc điện thoại của người lạ chia sẻ câu chuyện của họ về McCandless. Nhưng điều làm nên hấp dẫn của cuốn sách không chỉ đến từ các tư liệu quý giá mà còn nằm ở cách triển khai cũng như văn phong của tác giả.

Bên cạnh đó, Jon Krakauer (vốn là một người ưa leo núi mạo hiểm, từng sống bằng nhiều nghề trước khi trở thành nhà báo) cũng thỉnh thoảng xen vào những câu chuyện của bản thân, với những chi tiết cho thấy một sự đồng cảm đặc biệt với nhân vật mà anh đang kể. Câu chuyện của Supertramp giống như một tấm gương phản chiếu con người thẳm sâu trong tâm hồn tác giả, vì thế mà lời văn của anh vừa chính xác lại rất trìu mến, tự nhiên và cuốn hút.

Từ trang đầu tiên đến trang cuối cùng, Jon Krakauer dẫn lối người đọc vào một chuyến phiêu lưu khám phá thiên nhiên kỳ thú; vừa giống như một chiếc camera ghi lại toàn bộ hành trình của Christopher McCandless, vừa giống như một kẻ dẫn đường chuyên nghiệp, giúp cho độc giả thưởng ngoạn hết vẻ đẹp của những cảnh quan, con người trong suốt chuyến đi đó.

Cuốn sách Vào trong hoang dã của Jon Krakauer từng được diễn viên, đạo diễn Sean Penn chuyển thể thành phim điện ảnh cùng tên ra mắt vào năm 2007. Bộ phim có sự tham gia của các diễn viên như Emile Hirsch, Marcia Gay Harden, William Hurt, Jena Malone, Catherine Keener… Bộ phim được đề cử 2 giải Quả cầu vàng (thắng giải bài hát gốc hay nhất) và hai đề cử giải Oscar 2008.

Cá Domino (SSDH) – Theo news.zing

Share.

Leave A Reply