Chuyện về một cây anh đào biết thở và biết cười

0

Sẵn sàng du học – Trong cuốn sách “Ông tớ là cây anh đào”, dưới góc nhìn của một cậu bé, những chuyện bình thường trở nên phi thường, từ ông ngoại, bà ngoại đến một cô ngỗng và cả một cây anh đào.

Hồi Tonino bốn tuổi, cậu có đủ cả ông bà hai bên nội ngoại. Ông bà nội thì sống ở thành phố, có vẻ bề ngoài toát lên là người thành phố. Còn ông bà ngoại thì ở dưới quê, vẻ bề ngoài của ông bà không giống ai cả, không giống cả những người hàng xóm ở đó.

ssdh-ong-to-la-cay-anh-dao

 

Ở nhà ông bà ngoại có một cô ngỗng tên là Alfonsina rất biết nghe lời, thông minh và văn minh hơn cả những chú chó nuôi, và đặc biệt có một cây anh đào tên là Felice đã hơn 30 năm tuổi. Ông ngoại trồng cây anh đào này từ lúc bà ngoại sinh ra mẹ của Tonino, làm bạn với mẹ kể từ khi mẹ còn nhỏ xíu, và qua bao nhiêu mùa nắng, bao nhiêu mùa mưa, cây anh đào giờ đây là bạn của Tonino.

Những ngày sống ở quê, ông ngoại đã dạy Tonino cách trèo lên cây anh đào mà không sợ hãi. Đó là nghĩ mình như một con chim hay một con mèo, coi cái cây là bạn của mình, là nhà của mình. Ông cũng chỉ cho Tonino cách lắng nghe hơi thở của cây và biết được khi nào cây tràn trề nhựa sống nhất. Ông mang những món quà Giáng sinh bất ngờ nhất cho Tonino và các bạn cùng lớp từ chính những câu chuyện về cây anh đào Felice.

Nhưng cuộc đời đâu phải lúc nào cũng chỉ trèo cây và chăm ngỗng, ông ngoại của Tonino phải đối mặt với nỗi sợ lớn nhất đời mình: bà ngoại bị ốm và qua đời. Ông ngoại bắt đầu dần thay đổi, không còn mãi là một người vui tính và khỏe mạnh như Tonino từng biết nữa. Và lần đầu tiên trong đời, Tonino hiểu được về tình yêu, cuộc sống và cái chết.

Cuốn sách Ông tớ là cây anh đào được kể lại qua lời của cậu bé Tonino về ông bà, cha mẹ và những người bạn bè xung quanh em ở bối cảnh một vùng quê nước Ý. Những lời kể ngô nghê nhưng gần gũi của em sẽ khiến người đọc ngạc nhiên khi biết được thế giới qua đôi mắt một đứa trẻ là như thế nào.

Tonino từng tưởng tượng ra ông bà ngoại trùm chăn trắng như ma đuổi theo đàn gà khi mẹ cậu thở dài nhắc đến ông bà, hoặc khi cậu cảm thấy bị phản bội và lừa gạt khi bà đã rời xa cậu mãi mãi, lúc ấy Tonino nghiệm ra rằng chết có nghĩa là đi một chuyến du lịch trên trời mà không có máy bay và ở đó không có chỗ cho những con ngỗng hay là những em bé.

Tác giả Angela Nanetti sinh ra tại Budrio, Italy. Bà từng giảng dạy môn tiếng Ý tại các trường cấp ba và cấp hai, đồng thời tham gia vào nhiều hoạt động nghiên cứu Văn học. Bà bắt đầu hứng thú với việc viết truyện cho thiếu nhi và dần khẳng định được khả năng viết vượt trội của mình. Ông tớ là cây anh đào là cuốn sách nổi tiếng nhất của Nanetti, đến nay đã được dịch và xuất bản tại 23 quốc gia và giành được nhiều giải thưởng cao quý. Năm 2015, cuốn sách được hai nhà làm phim người Nga chuyển thể thành phim hoạt hình ngắn và bộ phim đã chiến thắng tại Liên hoan phim thiếu nhi quốc tế New York.

Ông tớ là cây anh đào không chỉ là câu chuyện câu chuyện tinh tế và cảm động cho trẻ em mà còn là bài học cho cả người lớn. Cho những người đã quên đi những thứ tươi đẹp trong nhịp sống vội vã, quên đi cách dừng lại và tận hưởng khoảnh khắc, coi trọng những điều đơn giản, nhắm mắt lại và nhìn mọi thứ xung quanh, nghe tiếng cây thở hay thậm chí là cười đùa. Và cho những người đã quên rất nhanh việc là một đứa trẻ là như thế nào.

Từng câu từng chữ của cuốn sách này phủ đầy hơi ấm của thời thơ ấu, bầu trời không phải lúc nào cũng có mây đen và ta không phải lúc nào cũng bị bóp nghẹt trong nỗi buồn. Dẫu không phải ai cũng có thể nói với ông bà của mình rằng ta yêu họ nhiều như thế nào, nhưng nếu muốn không phải hối tiếc về sau, có lẽ bạn sẽ ngay lập tức chạy đến ôm thật chặt ông bà sau khi lật trang cuối cùng của cuốn sách này.

Ông ngoại đã dạy Tonino rằng, con người ta không chết đi khi có người vẫn yêu quý họ, và việc chúng ta không thể nhìn thấy những người đã mất, có nghĩa là họ đã biến hóa thành những thứ khác. Và đó có thể là một chú chim, một con ngỗng, hoặc biết đâu là một cây anh đào thì sao?

Cá Domino (SSDH) – Theo news.zing

Share.

Leave A Reply