Có giới hạn nào cho những mộng mơ?

0

Sẵn sàng du học – Người ta luôn cho rằng nơi rộng lớn nhất là thế giới của trí tưởng tượng. Và thật đau khổ cho những kẻ nhút nhát đến mức cầm tù sự suy tưởng của chính mình.

Mở đầu Tưởng tượng và dấu vết, nhà văn Uông Triều đưa người đọc đến con phố tấp nập để gặp một người đàn ông bại liệt. Phương, nhân vật chính của tác phẩm cũng chính là người kể chuyện ngày nào cũng chỉ có vài công việc buồn tẻ để làm. Đọc sách, ngắm dòng người qua lại trên phố và lấy bánh dụ đàn kiến bò trên cửa sổ.

Cuộc đời nhàm chán và đáng thương của một con người bị cầm tù bởi sự tàn phế của thể xác. Nếu đôi chân bây giờ chỉ là hai khúc xương bọc da kia hoạt động được, chắc có lẽ người đàn ông trẻ tuổi ấy đang tận hưởng những tháng ngày tràn trề sức sống và sự sung mãn của tuổi trẻ. Mỗi khi nghĩ tới điều ấy, nhân vật chính của chúng ta không khỏi đau lòng.

Việc đọc sách đối với Phương không chỉ là một thú vui. Anh ta làm điều đó một cách cần mẫn để giết thời gian và chờ đợi cái đích cuối cùng của đời người là cái chết. Cho đến một ngày một cô gái xa lạ xuất hiện mang đến cho Phương một lời thách thức, một động lực mới cho cuộc sống quá đỗi nhàm chán. Cô gái khuyên anh viết lách. Viết ra câu chuyện của chính mình thay vì dõi theo câu chuyện của người khác và thèm muốn, khát khao.

Viết văn, là một công việc mà Phương có thể làm được mà không bị bó buộc hay cản trở bởi đôi chân tàn phế. Nhưng nhân vật chính của chúng ta vẫn do dự?…

Khi còn là một chàng thiếu niên, giấc mộng viết lách đã được nung nấu trong đầu Phương. Để viết về nỗi đau, Phương sẵn sàng treo tóc của cô bạn tên Miên lên cây và nhìn ngắm cô giãy giụa trong đau đớn. Nhưng rồi, sau trải nghiệm ấy Phương viết được gì? Câu trả lời là: không gì cả!

Nhưng anh ta vẫn cứ sợ, sợ cuộc sống nhàm chán cả ngày chỉ biết trói mình trên giường, ngắm dòng người qua lại sẽ chẳng giúp anh ta viết được gì cho ra hồn. Văn chương liệu có phải là tấm gương để con người trong đời thực soi tỏ mình qua đó? Liệu một cá nhân nhàm chán trong cuộc sống này có cơ hội trở thành một cây bút có cá tính trong văn chương hay không? Đó là những câu hỏi ám ảnh Phương từ khi anh ta còn chưa cầm bút.

ssdh-tuong-tuong-va-dau-vet

 

Trong cuộc đời nhàm chán và buồn tẻ khiến bản thân nghĩ về cái chết nhiều hơn là sự sống, nhân vật Phương đã bị cầm tù không chỉ một mà là hai lần. Lần đầu tiên là sự giam hãm trong bốn bức tường bởi đôi chân tàn phế. Đó là sự giam hãm về thể xác. Nó khiến ta xót xa và cảm thấy buồn cho một số phận, nhưng đó không phải là “sự cầm tù” đáng sợ nhất.

Đến lần thứ hai, đó là sự cầm tù trong tư tưởng, khi Phương ám ảnh rằng mình không thể viết văn. Điều đó mới thực sự đáng sợ! Thực tại đã ám ảnh Phương nặng tới mức anh ta quyết định giam hãm cả những ý nghĩ của mình. Tự do trong tư tưởng là thứ tự do duy nhất mà Phương đang có, nhân vật chính đang tự giết dần giết mòn nó bởi sự sợ hãi và tự tin về bản thân. Cái chết của tư tưởng mới thực sự là cái chết đáng sợ.

Nhà văn Uông Triều đã từng nói: “Nếu chỉ kể chuyện ly kỳ, nhà văn không bằng bà hàng nước” và với Tưởng tượng và dấu vết, tác giả không mang chủ đích mang tới một cuốn tiểu thuyết ly kỳ, với nhiều hành động phức tạp, đan kết nhau. Không gian của tác phẩm chỉ là căn phòng hẹp và những tưởng tượng trong tâm trí của nhân vật chính.

Là người luôn muốn làm mới mình trong thể loại và bút pháp, với Tưởng tượng và dấu vết, Uông Triều đã sử dụng lối viết Hậu hiện đại để mang đến cho tiểu thuyết của mình một hơi thở mới. Kỹ thuật dòng ý thức được anh dùng một cách triệt để để giãi bày “cái tôi”, để biểu đạt tư tưởng.

Câu chuyện của Phương trong tác phẩm, không chỉ là câu chuyện về bi kịch của một người tàn phế. Ẩn trong đó còn là câu chuyện của những người đang viết và sáng tạo nghệ thuật nói riêng.

Nhiều người luôn cho rằng viết là quá trình bày tỏ những trải nghiệm vốn sống của cá nhân. Người có bề dày về vốn sống, sẽ có nhiều điều để chiêm nghiệm và thể hiện trên trang giấy. Điều đó chỉ đúng có một phần?

Đọc Tưởng tượng và dấu vết, một lần nữa ta lại thấy nhà văn Uông Triều trăn trở về điều này. Anh cho rằng: chúng ta ai cũng chỉ có một cuộc đời. Nếu chỉ viết về những gì mình đã từng trải nghiệm thì chúng ta sẽ chẳng viết được bao nhiêu. Văn chương không chỉ là kể lại những gì mình đã trải qua. Xa hơn và rộng hơn nó còn là công cụ để chúng ta khám phá những điều mà bản thân chưa bao giờ chạm tới.

Cá Domino (SSDH) – Theo news.zing.vn

Share.

Leave A Reply