Công ty kiếm hàng tỷ USD từ sự lo lắng của phụ huynh học sinh Trung Quốc

0

Sẵn sàng du học – Học sinh Trung Quốc phải đỗ các bài thi quốc gia để được học tại các trường đại học hàng đầu hay những chương trình cao đẳng. Điều này biến dịch vụ gia sư trở thành một ngành kinh doanh thu lợi nhuận khổng lồ.

Steven, một học sinh Trung Quốc 9 tuổi, dành cả buổi tối thứ Sáu để luyện toán trong lớp học tại trung tâm gia sư của TAL Education Group. Thứ Bảy, cậu học thêm Tiếng Anh và Tiếng Trung tại đây.

“Con tôi thích môi trường ở TAL, lớp học sôi động và học sinh được chơi những trò chơi nhỏ trong khi học”, mẹ cậu cho biết. “Tôi và bố cháu không bao giờ ép cháu học”.

Dĩ nhiên chẳng cần ép buộc, vì ngay cả học sinh tiểu học ở Trung Quốc cũng hiểu tầm quan trọng của việc vượt qua những bài thi quốc gia căng thẳng. Những ai làm bài kém thường chỉ kiếm được các công việc không mấy sáng sủa, và cơ hội vào cao đẳng cũng khép lại. Vì vậy, rất nhiều phụ huynh sẵn sàng đầu tư thời gian và tiền bạc, để đảm bảo con cái có tương lai tươi sáng.

Cha mẹ Steven chi khoảng 20.000 NDT/năm (3.124 USD) cho lớp gia sư của cậu. Mong muốn này đã biến TAL, công ty gia sư lớn nhất toàn quốc, thành cỗ máy kiếm tiền. Nhưng vị trí này đang bị lung lay bởi cuộc chiến của chính phủ Trung Quốc nhằm vào các đơn vị cung cấp lớp học ngoại khóa như TAL, giúp giảm áp lực học hành và nuôi dưỡng sự sáng tạo của học sinh.

a-group-of-chinese-students-reviewing-for-the-national-college-entrance-exams-or-gaokao1

TAL là tên viết tắt của Tomorrow Advancing Life (Ngày mai tươi sáng). Cái tên bày tỏ sự cảm thông với một trong những nỗi lo lớn nhất của những gia đình trung lưu Trung Quốc, nơi hệ thống giáo dục dựa trên cái bài kiểm tra. Kết hợp dạy kèm trực tiếp và học trực tuyến, TAL hy vọng năm nay sẽ dạy kèm 1,9 triệu học sinh – gấp đôi số đơn xin nhập học ở hệ thống trường công ở thành phố New York.

Công ty có 600 chi nhánh, và số đơn ghi danh online lẫn học trực tiếp đã tăng 49% mỗi năm. Doanh thu đạt 1,72 tỷ USD trong năm tài khóa kết thúc tháng 2/2018.

Đến ngày 12/6, cổ phiếu công ty đã tăng gấp 27 lần kể từ đợt IPO tháng 10/2010, đưa giá trị thị trường của công ty lên 25 tỷ USD. Con số này gấp 3 lần giá trị công ty dịch vụ giáo dục lớn nhất thế giới Pearson Plc có trụ sở tại London.

Tuy nhiên ngày 13/6, Muddy Water Reasearch, một hãng đặt cược nhằm vào giá trị của một vài công ty Trung Quốc, nói rằng lợi nhuận của TAL không cao như báo cáo. TAL gọi đây là cáo buộc sai lầm và lừa đảo.

Đồng sáng lập TAL Zhang Bangxin từ một cựu giáo viên toán đã trở thành một trong những người giàu nhất Trung Quốc. Cổ phần TAL của Zhang nắm giữ có giá trị khoảng 7 tỷ USD.

Bố mẹ Zhang có một tiệm mỳ và bánh bao ở tỉnh Giang Tô. Zhang là một học sinh xuất sắc, theo học chương trình tiến sĩ khoa học ở đại học Bắc Kinh danh tiếng. Zhang làm gia sư để bớt gánh nặng kinh tế cho cha mẹ, sau đó ông bỏ ngang để thành lập doanh nghiệp gia sư riêng. Hiện nay Zang giữ chức chủ tịch công ty tại tòa nhà văn phòng ở quận Zhongguancun, Bắc Kinh, nơi được gọi là “thung lũng Silicon” của Trung Quốc.

hoc-sinh-trung-quoc-ngan-ngam-tto-3-1523248553654472281380

Ở Mỹ, đỗ vào các trường Ivy League có vẻ đã khó, phải vượt qua kỳ thi Xếp lớp Nâng cao và tham gia phục vụ cộng đồng để đánh bóng hồ sơ. Nhưng chưa ăn nhằm gì so với Trung Quốc, nơi mà chiếc vé vào tương lai tươi sáng chỉ là một vài kỳ thi, vốn nổi tiếng khiến học sinh suy sụp tinh thần hay thậm chí tự tử: kỳ thi đầu vào trung học phổ thông, kỳ thi Zhongkao, và bài thi vào trường đại học Gaokao. Việc đỗ những kỳ thi này không chỉ quyết định trường học sinh được theo học, mà còn về việc liệu các em được vào cao đẳng hay phải đi học nghề.

Để thu hút khách hàng, Zhang thực hiện một chiến lược marketing cổ điển: đảm bảo hoàn tiền không điều kiện. Phụ huynh có thể dự thính lớp học tự do và lấy lại tiền bất kỳ lúc nào họ không hài lòng. TAL khuyến khích học sinh thực hành các dạng câu hỏi mà họ sẽ gặp trong các kỳ thi của Trung Quốc.

Các lãnh đạo đảng Cộng sản Trung quốc, bao gồm chủ tịch Tập Cận Bình, lo ngại nỗi ám ảnh với các kỳ thi quốc gia đang phá hỏng sự sáng tạo của học sinh, thứ có thể giúp Trung Quốc có được Steve Jobs của riêng họ.

Họ cũng muốn tránh việc các gia đình giàu có đạt được lợi thế thông qua các chương trình học ngoại khóa. Hồi tháng 2, Bộ Giáo dục Trung Quốc đã siết chặt giấy phép của các trung tâm gia sư, cấm tổ chức các kỳ thi xếp hạng tư nhân, và cấm các khóa học bị coi là quá nâng cao cho học sinh lớp thấp hơn.

Các biện pháp này nhằm giảm một phần lợi nhuận của TAL: luyện tập cho kỳ thi Olympiad Toán, một cuộc thi khốc liệt dành cho học sinh dưới 20 tuổi. Chiến thắng giúp học sinh được vào các trường trung học cơ sở được mơ ước. Những khóa học này quan trọng đến nỗi TAL quảng bá chúng trong bản cáo bạch IPO của họ.

Lệnh cấm của chính phủ có thể làm giảm nhu cầu cho các dịch vụ của TAL, đặc biệt là môn toán, vốn chiếm 60% doanh thu năm ngoái của công ty. Dù vậy, cổ phiếu của TAL tăng 30% năm nay, thậm chí sau rắc rối với Muddy Waters. Nhà đầu tư có lẽ cùng đồng ý với Zhang rằng lệnh cấm của chính phủ có thể giúp TAL đẩy những công ty nhỏ hơn ra khỏi thị trường.

Nhiều người trong hệ thống giáo dục Trung Quốc cho rằng phụ huynh khó lòng từ bỏ văn hóa chú trọng học hành đã ăn sâu vào hệ thống tuyển dụng công chứng 1.300 năm của Trung Quốc. Bên cạnh đó, dù luôn nói về việc giảm căng thẳng cho học sinh, chính phủ Trung Quốc chưa dỡ bỏ gốc rễ nỗi lo của các bậc phụ huynh – những kỳ thi cao cấp vào cấp ba và đại học.

Thái Hải (SSDH) – Theo Báo Người Lao động

Share.

Leave A Reply