Cười có thể giúp phòng tránh ung thư?

0

Sẵn sàng du học – Vì vậy, để giảm bớt căng thẳng và nuôi dưỡng sức đề kháng, “chúng ta hãy cười thật nhiều”, bác sĩ Toshio Akitsu chỉ ra trong một cuốn sách.

Cuốn sách Những ngộ nhận vì sức khỏe là những đúc kết về kiến thức cũng như kinh nghiệm y khoa của bác sĩ người Nhật – Toshio Akitsu và được hiệu đính, thẩm định bởi bác sĩ Ngô Đức Hùng (bác sĩ chuyên khoa Hồi Sức Cấp Cứu – BV Bạch Mai (Hà Nội)).

Toshio Akitsu sinh năm 1979, tốt nghiệp đại học Y khoa tỉnh Wakayama. Ông làm bác sĩ nội trú tại khoa Nội tuần hoàn, học về ống thông Tim Catheter, siêu âm Tim Doppler… Sau đó, ông làm việc ở bệnh viện Tokyo Rosai. Năm 1998, Toshio Akitsu mở phòng khám tư Akitsu ở Togoshi Ginza, quận Shinagawa.

Hiện tại, ông đang tham gia các chương trình truyền hình “Phòng khám có thể tìm thấy Bác sỹ điều trị chính”, “Chuyên mục cộng tác Sức khỏe – Phòng khám có thể tìm thấy Bác sỹ điều trị chính” mạng lưới truyền hình TV Tokyo.

Những ngộ nhận vì sức khỏe là cuốn cẩm nang về sức khỏe giúp người đọc hiểu rõ bản chất của hầu hết băn khoăn thường gặp về cơ thể mình. Tại Nhật Bản, cuốn sách sức khỏe nổi tiếng này đã bán được hơn 80.000 bản.

Nhiều lầm tưởng về sức khỏe thường gặp

Cuốn sách bao gồm 35 sự thật về sức khỏe được trình bày dưới dạng các câu hỏi để người đọc thử trả lời và từ đó biết được bản thân có hiểu đúng về vấn đề sức khỏe đang gặp phải hay không. Những câu hỏi này được giải đáp đơn giản, dễ hiểu và có chứng cứ xác thực.

ssdh-nhung-ngo-nhan-vi-suc-khoe

 

Với các nội dung cuốn sách đề cập, người đọc sẽ có được những kiến thức cơ bản về cơ thể và sức khỏe. Điều này giúp mỗi người có được sự tự tin, bình tĩnh khi đối diện với bác sĩ, từ đó cùng bác sĩ lựa chọn phương pháp điều trị tối ưu.

Đọc cuốn sách sẽ thấy, có những thói quen tưởng tốt thực ra lại rất nguy hiểm đối với cơ thể, thậm chí dẫn tới nguy cơ chết sớm. 

Một sự thật sẽ khiến nhiều người ngạc nhiên và thậm chí nghi ngờ là, không nên chạy bộ vào sáng sớm. Theo tác giả Toshio Akitsu dẫn chứng, để thói quen chạy bộ có ích trong việc làm giảm nguy cơ tử vong thì cần phải thỏa mãn ba điều kiện: “1. Cự ly chạy bộ không được quá 32 km/tuần, 2. Tốc độ chạy bộ 8 – 11.2 km/h, 3. Số lần chạy phải trong khoảng 2 – 5 lần/tuần”. Tuy nhiên, việc tuân thủ được các điều kiện trên là không dễ.

Tác giả cũng giải thích, khi chạy bộ, đặc biệt là trong vòng 2 giờ sau khi ngủ dậy, thì “nhịp tim sẽ nhanh lên dẫn đến huyết áp càng tăng cao và vì vậy mà nguy cơ nhồi máu cơ tim sẽ tăng cao bất ngờ”. Cuối cùng, ông đưa ra lời khuyên: “Nếu muốn sống lâu thì thay vì chạy bộ hãy đi bộ”.

Câu nói “Mỗi ngày nên uống từ hai lít nước” từ lâu trở thành câu cửa miệng khi nhiều người đưa ra lời khuyên cho người khác về việc chăm sóc da hay đảm bảo sức khỏe tốt. Tuy nhiên, theo tác giả Toshio Akitsu, “bản thân cách nghĩ rằng bao nhiêu lít nước mới đúng hay cần phải uống bao nhiêu lít nước là việc tranh luận vô nghĩa”. Bởi mỗi người cần một liều lượng nước khác nhau, nếu uống nước nhiều quá mức cơ thể cần sẽ dẫn đến các bệnh nặng.

Ông cho biết: “Việc uống quá nhiều nước sẽ làm cho môi trường trong đường ruột ngày càng xấu đi và sức đề kháng suy giảm, dẫn đến tỉ lệ mắc bệnh ung thư sẽ tăng lên”. Vì vậy, tác giả đưa ra lời khuyên: “Trừ mùa hè hay những lúc chơi thể thao, ngày thường chúng ta nên đợi đến khi khát nước rồi hãy uống thì đó sẽ là lượng thích hợp”.

“Năm quả dâu tây” và “một miếng Sô cô la”, thứ nào sẽ gây tiểu đường?”. Hầu hết mọi người cho rằng, ăn nhiều trái cây sẽ tốt cho sức khỏe. Nhưng tác giả cuốn sách lưu ý, vào buổi sáng, trái cây phát huy hiệu quả tốt như cung cấp nước hay bổ sung năng lượng nhưng nếu ăn vào buổi tối thì cần phải chú ý.

Tuy nhiên, “dù nói rằng vào buổi sáng có thể ăn nhiều trái cây hơn so với ban đêm, tất nhiên cũng cần một liều lượng thích hợp. Liều lượng thích hợp đó được cho là khoảng 80 kcal. Nếu là trái cây thông thường thì tương đương khoảng 100 – 250g. Chuối một quả, dâu thì khoảng mười đến hai mươi quả”.

Ông đưa ra kết luận “Trừ những người có thể thực hiện được theo lượng thích hợp này, không thì thà ăn một mẩu sô cô la còn hơn”. Điều này sẽ giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường.

Những ngộ nhận về thói quen sinh hoạt

Những ngộ nhận vì sức khỏe cũng đưa ra nhiều sự thật về sinh hoạt hàng ngày khiến người đọc có thể không ngờ tới. Ví dụ, “người căng thẳng và người không căng thẳng, ai sẽ dễ bị vi rút tấn công?”. Theo nhận thức thông thường, có lẽ mọi người đều cho rằng, “người căng thẳng” sẽ dễ gặp vấn đề về sức khỏe.

Nhưng theo tác giả, một môi trường có căng thẳng ở mức độ thích hợp thật ra là đáng hoan nghênh”. Bởi căng thẳng “là chỉ các 'phản ứng' xảy ra bên trong cơ thể để cố gắng thích nghi với các nhân tố gây căng thẳng này, ví dụ, khi cơ thể tiếp xúc với các nhân tố ngoại cảnh như cảm lạnh, chấn thương hay bệnh tật… hoặc khi xảy ra căng thẳng về mặt tinh thần như giận dữ, buồn bực hay bất an… của nội tâm”.

Tuy nhiên, ông Toshio Akitsu cũng cho rằng, một môi trường luôn xảy ra căng thẳng một cách quá mức cũng sẽ làm cho sức tiêu diệt vi rút của các tế bào đề kháng bị yếu đi và cơ thể sẽ bị vi rút xâm nhập. Vì vậy, để giảm bớt căng thẳng và nuôi dưỡng sức đề kháng, “chúng ta hãy cười thật nhiều”, “dù cho là nụ cười do mình tạo ra thì cũng hãy lớn tiếng mà cười 'ha ha ha'”, thì các tế bào tiêu diệt tự nhiên (tế bào NK)) – tế bào miễn dịch tấn công trực tiếp vi rút hay các tế bào ung thư – sẽ lại trở nên hoạt động mạnh mẽ.

Ngoài những vấn đề trên, cuốn sách cũng đề cập đến nhiều lầm tưởng khác như việc khỏi bệnh là dừng ngay thuốc hay tiếp tục uống thuốc?, “Phòng khám tư và Bệnh viện đa khoa, khi cảm thấy không khỏe thì nên đi khám ở đâu?, Ung thư vú và Ung thư đại tràng, đâu là nguyên nhân gây tử vong số một ở nữ giới?, Không ăn tinh bột và ăn ngày một bữa, hành vi nào sẽ khiến bạn dễ nằm liệt giường?”…

Cuối cùng, theo tác giả Toshio Akitsu, cùng với các cách phòng tránh và xét nghiệm cần thiết, tránh xa các thực phẩm bổ sung dinh dưỡng; thì việc biết ơn sức khỏe bạn đang có là con đường ngắn nhất giúp cơ thể khỏe mạnh.

Cá Domino (SSDH) – Theo news.zing

Share.

Leave A Reply