Đại học Harvard đào tạo ngành Y như thế nào?

0

SSDH – Năm 2015, Đại học Harvard thay đổi chương trình đào tạo ngành Y nhằm hạn chế tình trạng sinh viên nhồi nhét kiến thức vào những ngày gần thi và quên ngay sau đó.

 

Theo bảng xếp hạng những trường đào tạo ngành Y tốt nhất thế giới của QS, Đại học Harvard ở bang Massachusetts, Mỹ, đứng thứ nhất.

 

Tháng 9/2015, trường Y Harvard quyết định cải cách chương trình đào tạo. Đây là lần cải cách lớn đầu tiên kể từ thập niên 80 thế kỷ trước.

 

Trước đó, Harvard áp dụng chương trình đào tạo tập trung cách học dựa trên vấn đề. Sinh viên học một môn thông qua kinh nghiệm giải quyết vấn đề y học. Họ học cả chiến lược tư duy và kiến thức chính, The Crimson cho hay.

 

Đại học Harvard đào tạo ngành Y như thế nào?

Trường Y thuộc Đại học Harvard áp dụng chương trình đào tạo mới từ tháng 9/2015. Ảnh: The Crimson.

 

Với chương trình mới, trường hợp nhất nhiều môn phức tạp thành các khóa học, đưa thực tập vào chương trình sớm hơn trước.

 

Những giáo sư giảng dạy từ năm 2012 cho biết, chương trình mới yêu cầu sinh viên học tập chủ động hơn là chỉ nhồi nhét và cố ghi nhớ kiến thức. Nó tập trung vào hai năm đầu, được gọi bằng thuật ngữ “tiền học thuật”. Hiện tại, sinh viên năm nhất Đại học Harvard áp dụng chương trình này.

 

Cuộc cải cách cũng liên quan vấn đề nội dung khóa học. Theo Richard M. Schwartzstein, một trong những giáo sư trong đội thiết kế lại chương trình giảng dạy tại trường Y Harvard​, mỗi khóa học sẽ nghiên cứu nhiều vấn đề và môn học thay vì chỉ tập trung một lĩnh vực như trước đây.

 

Ví dụ, khóa “Nền tảng Y khoa” của giáo sư Randall W. King bao gồm bệnh lý, sinh học tế bào, vi sinh. Trước đây, chúng được giảng dạy thành các môn riêng. Các khóa học mới giữ nguyên nội dung từ những môn học cũ, nhưng xen lẫn chúng nhằm tạo ra mối liên hệ.

 

Cuộc cải cách cũng thay đổi phương pháp truyền thụ kiến thức của giáo sư trường Y Harvard. Sinh viên tìm hiểu kiến thức qua các video thay vì lên giảng đường nghe giảng. Sau đó, họ áp dụng chúng tại lớp học và phòng khám.

 

Đại học Harvard đào tạo ngành Y như thế nào?

Chương trình mới yêu cầu sinh viên học tập tích cực, chủ động hơn. Ảnh: Harvard.edu.

 

Với Schwartzstein, sự thay đổi này đồng nghĩa việc sinh viên không thể chỉ dành mấy ngày trước khi thi để ôn lại kiến thức là có thể thuận lợi qua môn. Nó buộc họ phải thường xuyên học hành chăm chỉ, tích cực.

 

“Tình trạng sinh viên cố nhồi nhét kiến thức trong những ngày gần thi và quên ngay sau đó sẽ không diễn ra. Phương pháp ấy vốn không phù hợp nghề nghiệp tương lai, khi các em phải sử dụng kiến thức trong khoảng 30 đến 40 năm”, ông nói.

 

Theo chương trình mới, sinh viên Harvard quay lại với các khóa học lâm sàng, còn được gọi là học thuật cốt lõi. Họ áp dụng kiến thức vào thực tế sớm hơn, khoảng 14 tháng sau khi học tập thay vì gần 18 tháng như trước đây.

 

“Chúng tôi cho rằng, điều này thúc đẩy tinh thần học tập, ý thức về nghề bác sĩ trong tương lai. Chương trình mới cho các em thấy mối tương quan giữa những gì sinh viên đang học ở lớp học và công việc của các em tại bệnh viện”, Schwartzstein nói.

 

Theo giáo sư ​Schwartzstein, nhờ có Internet, con người có thể tiếp cận thông tin theo nhiều cách, vì thế, Harvard cũng phải thay đổi nhằm nâng cao chất lượng dạy và học.

 

Sau khi đại học hàng đầu thế giới cải cách chương trình đào tạo, chính phủ cũng thay đổi nhiều quy định trong lĩnh vực y tế. Theo đó, bên cạnh kiến thức chuyên ngành, sinh viên phải nghiên cứu thêm về những phát triển gần đây.

 

Haiden A. Huskamp, giáo sư ngành chăm sóc sức khỏe, đánh giá chương trình đào tạo mới góp phần quan trọng vào việc đảm bảo y tế luôn hữu ích và tân tiến, phù hợp sự thay đổi của ngành y và chính sách y tế.

 

Tuy nhiên, giáo sư Schwartzstein khẳng định, họ vẫn chưa hoàn thiện chương trình mới và đang nghiên cứu nhằm đưa ra nội dung học tập đầy đủ trong năm 2016.

 

 

Nguồn: Zing

Share.

Leave A Reply