Đạp tuyết mà đi

0

SSDH – Trở về Việt Nam nghỉ hè sau hai năm du học ở Anh, Mai Thanh Sơn đang thực tập tại phòng doanh nghiệp khách hàng của ngân hàng ACB, nhằm trang bị thêm kiến thức thực tế trước khi trở lại trường. Tình cờ đọc các bài viết trên chuyên mục Sống và học trên xứ người của báo Sài Gòn Tiếp Thị, Thanh Sơn đã gửi đến tòa soạn bài viết chia sẻ những kinh nghiệm từ góc độ của người du học tự túc.

 

Năm 2010, tôi thi đậu vào khoa ngân hàng đại học Kinh tế. Đang học đại cương thì chị gái bên Đức gợi ý chuyện du học. Tuy nhiên quyết định du học lại xuất phát từ nguyện vọng cá nhân bởi muốn có những trải nghiệm nền giáo dục khác. 

 

du_hoc_-_Dap-tuyet-ma-di

Ảnh: do nhân vật cung cấp.

 

Lúc đó, kế toán tài chính đang là ngành “hot” bởi học ra dễ xin việc và thu nhập ổn định. Tôi liên hệ công ty TSC Ukeas Việt Nam tìm sự tư vấn của họ. Lúc xét hồ sơ, người ta có ba yêu cầu là học lực, điểm tiếng Anh và khả năng tài chính. Rồi ngày nọ, bên TSC báo đến nhận giấy nhập học. Tôi trúng tuyển ba trường đại học của Anh: University of East Anglia (London), University of Leeds hệ dự bị và University of Manchester dự bị liên thông đại học. Tôi quyết định chọn học ngành quản trị kinh doanh trường East Anglia.

 

Lần đầu tiên đi học nước ngoài có bao nhiêu bỡ ngỡ. Điều không thể hình dung được là vốn liếng hơn một năm tiếng Anh của tôi đã bị “đơ” trong những cuộc giao tiếp đầu tiên. Chưa hết, mặc dù làm thủ tục nhập học rất nhanh nhưng sự rộng lớn của trường học khiến tôi choáng ngợp. Hai tháng đầu tôi đã liên tục đi lạc trong trường. Có một kinh nghiệm sau này tôi mới rút ra là phải liên hệ các tình nguyện viên của trường, trong đó có cả du học sinh Việt Nam. Họ sẽ hướng dẫn chỗ mua thẻ điện thoại, bản đồ, nơi làm thẻ ngân hàng… Các giảng viên rất thân thiện, cởi mở nhưng đòi hỏi rất cao ở phương pháp học tập của người học. Khi người học trả lời sai, thay vì chê họ vẫn khuyến khích nhưng điểm số thì phản ánh đúng kiến thức đã thu nhận. Một lần nữa tôi bị khớp bởi giáo sư giảng bài và đưa ra một số gợi ý, phần còn lại là của sinh viên. Tôi bắt đầu làm quen với cách học tự luận, nộp tiểu luận là bài luận tiếng Anh. Kinh nghiệm đau thương bắt đầu từ bài luận đầu tiên bị giáo sư phê: “Đây không phải là một bài luận”. Các giáo sư đã yêu cầu tôi đọc thêm tài liệu, tìm hiểu thêm phương pháp viết bài luận. Đến tháng thứ ba, điều lớn nhất tôi nhận ra đó là mọi chuyện phải tự lập, tìm sự chia sẻ kinh nghiệm và phương pháp học của các anh chị khóa trên nhưng không dựa dẫm. Tìm đến thư viện bất cứ lúc nào rảnh, lên mạng tìm thông tin, học hỏi mọi người, tôi dần bắt nhịp với môn học và tìm được phương pháp học.

 

Du học không chỉ học phương pháp để tiếp nhận tri thức mới mà còn học cách sống tự lập và điều chỉnh bản thân. Nếu không ở ký túc xá, có thể nhờ các tình nguyện viên hoặc bạn bè giới thiệu khu vực nhiều nhà trọ cho sinh viên. Trước khi thuê nên liên hệ hỏi xem địa điểm, đồ đạc trong phòng, số người ở, giá cả, có gần trạm xe buýt không… Cũng cần chọn nhà cho phép nấu ăn, gần siêu thị. So với đi ăn ở ngoài, tự nấu ăn sẽ tiết kiệm được 40% chi tiêu. Sau thời gian thích nghi với học tập và cuộc sống, tôi bắt đầu tìm việc làm để có thêm thu nhập và quan trọng hơn là trang bị thêm vốn sống và cải thiện tiếng Anh. Rất dễ tìm việc từ các mẩu thông tin rao tuyển và tôi đã làm bồi bàn, phiên dịch viên… Mở rộng mối quan hệ là cách tốt nhất để có thêm bạn, thêm kinh nghiệm.

 

Đi du học là mở ra một trang mới trong cuộc đời và thành công hay thất bại là do mình viết vào đấy. Du học không phải là thiên đường, mọi thứ phải tự lập. Nhiều lúc rất cô đơn và nhớ nhà. Cũng may, những cuộc điện thoại từ quê gọi sang hay hình ảnh chiếc bánh tét trong bữa ăn khiến tôi vơi đi nhiều để đạp tuyết mà đi tiếp!

 

Anh Khoa

 

Share.

Leave A Reply