Đầu tư tiền tỷ cho con du học: Như đánh một canh bạc

0

SSDH – Con sử dụng tiếng Việt kém, chịu nhiều áp lực… là những mặt trái của việc cha mẹ định hướng du học sớm. Du học đang trở thành phong trào trong xã hội hiện đại, là mong ước của nhiều bạn trẻ Việt.

Để biến giấc mơ thành hiện thực, nhiều gia đình đã định hướng, chuẩn bị tài chính, hành trang cho con từ nhỏ. Trong đó, cha mẹ đặc biệt đầu tư vào việc học ngoại ngữ.

Đầu tư tiền tỷ cho con du học 

Chị Minh Hạnh (Hai Bà Trưng, Hà Nội) chia sẻ do không đồng quan điểm với nền giáo dục nước nhà nên vợ chồng chị hướng con du học từ khi mang thai, với mong muốn con hấp thụ được nền tri thức tiên tiến như tại Mỹ.

Với kế hoạch đó, chị Minh Hạnh giáo dục con theo cách nhận biết, đọc chữ từ sớm. Chị cũng cho con tham gia các khóa tiếng Anh lúc 2 tuổi. Bởi theo chị, 0-6 tuổi là giai đoạn trẻ nhạy cảm với ngôn ngữ.

duhoc1

Du học trở thành xu hướng của xã hội. – Nguồn Zing New

Không chỉ có gia đình chị Minh Hạnh, cậu con trai 16 tuổi của anh Nguyễn Quang (Gia Lâm, Hà Nội) vừa nhận được thông báo trúng tuyển của một trường THPT tại Mỹ.

Theo anh Quang, nếu con trai cố gắng một trong việc chuẩn bị du học thì cha mẹ phải cố gắng 10, từ việc chuẩn bị tài chính, tìm hiểu thông tin, định hướng…

Tuy nhiên, việc cho con du học năm cấp 3 khiến gia đình anh Quang lo lắng bởi con đang ở tuổi mới lớn. Phụ huynh này cho biết cho con đi du học sớm như… đánh một canh bạc. Nhiều con của bạn bè anh phải trở về nước vì các cháu chưa có kỹ năng, dễ sa ngã khi sống ở nước ngoài. 

Mặc dù vậy, anh Quang rất hồ hởi trước tương lai của con. Anh chia sẻ con trai cả đi du học, sau đó phải ở Mỹ kiếm việc rồi định cư, sau này còn lo cho em út.

Để có nền tảng ngoại ngữ tốt, hòa nhập môi trường quốc tế, nhiều gia đình lựa chọn trường quốc tế. Trong khi mức học phí các trường công lập chỉ vài trăm nghìn đồng/năm thì phí, học phí các trường tư thục, quốc tế tại Hà Nội và TP.HCM có thể lên đến hơn 500 triệu đồng/10 tháng học.

Những gia đình không có điều kiện cho con học trường quốc tế có thể dạy theo hình thức “home school” (dạy học tại nhà). Đây là hình thức khá mới ở Việt Nam.

Những ông bố, bà mẹ cho con học theo hình thức này cần đầu tư nhiều thời gian, công sức. Họ thường mua giáo trình nước ngoài và cho con học qua video, sau đó tự làm bài tập, thuê giáo viên nước ngoài về dạy thêm, hoặc tổ chức học theo nhóm những gia đình cùng dạy con ở nhà.

Theo thầy Trần Phương – giáo viên dạy đội tuyển Toán dự thi quốc tế, nhiều gia đình lựa chọn các cuộc thi quốc tế mang màu sắc kinh doanh để make up hồ sơ du học.

Ở đó, thí sinh phải đóng đầy đủ lệ phí thi; phí đi lại, ăn ở và gộp thêm phí tập huấn, tổng cộng khoảng 2.000 USD/em. Mỗi học sinh lớp dưới thường phải có phụ huynh đi kèm nên chi phí lên đến 3.000USD.

Với các cuộc thi năng lực Toán, một học sinh trung bình khá cũng có thể chọn một cuộc thi nào đó phù hợp với trình độ để dễ đạt được huy chương, nhờ đó tích tụ một chút “hương hoa” cho hồ sơ du học sau này.

Do lấy yếu tố thương mại làm trọng tâm nên ban tổ chức thường ra đề thi vui vẻ kiểu Test IQ chọn đáp án để tạo ra cơn mưa giải thưởng chia quà cho các đoàn tham dự.

Mặt trái của việc học tiếng Anh sớm

Dẫu biết đầu tư cho con người là điều ưu tiên nhất, tuy nhiên, theo TS Vũ Thu Hương (khoa Giáo dục Tiểu học, ĐH Sư phạm Hà Nội), cha mẹ hãy là những người thông thái để tạo môi trường tốt nhất cho con.

TS Hương chia sẻ trẻ Việt nếu cho học tiếng Anh quá sớm, chắc chắn khả năng tiếp thu tiếng mẹ đẻ sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Hơn nữa, trẻ nhỏ trí nhớ dài hạn còn kém, sẽ nhanh quên dù chúng ta có dạy bằng phương pháp nào đi chăng nữa.

Trẻ nhỏ lại chưa hình thành ý thức, mà việc học ngoại ngữ đòi hỏi sự quyết tâm. Khi người ta mong muốn và ý thức được mình cần thiết phải học, việc học tập sẽ diễn ra nhanh chóng, thuận lợi. Còn trẻ nhỏ học chỉ như vui chơi nên quên rất nhanh.

Vì vậy, cha mẹ đừng đặt áp lực con phải học ngoại ngữ, coi ngoại ngữ như tiếng mẹ đẻ khi còn nhỏ. Điều này sẽ gây nhồi nhét kiến thức, khiến con trẻ mệt mỏi.

Chị Vũ Thu Hương kể con gái chị sống ở Đức thời học mầm non, trước đó đã nói tiếng Việt khá tốt. Nhưng một thời gian cháu bị loạn ngữ, ngừng không nói bất cứ ngôn ngữ gì một năm trời. Sau thời gian vất vả đó, cháu gặp khó khăn khi giao tiếp với thầy cô, bạn bè, thiếu đi sự tự tin vốn có.

Nhưng giờ đây, khi học lớp 11, đang sống ở Việt Nam, cháu thật sự mong muốn quay lại Đức du học, cháu học tiếng rất chăm chỉ và có nhiều tiến bộ.

Ngoài ra, chị Hương gặp nhiều trẻ học tiếng Anh từ nhỏ nhưng lại nói tiếng Việt lơ lớ, dù bố mẹ đều là người Việt.

Chuẩn bị không chỉ tiền bạc và ngoại ngữ

Chuẩn bị không chỉ tiền bạc và ngoại ngữ – Nguồn Internet

Theo TS Vũ Thu Hương, tiếng Anh hay bất kể ngoại ngữ nào cũng chỉ là công cụ để con người sinh sống và phát triển. Thứ quan trọng hơn rất nhiều là đạo đức, kỹ năng sống của trẻ thì không bao giờ tiếng Anh có thể hỗ trợ giáo dục được.

Việc trông đợi vào ngoại ngữ để biến đổi con người là điều phi lý. Nhưng một con người có tư cách đạo đức tốt, kỹ năng sống đầy đủ, tự lập, tự chủ và sáng tạo thì bất kể thời gian nào, việc học ngoại ngữ cũng vẫn có thể tiến hành thành công.

TS Hương cho rằng không ít cháu giỏi ngoại ngữ nhưng khi đi du học đã gặp vấn đề rất lớn, thậm chí có cháu trầm cảm nặng. Điều này do các cha mẹ không chuẩn bị cho con kỹ năng sống, tồn tại tự lập. Các cháu cũng không học cách sống, sinh hoạt đảm bảo không gây phiền hà đến người xung quanh.

Đôi khi, điều này lại rất quan trọng vì các cháu có thể sẽ bị kỳ thị hoặc gặp khó khăn khi có những cư xử không phù hợp tại nơi sống mới. Ví dụ, các cháu bật nhạc quá to ở châu Âu có thể sẽ bị cảnh sát hỏi thăm. Ngoài ra, văn hóa nước sở tại, các nguyên tắc sống của họ cũng là điều cần quan tâm và chuẩn bị trước.

Thái Hải (SSDH) – Theo Zing New

Share.

Leave A Reply