Để có cuộc sống ký túc hòa hợp khi đi du học

0

SSDH – Cuộc sống ký túc có vui có buồn. Có những lúc vui chơi thâu đêm suốt sáng bên nhau. Cũng có những lúc chẳng thèm nhìn mặt nhau suốt cả tuần.

 

Việc đi học xa nhà khi vào đại học là điều mà rất nhiều bạn sinh viên đã đang và có thể sẽ xảy ra. Thế nhưng khi đi du học thì chắc chắn bạn sẽ phải ở chung với bạn bè. Trừ một số nước cho phép “home stay” như Newzealand chẳng hạn…

 

Để có cuộc sống ký túc hòa hợp khi đi du học

 

Để có một cuộc sống kí túc hòa thuận với bạn bè là điều tưởng chừng dễ nhưng không hề dễ chút nào.

 

Chúng ta từng chứng kiến trong kí túc, dãy trọ có nhiều người vì không hợp tính nhau, không chịu nổi tật xấu của nhau nên phải chuyển phòng liên tục.

 

Cuộc sống du học ở kí túc xá cũng chẳng khác mấy so với Việt Nam. Tuy nhiên có những điểm mà bạn sẽ chỉ gặp khi đi du học mà thôi. Vậy nên hãy biết cách xử trí mọi tình huống sao cho hợp tình hợp lý.

 

Thông cảm cho nhau là điều cần thiết

 

Mình cũng đang sống với bạn bè. Có những lúc bạn thức khuya để học bài nên bật đèn sáng khiến mình rất khó ngủ. Nhưng mình tập ngủ sớm hơn để đến khi bạn đó bắt đầu học bài thì mình đã chìm vào giấc ngủ.

 

Đó chỉ là một trong hàng chục ví dụ cho thấy bạn cần biết và cần học cách thông cảm lẫn nhau.

 

Nếu bạn không chịu được những thói quen oái oăm mà người bạn cùng phòng gây ra thì rất có thể xảy ra mâu thuẫn và chuyển phòng là điều hiển nhiên.

 

Như bạn biết đấy, khi đi du học chúng mình được ở phòng rộng rãi hơn, ít người hơn (thường thì phòng to 3 người và phòng nhỏ là 2 người) Thế nhưng không có nghĩa là cuộc sống phòng ốc sẽ hòa hợp hơn. Cũng có lúc mâu thuẫn xảy ra nhưng mãi mới tìm được cách giải quyết sao cho ổn thỏa.

 

Góp ý thẳng thắn cho nhau

 

Khi bạn cùng phòng của bạn làm sai, bạn phải góp ý thẳng cho người ta hiểu rằng họ đang làm sai việc gì đó.

 

Hầu như dân đi du học ai cũng có ý thức nhất định. Mình nói vậy không có nghĩa là sinh viên ở Việt Nam không có ý thức. Nhưng theo bản thân cảm nhận thì những người đã được tuyển chọn đi du học theo đường học bổng Nhà nước dù sao vẫn có một chút gì đó hơn về tri thức và cách cư xử. Nếu không tin, bạn cứ hỏi bạn bè đi du học của bạn mà xem.

 

Có nhiều lúc chúng ta thấy bạn bè mình rủ bạn đến chơi rồi làm ầm ĩ. Khiến chúng ta không học bài được. Thế nhưng bản thân vẫn ngậm ngùi bịt tai nghe lại để học mà trong lòng thấy ấm ức.

 

Có nhiều bạn xử trí tình huống khá kém chẳng hạn như: Con bạn cùng phòng ngồi nói chuyện với anh người yêu ở Việt Nam cả tối. Họ cười cười rồi nói, hôn qua điện thoại, hát qua skype… Những hành động đó khiến bạn không tập trung học bài được. Bạn không góp ý thẳng vì sợ mất lòng lại đi post lên Facebook nói bóng gió này nọ.

 

Đừng làm những việc dại dột như vậy, dù post lên mạng xã hội hay đi kể với bạn khác cũng không nên.

 

Đó là cách xử trí mà dẫn đến tình bạn của bạn, có thể đang rất tốt, sẽ tiêu tan như mây như khói.

 

Khi không thích hay bị làm phiền bởi một thói quen xấu của bạn cùng phòng. Hãy ngồi lại bên nhau, góp ý thẳng thắn cho nhau và cùng nhau tìm ra phương hướng giải quyết.

 

Chẳng hạn, nếu bạn gái ấy muốn chat, gọi điện thoại với người yêu thì có thể bảo họ nói chuyện sớm hơn. Để trước khi vào giờ học, bạn sẽ có một khoảng không gian yên tĩnh.

 

Chúng ta đang dành quá ít thời gian cho nhau

 

Theo mình thấy khi đi du học, các bạn sinh viên quá phụ thuộc vào máy tính. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc bạn đang đánh mất đi một thời gian quý dành cho bạn bè.

 

Nhiều lúc muốn quay sang nói chuyện trường lớp với đứa bạn cùng phòng nhưng thấy nó đang đeo cái headphone chơi game, hò hét… nên thôi việc mình cũng tự mình giải quyết lấy. Niềm vui cũng tự chia vui cho bản thân.

 

Mình còn thấy một nhược điểm rất lớn mà các bạn du học sinh nói riêng mắc phải: Chúng ta hay “coi thường” đứa bạn trong phòng.

 

Mình lấy 1 ví dụ cho dễ hiểu: Khi đứa bạn phòng khác đến chơi, bạn gọt một quả táo và mời bạn ấy. Người khác đó thì mời đứa bạn đang ngồi trong phòng. Và bạn đã vội lên tiếng ngay: “Kệ nó đi, nó không ăn đâu” hoặc “Ôi dào, nó chẳng cần mời đâu, thích thì nó lại ăn…”

 

Cho dù đó là lời bông đùa của bạn đi chăng nữa thì cũng không nên làm vậy. Có thể bạn đó không buồn ra mặt nhưng trong lòng họ vẫn có chút gì đó không vui.

 

Và ngày càng tình bạn trong phòng giữa bạn và người bạn của mình sẽ không mấy tốt đẹp như trước nếu bạn không biết cải thiện.

 

Sự quan tâm giữa bạn bè là điều cần thiết. Chúng ta đừng nghĩ bạn bè với nhau thì thi thoảng mời ăn món này món nọ là tốt lắm rồi. Sự quan tâm chỉ dành cho người yêu, gia đình là đủ rồi.

 

Nhưng rồi bạn mới nhận ra rằng, một đứa bạn tốt sẽ là một cánh tay phải đắc lực kéo bạn đi lên trong mọi tình huống dù gian nan nhất đấy!

 

Nguồn: Trí Thức Trẻ

 

Share.

Leave A Reply