Đi du học lúc bao nhiêu tuổi là hợp lý?

0

SSDH – Học Đại học trong nước và đi du học bậc Thạc sĩ có thể là một lựa chọn thông minh hơn (so với việc đi du học cả hai bậc Cử nhân và Sau Cử nhân).

 tư%20vấn%20du%20học.jpg

Sinh viên, học sinh tìm hiểu thông tin trong ngày hội du học

 

Thứ nhất, về vấn đề học hàm học vị thì bao giờ nhà tuyển dụng cũng sẽ nhìn vào tấm bằng cuối cùng mà bạn nhận được. Như vậy, việc sở hữu cả hai tấm bằng Đại học và Thạc sĩ ở nước ngoài hay chỉ có bằng Thạc sĩ ở nước ngoài cũng không khác nhau là bao. Sau cùng, cả hai trường hợp này đều có cùng một học vị học hàm Thạc sĩ như nhau. Tuy nhiên, sự khác biệt rất lớn lại nằm ở chi phí mà bạn bỏ ra. Dĩ nhiên việc chỉ du học bậc Sau Cử nhân sẽ tiết kiệm cho bạn nhiều tiền học phí và sinh hoạt phí hơn so với việc du học trong suốt 5,6 năm ròng. 

 

Tiếp theo, đối với những người trẻ chưa có sự chuẩn bị tâm lý và kĩ năng sống tự lập thì đi du học khi chỉ vừa tốt nghiệp phổ thông sẽ vô cùng khó khăn. Cuộc sống du học không chỉ chứa đựng những khó khăn trong học tập mà còn đòi hỏi bạn phải biết cách quản lí chi tiêu, đối nhân xử thế, biết nói không trước những cám dỗ, biết cách vượt qua tâm trạng khủng hoảng vì nhớ nhà… Thế nên, bản lĩnh của một người 22 tuổi chắc chắn sẽ dày dặn hơn một người vừa chớm trưởng thành. Giả sử bạn đã có kinh nghiệm sống qua 4 năm Đại học tại một thành phố lớn ở trong nước, thì việc đi du học cũng không phải là một trải nghiệm xa nhà hoàn toàn mới lạ.

 

Trong trường hợp bạn chưa biết mình thực sự muốn đi theo lĩnh vực nào thì việc đi du học ngay từ những năm Đại học là rất lãng phí. Nếu chẳng may bạn không cảm thấy thích thú với ngành học đó thì quyết tâm học tập cũng bị giảm sút, ảnh hưởng không nhỏ tới kết quả học tập và những hướng đi kế tiếp. Là một sinh viên nước ngoài, việc đổi ngành, chuyển ngành hay thậm chí là dang dở một năm học để “nhảy” sang một chương trình khác cũng ảnh hưởng không nhỏ tới việc xin thẻ cư trú và được nhận vào học những chương trình tiếp theo.

 

Lại nói về vấn đề CV. Khi trở về Việt Nam và tiếp xúc với nhiều sinh viên ở nhà, tôi thật sự ngạc nhiên về sự năng động của các bạn. Ở trong nước hiện có rất nhiều chương trình tình nguyện, các cuộc thi về chuyên môn, các hội thảo lãnh đạo, chương trình “talkshow” thú vị cho các bạn tham gia. Trên thực tế, việc vừa học vừa tham gia các hoạt động ngoại khóa ở trong nước thuận lợi hơn rất nhiều so với ở nước ngoài. Nếu các câu lạc bộ, hoạt động ở nước ngoài phần lớn vì mục đích phát triển thể chất và các bộ môn năng khiếu, tóm lại là xoay quanh việc phát triển cá nhân, thì các hoạt động ở nhà lại có tính cộng đồng hơn. Việc không phải bận tâm nhiều đến chuyện “cơm áo gạo tiền” hay tóm lại là không phải đối diện với những vấn đề khác biệt văn hóa sẽ giúp bạn toàn tâm toàn ý vào việc học và tham gia hoạt động của mình hơn. Ở Việt Nam, bạn có thể tham gia 2,3 chương trình cùng một lúc mà vẫn đảm bảo được việc học ở trường (không tốn nhiều thời gian đi thư viện tra từ điển khi gặp rào cả ngôn ngữ mà!), trong khí đó điều này dường như là bất khả thi với các du học sinh.

 

Hơn nữa, vì sống trong môi trường quen thuộc nên bạn sẽ không khó khăn nhiều khi đi xin thực tập, trong khi đó đây lại là một vấn đề đau đầu của nhiều du học sinh (thực tế là có nhiều du học sinh đã phải trở về Việt Nam đi thực tập vì không xin được ở nước ngoài). Như vậy, sau khi tốt nghiệp Đại học, một sinh viên Cử nhân trong nước có thể có nhiều chuyện để kể trong CV hơn là một du học sinh Cử nhân ở nước ngoài chỉ quanh năm suốt tháng biết đến việc học.

 

Một khi đã có được bản CV hấp dẫn và một môi trường học tập không nhiều thử thách, các sinh viên Cử nhân trong nước không những tích lũy được nhiều trải nghiệm quý giá thời sinh viên mà họ còn có cơ hội đạt được những thành tích cao trong học tập. Ở nước ngoài, cơ hội đạt những số điểm tuyệt đối hay gần như tuyệt đối ít phổ biến hơn với môi trường Đại học trong nước. Có thể vì tâm lí cạnh tranh điểm số của sinh viên nước ngoài ít hơn nên cũng ảnh hưởng phần nào đến nỗ lực học tập của các du học sinh chăng? Nói tóm lại, nếu chịu khó học tập và trau đồi các trải nghiệm thủ lĩnh, ngoại khóa, bạn sẽ có nhiều cơ hội xin học bổng (đặc biệt là các học bổng chính phủ dành cho những người có thiên hướng lãnh đạo) hơn là du học sinh ở nước ngoài. Chưa kể, rất nhiều học bổng quốc tế còn đưa ra điều kiện là người xin học bổng phải tốt nghiệp Đại học ở trong nước!  

 

Cuối cùng, việc học Đại học trong nước rồi mới đi du học có thể sẽ giúp bạn định hình được chuẩn xác hơn lĩnh vực mà bạn muốn theo đuổi, cho phép bạn tận dụng được những năm Thạc sĩ ở nước ngoài một cách hiệu quả nhất. Trong suốt 4 năm làm sinh viên trong nước, bạn cũng sẽ có thời gian quan sát và đánh giá tiềm năng của ngành nghề đó tại thị trường lao động trong nước, trước khi quyết định có nên đầu tư vào chương trình học đó hay không.

 

Nguồn: Tin mới

Share.

Leave A Reply