‘Diệt Vong’ – ác mộng hay sự cuồng loạn?

0

Sẵn sàng du học – Với "Diệt vong", Thomas Bernhard viết ở một tầm cao khác, vượt xa những gì người ta có thể tưởng tượng, sống động và bất ngờ, điên rồ và tàn bạo, quái dị và phức tạp.

Khi Franz-Josef Murau nhận được tin cha mẹ và anh trai vừa chết trong một tai nạn xe hơi, ông biết ngay mình sẽ được thừa kế lâu đài – đất đai – tài sản của dòng họ để lại. Ông khởi sự viết một cuốn sách độc thoại dài gần 500 trang chỉ để trả lời cho câu hỏi: “Làm cách nào để thoát khỏi cái mớ bòng bong thừa kế tự nhiên rơi vào đầu như thế?”.

Để trả lời cho câu hỏi đó, ông liệt kê toàn bộ oán hận của mình với gia đình, với anh em họ hàng, và cả với đất nước của mình, và quá khứ phát xít của dân tộc Áo cũng được ông đưa ra để bình xét, không những thế ông tìm mọi chủ đề phê bình từ trí thức nhà thơ nhà văn đến người công nhân lao động bình thường, cả những thợ săn cho đến cô hầu gái, người phục vụ… cũng không thoát khỏi con mắt soi mói đầy phán xét của ông, tất cả chỉ để phục vụ cho mục đích duy nhất: là chối bỏ thừa kế. 

ssdh-diet-vong

 

Dĩ nhiên những chủ đề ám ảnh như vậy đòi hỏi một hình thức cũng ám ảnh không kém. Trong cuộc đấu tranh để mô tả ý thức hành động, Thomas Bernhard mài giũa một liên minh tinh tế về cấu trúc và ý tưởng.

Diệt vong trở thành một cuộc độc thoại liên tu bất tận, cả cuốn sách gần năm trăm trang chỉ chia làm hai đoạn, những dòng chữ chảy tràn, không một ngắt đoạn, không xuống dòng, những câu văn dường như vô tận, kéo dài từ chủ thể này sang chủ thể khác mà không cần tạm dừng để thở, người đọc như bị kéo vào hình thức tàn bạo đặc biệt. Và điều đó làm tổn thương mọi cảm xúc từ sự trầm ngâm đến sự cuồng loạn.

Người ta cảm giác người kể chuyện Franz-Josef Murau, con cừu đen trí thức trong một gia đình quý tộc lâu đời ở Áo, đang bị mắc kẹt trong tâm tưởng của mình, mắc kẹt trong những lời chỉ trích của chính mình, ý thức về sự giả dối và xấu xa của bản thân, nhưng ông không muốn và không chịu nhìn nhận một cách khách quan.

Thomas Bernhard là bậc thầy trong việc phát triển độc thoại. Ông dựng nên những nghịch cảnh, và đặt người ta vào những biên cảnh ngặt nghèo, để khám phá sự khác biệt của mọi người ở mọi hoàn cảnh, tận hưởng niềm vui khi có tin xấu, tận hưởng hạnh phúc trong hoàn cảnh tồi tệ.

Ông theo đuổi chủ nghĩa duy mỹ, phương châm của ông là châm biếm và trả thù, ông thích để con người chống lại con người, đẩy con người đến điểm cực hạn cho tới khi người ta phải bật trở lại. Ông giống như một nghệ sĩ cường điệu, đẩy mọi ý tưởng đến cùng cực, đòi hỏi một dạng chủ nghĩa cực đoan tương tự.

Nhà văn Thomas Bernhard

Nhà văn Thomas Bernhard

Người ta bảo Thomas Bernhard bạo lực ngôn ngữ cũng không có gì sai, câu châm ngôn nổi tiếng của Wittgenstein “giới hạn ngôn ngữ của tôi là giới hạn thế giới của tôi” rất đúng với trường hợp của ông, Bernhard đã cố gắng mở rộng giới hạn bên ngoài của ngôn ngữ của mình đến mức nó có thể bao gồm cả những hình thái cực đoan nhất trong trải nghiệm của con người.

Thomas Bernhard viết ở một tầm cao khác, vượt xa những gì người ta có thể tưởng tượng, sống động và bất ngờ, điên rồ và tàn bạo, quái dị và phức tạp, tất cả đã tạo nên một cuốn Diệt vong tối thượng ảm đạm. 

Tác giả Thomas Bernhard là nhà văn, nhà thơ, nhà viết kịch người Áo. Ông được coi là tác gia Đức ngữ quan trọng nhất thời hậu chiến. Được đánh giá cao ở nước ngoài nhưng tại Áo, ông lại bị chỉ trích là kẻ “vạch áo cho người xem lưng” khi các tác phẩm của ông thẳng thắn chỉ ra và cay nghiệt phê phán các thói tật của quê hương, bao gồm của quá khứ Quốc xã.

Cá Domino (SSDH) – Theo news.zing

Share.

Leave A Reply