Doanh nhân Nhật Bản kỳ vọng gì ở sinh viên Việt Nam?

0

SSDH – Chiều ngày 16.6, Trường ĐH Việt Nhật, ĐH Quốc gia Hà Nội đã tổ chức thực hiện một bài giảng đặc biệt, nói về sự kỳ vọng của các doanh nghiệp Nhật Bản dành cho người trẻ Việt Nam. 

sinh-vien-chau-a.jpg

Doanh nhân Nhật Bản kỳ vọng gì ở sinh viên Việt Nam? – Nguồn Báo Thanh Niên

Người thực hiện bài giảng là ông Toshiaki Koshimura, một doanh nhân thành đạt, từng là chủ tịch một tập đoàn lớn của Nhật Bản trong nhiều năm và hiện vẫn là thành viên hội đồng quản trị cấp cao của tập đoàn này.

Trong bài giảng, ông Toshiaki Koshimura đặc biệt nhấn mạnh vai trò của tinh thần giáo dục đại học khai phóng, cho rằng đây là yếu tố quan trọng, bên cạnh kiến thức chuyên môn, giúp con người trở nên có khả năng thích ứng với môi trường. Đặc biệt ông Toshiaki Koshimura cũng đề cao các kiến thức đại cương, trong đó bao gồm kiến thức về lịch sử cận đại, bởi theo ông đó là những yếu tố giúp cho các doanh nhân đưa ra những quyết định kinh doanh bền vững.

“Khi bạn quan tâm đến tất cả các hiện tượng trong đời sống, tự đào sâu kinh nghiệm kiến thức để thích ứng với môi trường xã hội thay đổi từng ngày, tôi hy vọng các bạn sẽ trở thành những nhân vật chủ chốt trong kinh tế chính trị của hai nước và có những cống hiến tuyệt vời cho cộng đồng xã hội”.
Ông Toshiaki Koshimura,thành viên hội đồng quản trị cấp cao Tokyu Group

Với vai trò là đại diện một doanh nghiệp tham gia đầu tư vào Việt Nam và sử dụng lao động do Nhật Bản tham gia đào tạo ngay tại Việt Nam, ông Toshiaki Koshimura cho biết về góc độ vĩ mô, các doanh nghiệp Nhật không đòi hỏi phải có những nhân tài thông minh xuất chúng mà chỉ cần những con người biết thích ứng với môi trường, sự phát triển của khoa học kỹ thuật và sự thay đổi của cơ cấu nền kinh tế.

Ông Toshiaki cũng đưa ra 3 nét cơ bản mà các doanh nghiệp Nhật Bản kỳ vọng các trường ĐH Việt Nam, trong đó có Trường ĐH Việt Nhật, sẽ đào tạo được cho sinh viên của mình, để từ đó cung ứng hiệu quả nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam.

Kỳ vọng thứ nhất là sinh viên được đào tạo tốt về quản lý lao động, luật kế toán tài chính và các kiến thức về luật pháp nói chung, vì đây sẽ là những kiến thức giúp ích cho người lao động khi làm việc tại các doanh nghiệp Nhật. Tiếp theo, người lao động cần có kiến thức đại cương sâu rộng, có như thế mới thuận lợi cho con đường phát triển sự nghiệp về sau. “Khi thăng tiến ở cấp quản lý cao hay ở vị trí điều hành công ty, người lao động phải là một người có kiến thức xã hội phong phú và một khả năng đối nhân xử thế tốt, có như vậy mới có nhiều người muốn hợp tác cùng mình”, ông Toshiaki giải thích.

Toshiaki-Koshimura

Ông Toshiaki Koshimura trò chuyện với học viên thạc sĩ Trường ĐH Việt Nhật, ĐH Quốc gia Hà Nội. – Nguồn Báo Thanh Niên

Ông Toshiaki cũng cho rằng, những kiến thức học được ở nhà trường và những năng lực ứng dụng ngoài xã hội không nhất thiết phải trùng khớp với nhau. Có phát huy năng lực lãnh đạo trong tổ chức, thành công như một nhà lãnh đạo hay không còn tùy thuộc vào năng lực ứng biến vào môi trường toàn cầu, môi trường trong nước, môi trường kinh doanh thay đổi hàng ngày. Năng lực phán đoán sẽ được hình thành không phải bởi kiến thức chuyên môn mà là từ kiến thức giáo dục đại cương như: khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và nhân văn, văn hóa, lịch sử cận đại, nghệ thuật, âm nhạc…

Kỳ vọng thứ ba, người lao động phải có năng lực giao tiếp, tính chủ động và khả năng giải quyết vấn đề linh hoạt. “Công ty Nhật Bản luôn thực hiện luân chuyển vị trí công việc, có một quy chế chức danh để cho các cán bộ tiềm năng sẽ được đào tạo và sau này còn được đưa sang Nhật làm việc. Do đó việc học tiếng Nhật cũng vô cùng quan trọng. Thêm nữa, nếu bạn đặt mục tiêu là một nhà quản lý kinh doanh thì bạn sẽ cần thêm năng lực quản lý rủi ro”, ông Toshiaki cho biết.

Theo ông Toshiaki Koshimura, so với các nước trong ASEAN, điểm mạnh của Việt Nam là trình độ giáo dục cao, người lao động siêng năng cần cù, an ninh tốt, không xảy ra tranh chấp về tôn giáo, sắc tộc. Vì thế mà đầu tư của doanh nghiệp FDI Nhật Bản từ năm 2004 đến nay tăng dần, hiện đã có hơn 1.500 doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam. Ông Toshiakia cho rằng có một sự tương đồng giữa cơ cấu dân số Nhật Bản cách đây 40 năm và Việt Nam hiện tại, như độ tuổi trung vị ở Việt Nam thấp (là 28,5 tuổi, trong khi Nhật Bản hiện nay là 47). Nhóm dân số dưới 30 tuổi của Việt Nam chiếm 60% (trên 65 tuổi chỉ là 5%). Vì thế, Việt Nam đang có cấu trúc dân số phù hợp với tăng trưởng kinh tế cao. Ngoài ra, các chính sách đầu tư vào giáo dục, công nghệ, y tế sẽ là những yếu tố làm tăng năng lực cạnh tranh của Việt Nam.

Thái Hải (SSDH) – Theo Báo Thanh Niên

Share.

Leave A Reply