Du học – đâu chỉ có hoa hồng (P2)

0

SSDH – Đằng sau những mảng màu sáng về một cuộc sống đáng mơ ước ở những thành phố hoa lệ, cuộc sống du học vẫn còn không ít gam màu xám xịt.

Xem thêm:  Du học: Đâu chỉ có hoa hồng (P1)

Tiếp theo là trường lớp. Trước tiên mình muốn đề cập đến vấn đề bạn bè. Trung bình sinh viên Việt Nam cần từ nửa năm đến một năm hòa nhập với bạn Đức. Bản thân mình ban đầu cũng lủi thủi đi về một mình, ăn một mình, ngồi học một mình. Nhìn bạn bè vui vẻ, đi có nhóm, có cặp, thấy tủi thân kinh khủng.

bạn bè khi du học

Tìm kiếm bạn bè khi du học là việc khá khó khăn của du học sinh mới – Nguồn Dân trí

Sau đấy mình quyết tâm cao độ phải thay đổi, cứ lăn xả vào bọn Đức để mà làm quen, nên cũng chỉ mất 2 tuần đến 1 tháng là đã được bạn bè quý mến và hòa nhập rất nhanh. Nhưng đừng tưởng thế mà đã vội mừng. Đấy chỉ là vẻ bề ngoài thôi. Đến khi thân nhau mới thấm dần cảm giác bất lực. Nó nói mình không hiểu, mình muốn đùa vui với nó cũng chẳng biết làm thế nào.

Nói vấn đề đơn giản còn tạm được, chứ nhắc đến cái gì hơi phức tạp là đã loạn lên rồi. Ở nhà dù tiếng với ngữ pháp có chắc đến đâu, xem phim, xem thời sự có hiểu thế nào, sang đến đây gặp cuộc sống thật, ngôn ngữ thường ngày mới thực sự là choáng. Ngôn ngữ trên sách vở mới chỉ là khung xương cơ bản thôi. Để đủ dùng, sinh sống và học tập, bạn còn phải mất nhiều thời gian mà đắp thêm thịt vào khung xương đấy nữa.

Đấy là chưa kể ban đầu, nhiều bạn còn ngại nói, cứ im như thóc, dần dần các nhóm thân nhau bắt đầu cố định, cơ hội để tìm được bạn bè gần như là không có. Học Fachhochschule còn đỡ, vì lớp vắng, hoặc học nhóm nhỏ. Còn nếu học Uni, thì phải xác định là một lớp vài trăm sinh viên, đến bọn Đức tìm bạn còn khó chứ đừng nói đến sinh viên Việt mình. Nếu không có bạn bè, thì cũng rất vất vả mới ra được khỏi trường. Thứ nhất, cô đơn. Thứ hai, không có ai hỗ trợ trong việc học.

Về việc học, cần xác định rằng nếu ngay từ bước làm hồ sơ mà bạn không tự mình đọc nổi những yêu cầu cơ bản của trường, thủ tục và điều kiện để đi Đức, v.v. thì tốt nhất bạn đừng nên đi. Học ở đây đa số là tự học, các thầy cô hiếm khi quan tâm như giáo viên ở nhà mình. Nhiều khi thầy giảng trên lớp không hiểu, về nhà phải tự tìm tài liệu mà đọc thêm. Chưa kể khi viết bài, việc đọc là rất quan trọng. Đọc sách, đọc tài liệu, lọc thông tin, v.v. Việc tự tìm hiểu về làm hồ sơ cũng là bước đệm để bạn làm quen với việc tự tra cứu, tìm hiểu và chọn lọc thông tin cho việc học sau này tại các trường Đại học.

Ngoài thi cử là một áp lực lớn với sinh viên nước ngoài, thì việc viết bài cũng là một cơn ác mộng. Không phải cứ thích là đặt bút viết được. Để viết được vài trang giấy thôi, có khi bạn cũng phải lọc thông tin từ gần chục quyển sách mới ra được (Tất nhiên còn tùy môn, tùy ngành).

thi cử là áp lực lớn

Thi cử và viết bài luận luôn là áp lực của sinh viên – Nguồn Dân trí

Vấn đề cơ bản nhất cũng vẫn là ngôn ngữ. Đôi khi bạn hiểu vấn đề nhanh, hoặc bạn có kiến thức về vấn đề đấy, nhưng bạn không thể diễn tả được mình suy nghĩ gì. Cảm giác rất ức chế, vì thực tế, đầu óc mình không thua kém bọn bạn, nhưng mình không thể chứng minh được điều ấy. Nhất là trong các buổi thảo luận, những cái mình nói ra mới được tính điểm.

Sinh viên nước ngoài đa số bị mất điểm này, vì dù có nhanh đến mấy cũng không thể phản xạ nhanh được bằng sinh viên bản xứ, đặc biệt là những vấn đề về thời sự, xã hội. Mình không phủ nhận là sinh viên Việt Nam khá giỏi, đôi khi hiểu vấn đề và giải quyết vấn đề rất nhanh, nhưng diễn đạt cho người khác hiểu hay không lại là một rào cản lớn với bọn mình.

Thái Hải (SSDH) – Theo DHS Việt Nam tại CHLB Đức

Share.

Leave A Reply