Du học không hẳn do mất niềm tin

0

Sẵn sàng du học – Theo thống kê thì hàng năm người Việt chi khoảng 3-4 tỉ đô la Mỹ cho du học. Thống kê của UNESCO vào năm 2012 cho thấy Việt Nam là nước đứng thứ chín trong số mười nước có lượng sinh viên đi du học nước ngoài cao nhất thế giới (đứng đầu là Trung Quốc với 694.400 sinh viên, Việt Nam là 53.800 sinh viên) (1).

Ảnh minh hoạ

Ảnh minh hoạ

Mỹ là quốc gia thu hút nhiều sinh viên quốc tế đến học nhưng bản thân sinh viên Mỹ cũng đi du học nước ngoài. Theo thống kê, trong năm học 2013-2014 có hơn 300.000 sinh viên Mỹ đi du học nước ngoài.

Có không ít ý kiến cho rằng việc phụ huynh cho con cái của mình đi du học nước ngoài là vì họ mất niềm tin vào nền giáo dục trong nước. Không thể phủ nhận chất lượng nền giáo dục trong nước của chúng ta hiện chưa thể sánh với các nước phát triển, nhưng việc phụ huynh cho con đi du học còn mang nhiều chiều cạnh khác chứ không hẳn là chỉ vì không tin vào chất lượng giáo dục trong nước.

Quả vậy, theo khảo sát của Viện Giáo dục sinh viên quốc tế (The Institute for International Education of Students) về những tác động dài hạn của việc du học nước ngoài đối với đời sống cá nhân, nghề nghiệp và học thuật của các sinh viên cho thấy: có 95% số sinh viên được hỏi cho rằng việc du học như là chất xúc tác làm gia tăng sự trưởng thành của họ; 96% số sinh viên nói việc du học làm tăng sự tự tin, và 95% số sinh viên cho biết việc du học đã có tác động lâu dài đến thế giới quan của bản thân.

Việc du học còn có những mục tiêu khác nữa, chẳng hạn như chuẩn bị cho các sinh viên một tâm thế sống trong một thế giới đa dạng về văn hóa, chủng tộc và tôn giáo. Do đó, có 98% số sinh viên được hỏi cho biết việc du học giúp họ hiểu rõ hơn về những giá trị văn hóa của nước mình cả điểm yếu và điểm mạnh; 94% số sinh viên cho biết những kinh nghiệm từ việc du học vẫn còn tác động đến các mối tương tác của họ với những người thuộc các nền văn hóa khác.

Khả năng tìm kiếm cơ hội việc làm cao cũng là một trong những động lực thúc đẩy cho việc du học. Kết quả nghiên cứu đối với các sinh viên du học theo chương trình Erasmus (The Erasmus Impact Study, 2013) cho thấy hơn 85% số sinh viên cho rằng việc du học đã làm tăng cơ hội tìm kiếm việc làm ở nước ngoài của họ. Những nhà tuyển dụng cũng đánh giá cao các sinh viên du học khi có 64% số nhà tuyển dụng được hỏi cho rằng kinh nghiệm quốc tế là một yếu tố quan trọng để được tuyển dụng (2).

Như vậy, việc du học nước ngoài là kết quả của nhiều động lực khác nhau. Nói như thế không phải để chúng ta không nỗ lực cải thiện nền giáo dục trong nước mà ngược lại, khi nhận thấy việc du học là một hiện tượng mang tính phổ quát thì cần phải làm cho sinh viên nước ngoài nhận thấy nền giáo dục của Việt Nam có chất lượng xứng đáng để họ đến nghiên cứu và học tập. Cần xác định được những ngành đào tạo “đặc thù” của Việt Nam, mà trước hết có lẽ là những ngành liên quan đến văn hóa – nghệ thuật. Nếu chỉ quanh quẩn với những ngành kinh tế – quản trị thì dù có dạy bằng tiếng Anh, dùng giáo trình nước ngoài cũng không thể thu hút được sinh viên quốc tế theo học bởi sẽ khó chứng minh được sự khác biệt của mình ở những ngành học này.

Thái Hải (SSDH) – Theo TheSaigontimes

Share.

Leave A Reply