Du học Mỹ: Cẩn trọng với việc học MBA

0

SSDH – Trào lưu học MBA (Master of Business Administration – Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh) ngày càng phổ biến, không chỉ có người đã tốt nghiệp có nhu cầu học lên cao mà cả sinh viên chưa rời giảng đường cũng ấp ủ tấm bằng MBA. Do vậy, việc đào tạo MBA không chỉ là việc học đơn thuần mà đã trở thành một thị trường liên tục phát triển.

  mba%202.jpg

 

Hoa Kỳ có nhiều trường trong top 100 trường đứng đầu trong đào tạo chương trình MBA (theo xếp hạng của các tạp chí Economist, Wall Street Journal, Business Week), vì vậy, không ít người mong muốn được theo học và lấy bằng MBA tại Hoa Kỳ.

 

Cần kinh nghiệm hay bằng cấp?

 

Tính ứng dụng, thực tiễn cao của các chương trình MBA, hệ thống kiểm định giáo dục của Hoa Kỳ giúp người học phận biệt “thật giả” đã giúp chương trình MBA của Hoa Kỳ đứng đầu trong bảng danh sách được nhiều học viên chọn lựa. Mặt khác, các nguồn học bổng cho MBA khá dồi dào như chương trình học bổng Fulbright hay VEF. Anh Dũng Võ, từng nhận học bổng Fulbright về MBA chia sẻ: “Học MBA ở Hoa Kỳ thì không thể chê vào đâu được vì các kiến thức mà họ truyền đạt rất thực tế và phương pháp “luyện bí kíp” rất khoa học. Sinh viên (SV) được “luyện” theo các “chiêu thức MBA” thật sự và toàn bộ “chiêu thức” đều lấy từ Harvard Business School, gồm các thương hiệu nổi tiếng toàn cầu như Starbucks, Unilever, Schindler, Jetblue Airway, Merrill Lynch, AT&T, BBC… Học viên phải đọc tài liệu thật kỹ rồi lên lớp thảo luận, phân tích, đưa ra giải pháp, càng tranh luận nhiều, càng có điểm cao vì điểm cuối cùng của một môn chỉ phụ thuộc khoảng 30% đến 50% vào điểm thi viết cuối học kỳ mà thôi; phần còn lại thuộc vào các thuyết trình nhóm hoặc cá nhân tại lớp”.

 

Một số SV bày tỏ mong ước học MBA ngay sau khi tốt nghiệp Đại học (ĐH), vì cầm tấm bằng MBA “vừa sang, vừa sáng”. Tuy nhiên, theo các chuyên gia tư vấn, hầu như tất cả các chương trình MBA đều yêu cầu các học viên phải có ít nhất hai năm kinh nghiệm thực tế, thậm chí có trường đòi hỏi năm năm kinh nghiệm, vì nếu chưa từng có sự trải nghiệm, người học sẽ khó hình dung những rắc rối và đa chiều của “thương trường như chiến trường” là như thế nào. Bên cạnh đó, phương pháp học MBA, như chia sẻ trên của anh Dũng Võ, nghiêng về thuyết trình, thảo luận, học nhóm, vì vậy nếu bạn chưa có chút thực tiễn nào, bạn sẽ cảm thấy lạc lõng, việc học trở thành gánh nặng.

 

Chọn trường có kiểm định chất lượng

 mba.jpg

 

Chi phí học MBA tại Hoa Kỳ rất tốn kém, đặc biệt là những trường có tiếng về đào tạo chương trình này như ĐH Pennsylvania – Wharton, ĐH Northwestern – Kellogg, ĐH Harvard, Học viện Kỹ thuật Massachusetts – Sloan, ĐH Duke – Fuqua, ĐH Columbia, ĐH Cornell – Johnson, ĐH Virginia – Darden, ĐH California (Los Angeles) – Anderson, ĐH New York – Stern… tốn một năm khoảng 50-60 ngàn USD. Tiền đi làm dành dụm của bạn cũng chỉ kham nổi một phần chi phí đắt đỏ này, vì vây, bạn phải xin viện trợ từ phía gia đình, nên cần cân nhắc khả năng tài chính để theo suốt chương trình MBA cũng như mục tiêu cần đạt được trước khi theo học. Ngoài những trường uy tín về MBA, còn có hằng trăm chương trình khác giúp người học có thêm sự chọn lựa vừa túi tiền, nhưng hãy tìm hiểu các chương trình này có được kiểm định chất lượng hay không.

 

Theo tư vấn của Trung tâm Education USA, các trường của Hoa Kỳ chịu sự kiểm định vùng và kiểm định chuyên ngành, nhưng có những trường kinh doanh chỉ lập ra với mục đích… kinh doanh. Do vậy, người học cần tìm hiểu xem các trường mình chọn có được sáu tổ chức kiểm định giáo dục, bao gồm NEASC, NCA, MSA, SACS, WASC, NWCCU, phân theo sáu khu vực lãnh thổ, do Bộ Giáo dục Hoa Kỳ và Bộ Kiểm định Giáo dục ĐH Hoa Kỳ (CHEA) công nhận hay không. Ngoài việc cần được kiểm định chất lượng bởi một trong sáu tổ chức trên, các trường đào tạo MBA còn phải nỗ lực đạt được kiểm định chuyên ngành của ABCSP hoặc AACSB, hai tổ chức kiểm định có giá trị nhất về đào tạo kinh doanh. Chỉ những trường nằm trong top 5% trường kinh doanh trên thế giới mới được AACSB công nhận. Một cách để nhận biết chương trình MBA có được ACBSP hoặc AACSB kiểm định hay không là dựa trên điều kiện đầu vào của chương trình (có yêu cầu chứng chỉ tiếng anh TOEFL hoặc IELTS, GMAT) hoặc nhìn vào lý lịch khoa học của đội ngũ giảng viên (bằng cấp, công trình nghiên cứu…). Nhìn chung, chương trình MBA ở Hoa Kỳ khá đa dạng với 394 chương trình được AACSB công nhận.

 

Tuy danh sách chọn trường để học MBA không dài quá hàng ngàn như chọn trường ĐH nhưng việc chọn trường không phù hợp, đặc biệt xin được học bổng không phải là chuyện dễ. Mai Phương, SV trường ĐH Kinh Tế TP.HCM đã mơ về MBA từ khi học năm thứ hai, nhớ lại giai đoạn chuẩn bị để nộp hồ sơ MBA đòi hỏi sự chuẩn bị rất công phu. Đầu tiên bạn phải chọn 20-30 trường trong các thứ hạng khác nhau, sau đó tìm hiểu về trường, về điều kiện tuyển sinh, về học phí, về sinh hoạt phí… cuối cùng “check list” lại khoảng 10 trường triển vọng nhất cho bạn. Phần chọn trường hoàn tất, kế tiếp bạn phải chuẩn bị các bài luận, một số thành tích trong quá trình học, kinh nghiệm làm việc, kỹ năng lãnh đạo, công tác xã hội… Trong quá trình chuẩn bị hồ sơ cho mục tiêu MBA, bạn cũng phải dành thời gian trau dồi tiếng Anh , luyện thi TOEFL, GMAT, tất nhiên, điểm cho hai chứng chỉ này càng cao, hồ sơ xin học của bạn sẽ càng có nhiều lợi thế.

 

Lời khuyên cuối cùng để không “đốt tiền” cho MBA, rằng bạn phải luôn luôn xác định rõ mục tiêu cũng như động cơ theo học MBA. Bởi thực chất, MBA không phải là khóa học sâu về chuyên môn trong lĩnh vực kinh doanh, mà chỉ trang bị thêm cho bạn các kiến thức quản lý doanh nghiệp, quản lý nhân sự, giúp kinh nghiệm thực tế của bạn được hệ thống hóa lại… Đặc biệt, bạn có thể học hỏi kinh nghiệm từ đồng môn, có lẽ là yếu tố khiến MBA thu hút nhiều học viên. Nếu bạn cần kinh nghiệm kinh doanh thực tế thì hãy “lao đầu” vào công việc trước khi sở hữu tấm bằng MBA.

 

Đông Đức (SSDH) – Theo Vietnamcentrepoint

Share.

Leave A Reply