Du học sinh cần biết gì về luật pháp nước Úc?

0

SSDH – Hệ thống pháp luật ở mỗi nước trên Thế giới đều có sự khác nhau. Những điều luật có thể phù hợp với nước này nhưng sẽ bị cấm ở nước khác. Vì vậy, luật pháp Úc chính là thông tin quan trọng mà mỗi sinh viên du học Úc cần nắm rõ để tránh vi phạm.

 

Du học sinh cần biết gì về luật pháp nước Úc?

 

Úc – môi trường sống lý tưởng cho du học sinh

 

Với nền chính trị ổn định, tỉ lệ tội phạm thấp và luật kiểm soát súng nghiêm ngặt, Úc mang lại một môi trường sống rất an toàn so với nhiều quốc gia khác trên thế giới. Úc đón nhận tất cả các tôn giáo. Quyền tự do tín ngưỡng và đối xử công bằng được bảo vệ bởi luật pháp. Người Úc đánh giá cao giá trị của môi trường sống đa văn hóa và những đóng góp tích cực mà sinh viên quốc tế mang đến. Các trường của Úc có rất nhiều dịch vụ hỗ trợ để giúp du học sinh Úc ổn định cuộc sống tại Úc (các chương trình học bổng du học Úc, trợ giúp các chi phí về giao thông công cộng cho sinh viên quốc tế…). Đặc biệt, người dân Úc rất cởi mở, thân thiện và du học sinh luôn được chào đón nồng hậu tại đất nước “Down Under” này.

 

Tổng quan về luật pháp của Australia

 

Mỗi nước có luật pháp khác nhau; có khi những gì hợp pháp ở một nước này thì lại bị phê phán ở một nước khác. Dù hệ thống tư pháp của Australia phức tạp, tuy nhiên nguyên tắc chủ đạo được dựa trên nền tảng pháp trị, công lý và sự độc lập của guồng máy tư pháp. Tại Australia, tất cả mọi người – dân Úc hay không phải là dân Úc – đều được pháp luật đối xử bình đẳng và có những biện pháp bảo vệ để đảm bảo người dân không bị chính phủ hay các viên chức đối xử một cách độc đoán và bất công.

 

Tuy nhiên, một thực trạng diễn ra thường xuyên là sinh viên du học Úc thường tập trung vào những thông tin như văn hóa, con người, trường học, du lịch… cho quá trình chuẩn bị du học mà ít để ý đến luật pháp và quy định đối với sinh viên quốc tế. Có một số bạn sinh viên không tìm hiểu kỹ điều này và vô tình vi phạm dẫn đến bị phạt hành chính hoặc bị trục xuất về nước. Ví dụ: luật pháp Úc nghiêm cấm những hành vi như lái xe sau khi uống rượu/ bia, tàng trữ ma túy bất hợp pháp, làm việc trái phép, sinh viên để visa du học Úc hết hạn và quy định sinh viên phải tham gia 80% thời gian của khóa học… Các bạn nên tìm hiểu những quy định này để tránh rắc rối không đáng có cho bản thân.

 

Một số điều luật cơ bản mà du học sinh Úc cần biết

 

Dưới đây là danh sách ngắn các luật lệ có thể khác hoặc có thể cũng giống với luật lệ ở nước nhà của bạn. Nhưng đây là điểm khởi đầu để giúp bạn hiểu những gì được xem là đúng hay sai tại Australia.

  • Bạn phải trên 18 tuổi mới được mua rượu bia hoặc thuốc lá.
  • Cấm hút thuốc tại nhiều nơi công cộng (như thương xá, nhà hàng và trên phương tiện chuyên chở công cộng).
  • Bạn không được phép bán, mua, sở hữu hay sử dụng ma tuý.
  • Bạn không được phép đem theo vũ khí, bao gồm dao và súng.
  • Bạn phải đội mũ/nón bảo hộ khi đi xe đạp, xe gắn máy hay xì-cút-tơ.
  • Bạn phải có bằng lái xe quốc tế nếu bạn muốn lái xe và đảm bảo bạn tuân thủ luật giao thông.
  • Hành vi bạo động đối với người, bất động sản và động vật là tội phạm.
  • Hối lộ hay nhận hối lộ đối với các dịch vụ từ bất cứ ai, kể cả chính phủ là phạm pháp.
  • Đối xử phân biệt với bất kỳ người nào vì màu da, chủng tộc, xứ sở, phái tính, chính kiến, tình trạng hôn nhân, khuyết tật hoặc xu hướng tính dục là phạm pháp.
  • Pháp luật nước Úc còn có quy định chặt chẽ về bia rượu và bài bạc nếu như du học sinh phạm phải những điều này sẽ bị hủy visa và trục xuất về nước.

3 tệ nạn xã hội sinh viên cần nắm rõ khi du học Úc

 

1. Rượu bia

 

Rượu bia có bán tại các nơi có giấy phép, chẳng hạn như quán rượu, câu lạc bộ và nhà hàng. Rượu bia cũng có bán tại các tiệm có giấy phép đặc biệt nhưng chỉ bán cho người trên 18 tuổi. Hiện nay có luật lệ về cách tiêu thụ rượu bia.

 

Những luật lệ này bao gồm cấm các tiệm có giấy phép bán rượu bia cho người mà họ cho rằng đã bị say; uống rượu bia ở nơi công cộng như công viên là bất hợp pháp; đưa hay bán rượu bia cho hoặc mua rượu bia giùm người dưới 18 tuổi làm phạm pháp.

 

2. Hút thuốc

 

Tại Australia, sản phẩm thuốc lá là hợp pháp nhưng chỉ có thể đưa cho hoặc bán cho người trên 18 tuổi và chỉ có người trên 18 tuổi mới được mua. Nếu bạn muốn mua thuốc lá, người bán có thể yêu cầu bạn xuất trình giấy tờ tùy thân để xác minh là bạn trên 18 tuổi. Luật lệ liên quan đến việc quảng cáo, cổ động và đóng gói sản phẩm thuốc lá rất gắt gao. Nhiều tiểu bang cấm hút thuốc ở những nơi công cộng như thương xá, khách sạn, nhà hàng, học viện, bệnh viện, phòng mạch bác sĩ và thậm chí tại nơi làm việc. Hút thuốc có tác động dài hạn đối với cơ thể, dẫn tới những tổn hại vĩnh viễn đối với sức khỏe của bạn. Thuốc lá cũng bị chính phủ đánh thuế nặng, điều đó có nghĩa là thuốc lá rất đắt. Tìm hiểu thêm về thuốc lá và hút thuốc.

 

3. Ma túy

 

Tại Australia, sở hữu, bán, trồng hay nhập cần sa (marijuana), amphetamine (speed), bạch phiến, thuốc lắc (ecstasy), cocaine, cây á phiện hoặc ma túy phi pháp khác là phạm pháp và bị trừng phạt nặng như phạt tiền, phạt tù và trục xuất.

 

Top 10 điều luật kỳ quặc nhưng lại có thật ở xứ sở chuột túi

 

Theo Internet, Úc được cho là có một số bộ luật ngớ ngẩn nhất thế giới. Sau đây là danh sách một số luật có thể bạn đã phạm phải mà không hề hay biết.

 

Bạn phải mặc áo tắm một mảnh tại bãi biển Brighton.

 

Trẻ em dưới 18 tuổi không được phép mua thuốc lá , nhưng họ có thể hút thuốc mảnh.

 

Bạn không được phép để lại chìa khóa trên xe mà không có ai trông chừng.

 

Đi lang thang trên đường phố, mặc quần áo màu đen, mang giày nỉ và giày đen bóng loáng được coi là trái luật pháp.

 

Chỉ có thợ điện được cấp phép giấy hành nghề mới có thể thay đổi một bóng đèn. Nếu bạn bị bắt gặp thay bóng đèn mà không có giấy phép, bạn có thể bị phạt…$10 cho 1 bóng đèn.

 

Mặc quần màu hồng (hot pink) sau 12h trưa Chủ nhật bị coi là bất hợp pháp.

 

Ở Brisbane, bạn phải quét các lối đi bộ bên ngoài nhà của bạn hàng ngày trước 08:30 hoặc bị phạt $5000, với mức tăng $ 500 cho mỗi ngày sau đó.

 

Bạn đã bao giờ hát một bài hát tục ở nơi công cộng chưa? Tại Adelaide và Melbourne, đó là bất hợp pháp.

 

Bạn không được phép say xỉn ở quán rượu.

 

Luật giao thông Úc phạt rất nặng những người vừa lái xe vừa dùng điện thoại di động. Nhấn mạnh là “dùng”. Có nghĩa là người lái xe không chỉ nghe điện thoại (đã là phạm lỗi), mà chỉ cần nhấn điện thoại di động trong lúc xe đang dừng ở đèn giao thông, nếu bị phát hiện, thì vẫn bị phạt như thường!

 

Những cạm bẫy cần tránh xa trong cuộc sống du học Úc

 

Gian lận trong việc làm bài tập, thi cử

 

Từ việc thiếu hòa nhập với môi trường xung quanh,khả năng tiếp thu bài học không cao hay tình trạng trốn học thường xuyên dẫn đến việc không thể nắm bắt được kiến thức. Do đó, để có thể vượt qua các kì thi, các du học sinh Úc này đã phải gian lận mới hi vọng có thể hoàn thành chương trình học. Nhất là hiện nay, khi các phương tiện kĩ  thuật số đang ngày càng phát triển, những chiêu trò lại càng được sử dụng nhiều hơn với những cách thức thật tinh vi!

 

Tuy nhiên, nên nhớ là các trường Đại học Úc phạt rất nặng về hành vi gian lận này. Chỉ cần phát hiện ra bạn “cắt – dán” một nội dung nào đó của ai khác mà quên để nguồn, có thể thầy cô sẽ không chấm bài bạn hoặc cho 0! Còn nếu giở bài kiểm tra trong giờ thi, bạn sẽ được mời ra khỏi phòng và nhận điểm số thấp nhất, thậm chí còn có thể bị cấm đi học lại ở bất kì cơ sở đào tạo nào thuộc quốc gia đó, trong vòng… một vài năm học!

 

Tệ nạn bài bạc

 

Một điều cám dỗ rất ghê gớm đối với các sinh viên du học Úc là nạn bài bạc, đó là nhận định chung của các cựu sinh viên đã trải qua thời gian học tập và sinh sống tại Úc. Các sòng bạc lớn ở Melbourne, Sydney là những nơi thu hút rất đông du học sinh đến từ Việt Nam. Và hầu như ai cũng không có kết thúc tốt đẹp nếu dính vào tệ nạn này.

 

Một cựu du học sinh cay đắng nói: “Nó như ma túy vậy, tiền gia đình gửi, tiền đi làm thêm đều nướng vào đó. Cũng may tôi còn chạy được về đây với tấm bằng đại học, cứ tưởng là đã phải “bỏ xác” bên đó rồi”.

 

Ma túy

 

Cuộc sống ở nước ngoại rất khó khăn. Có rất nhiều bạn ở Việt Nam rất có năng lực, có triển vọng, nhiều bạn tự tìm học bổng, không cần sự trợ giúp của gia đình nhưng khi sang Úc các bạn bị ảnh hưởng xấu, bị vướng vào những tệ nạn xã hội như nghiện ngập, mại dâm,…

 

Trong các bữa tiệc của sinh viên bản địa, bạn có thể bắt gặp hình ảnh sinh viên hút cần sa (điều này có thể hợp pháp ở Mỹ nhưng ở Úc thì không). Và họ sẽ hỏi bạn có muốn thử không? Đây là lúc bạn nên kiên định với ý chí và tương lai của mình để không bị vướng vào những cám dỗ đó.

 

A dua theo những thói xấu

 

Tất nhiên chẳng thể đưa ra một chuẩn mực cụ thể để phân định ranh giới giữa xấu và tốt, vì điều này còn tùy tuộc vào lối tư duy của mỗi người. Hãy chỉ nói về những thói quen có thể gây hại tới việc học và sức khỏe của bạn. Hút thuốc, nốc rượu hay đi bar liên tục chính là ba cạm bẫy phổ biến nhất trong giới du học sinh Úc. Vì vậy, đừng nên a dua làm ảnh hưởng đến kết quả học tập tại Úc nhé!

 

Sa đà vào lối sống hình thức, vật chất

 

Sống ở Úc, bạn càng có cơ hội “sáp lại” các thương hiệu thời trang mà ngày xưa chỉ được đọc trên báo, xem trên internet. Đặc biệt, khi sống tại các thành phố lớn, bạn sẽ bị ảnh hưởng bởi các xu hướng tiêu dùng mới, khi mà chỉ bắt một chuyến tàu điện ngầm cũng đủ để cập nhật những mặt hàng công nghệ mới, các chương trình khuyến mãi hấp dẫn…

 

Những lúc đó, nếu không đủ bản lĩnh nói không, bạn có thể sẽ không làm chủ được túi tiền của mình mà chi ra vô tội vạ.

 

Say mê kiếm tiền

 

Với việc du học Úc thì gánh nặng chi phí du học luôn là những lo lắng hàng đầu của các bạn sinh viên. Ở Úc cho phép du học sinh làm thêm thì nhiều bạn tận dụng tối đa thời gian có thể để kiếm tiền.

 

Bạn rất có thể tới lớp muộn do tăng ca, thức khuya để học bù sau khi đi làm… Có khi tìm được việc làm thêm có tiền lương hậu hĩnh nên có những sinh viên còn chấp nhận nghỉ một hoặc hai học kì để kiếm tiền rồi sau đó quay lại tiếp tục. Nhưng bạn hãy nhớ rằng mục đích đầu tiên bạn quyết định tới đây để làm gì, có phải là việc kiếm tiền hay không, trước khi để việc đi làm thêm ảnh hưởng tới việc du học Úc của mình nhé.

 

Nguồn: Báo Úc

Share.

Leave A Reply