Du học sinh chia sẻ động lực của việc học

0

SSDH – Học vì mang nỗi nhục “quỵt tiền phòng”, học khi nhận thấy giá trị của kiến thức đối với cuộc sống… Nhiều cựu du học sinh cho rằng điều quan trọng là mỗi người cần tìm ra động lực và giá trị của việc học.

 

Các bạn trẻ là những cựu du học sinh thuộc Cộng đồng các nhà kiến tạo toàn cầu (Global Shapers) tại TPHCM mang đến nhiều chia sẻ bổ ích với học sinh, sinh viên về chủ đề “Xây dựng ước mơ lớn” trong khuôn khổ Ngày hội Giáo dục phát triển TPHCM 2014.

 

duhocsinh-0d082.jpg

Các gương mặt trẻ trong Cộng đồng các nhà kiến tạo toàn cầu.

 

Đi tìm giá trị của việc học

 

Lê Đình Hiếu, cựu sinh viên (SV) trường UCLA (University of Califoria Los Angheles) cho hay, bản thân mình cũng như nhiều học sinh (HS), trước đây không hề thích học. Có chăng chỉ để đối phó với điểm số, chương trình.

 

Cho đến lúc Hiếu gặp “cú sốc” ngay trong ngày đầu đặt chân sang Mỹ du học khi tìm nhà trọ cùng các SV đến từ các nước khác. Mang tiền đến đặt cọc, cầm hộ chiếu của Hiếu, chủ nhà từ chối ngay: “Tao không cho người Việt Nam ở trọ vì chúng mày rất hay quỵt tiền nhà”.

 

Lần đầu tiên Hiếu rơi vào cảm giác ê chề, hụt hẫng đến vậy, chẳng phải vì không thuê được chỗ trọ. Đúng lúc đó, một người anh gửi cho Hiếu câu danh ngôn: “Tài sản lớn nhất của tôi là nỗi nhục nước nghèo” cứ đeo đẳng và trở thành hành trang tạo nên động lực học tập thật sự cho Hiếu.

 

Kém tiếng Anh, không nghe kịp và không giao tiếp được, mỗi giờ học Hiếu đặt máy ghi âm dưới bàn rồi về nhà nghe lại, tập nói lại. Theo Hiếu, khi có được động lực học tập, mọi người còn phải kỷ luật trong tất cả mọi việc.

 

duhocsinh1-0d082.jpg

Cựu du học sinh chia sẻ về tìm kiếm động lực cho việc học.

 

Đoàn Thiên Phúc, tốt nghiệp thạc sĩ Công nghệ Thông tin, ĐH Claude Bernard Lyon 1, Pháp cho hay, các bạn trẻ đang bị mất phương hướng trong học tập. Họ không xác định được những thứ mình học để làm gì mà đơn thuần chỉ tập trung làm sao để qua môn, làm sao để đạt điểm cao.

 

Từ trải nghiệm của bản thân (Thiên Phúc là tác giả sáng chế thiết bị “gắn não” cho xe máy nổi tiếng đã được đưa vào sản xuất), Phúc khẳng định, rất nhiều kiến thức trong các môn học ở phổ thông rất hữu ích cho cuộc sống và công việc. HS cần mầy mò, tìm cách ứng dụng kiến thức vào cuộc sống từ những thứ nhỏ nhất để thấy giá trị của những kiến thức đó để yêu thích, say mê với việc học.  

 

Bạn trẻ cần chủ động, dấn thân

 

Trần Nguyễn Lê Văn, tốt nghiệp thạc sĩ Quản trị Kinh doanh trường Thuderbird, Mỹ cho rằng, ở nước ngoài, HS sớm xác định được mình thích cái gì và sẵn sàng thử bắt tay vào công việc đó để biết mình có khả năng và phù hợp không. Đây là hạn chế của nhiều HS Việt, các bạn thích rất nhiều thứ nhưng lại loay hoay không biết làm gì để xác định mình có khả năng và đam mê thật sự không.

 

hocsinh-aa616.jpg

Học sinh Việt hạn chế trong các hoạt động trải nghiệm, dấn thân để nhận ra khả năng, đam mê của mình.

 

Lắng nghe chia sẻ về sở thích của nhiều HS trong buổi giao lưu cũng như nhận thấy sự bị động từ các bạn, anh Lê Văn có chút trách móc: “Có bạn thích nghề đầu bếp, trước hết hãy thử nấu ăn trong gia đình. Bạn nào thích nghề hát thì lúc nãy sau khi ca sĩ Thái Trinh thể hiện, phải kéo chị ấy lại ngay hỏi nghề hát cần những gì, sao chị thành công được. Ai xác định đi du học hay theo các ngành nghề mà các anh chị ở đây đang làm, tại sao không “túm” ngay những người có thể hỗ trợ mình để tìm hiểu?”.

 

Đồng tình với ý kiến này, Tạ Nam Anh, cựu SV ĐH Wesleyan (Mỹ) băn khoăn khi nhiều bạn trẻ đề cao chữ “thích” của mình. Các bạn rất quan tâm mình thích cái này, thích cái nọ nhưng điều quan trọng hơn cả chữ “thích” là chữ “làm” lại đang coi nhẹ.

 

Các bạn hãy bắt tay vào làm, hãy thử, đừng vội đòi hỏi để xem đó có phải là đam mê của mình không. Đam mê nào cũng cần phải được nuôi dưỡng qua những công việc cụ thể” – Nam Anh nhấn mạnh.

 

Cho rằng không có ngoại ngữ không khác nào mũ chữ khi bước ra bên ngoài, anh Trương Huyền Đức, cựu sinh viên trường The Art Department Austin (Texas, Mỹ),  nhắn nhủ các bạn trẻ nên hoàn thiện khả năng ngoại ngữ càng sớm càng tốt để nắm bắt cơ hội. Việc học ngoại ngữ có thể tận dụng mọi lúc mọi nơi khi các bạn chơi game, xem phim, đọc sách, giao tiếp với người nước ngoài…

 

Tú Anh (SSDH) – Theo Dân trí

Share.

Leave A Reply