Du học sinh Úc khởi nghiệp từ Ebay

0

SSDH – Nguyễn Bá Sơn – một sinh viên Việt Nam tới Úc du học chưa lâu xong đã kịp khởi nghiệp kinh doanh thông qua trang bán hàng trực tuyến Ebay Australia.

 

Việc làm thêm trong mơ

 

Những ai từng sống ở Úc khi nghĩ tới việc kiếm thêm nguồn thu nhập trong khi đi học thường nghĩ tới việc bưng bê, rửa bát trong một nhà hàng hoặc đôi khi là làm lễ tân nhưng không có nhiều người nghĩ tới và thực hiện việc nhập một loại hàng hóa từ Việt Nam qua Úc và bán trên Ebay Australia.

 

Trong bài viết này hôm nay, người viết xin giới thiệu với các bạn một câu chuyện như vậy, hi vọng qua đó các bạn cũng sẽ biết thêm ít nhiều về một điều gì đó có ích. Ngoài ra, qua bài viết, người viết hi vọng sẽ đưa ra vấn đề khởi nghiệp kinh doanh để một số bạn có thêm suy nghĩ về các cách thức bắt đầu công việc của mình.

 

Nguyễn Bá Sơn là một sinh viên 19 tuổi mới nhập học ở Đại học Swinburne. Sơn tới Melbourne vào tháng 2 năm 2009. Tính cho tới thời điểm bài viết này được viết ra, Sơn mới ở Úc được 3 tháng, tuy nhiên Sơn đã có 2 tháng hoạt động trên Ebay Australia.

 

Ngay từ đầu khi mới tới Melbourne, Sơn đã bắt đầu đi tìm một việc làm thêm như mọi người: bưng bê trong nhà hàng hay thu ngân… Tuy nhiên sau vài lần tiếp cận với những nơi được coi là ‘nhà tuyển dụng tiềm năng’, đồng thời quan sát người khác đang làm những công việc được đánh giá là ’dream job’, Sơn nhận ra nếu làm việc ở đó, mình cũng chỉ có thể kiếm được khoảng 7 đôla Úc một giờ. Sơn hiểu rằng cần phải tìm một hướng đi khác cho mình.

 

Thời học sinh, từ những năm học cấp 3 Sơn đã bán nhiều hàng hóa khác nhau trên các trang web, chủ yếu là điện thoại di động, iPhone. Qua nhiều năm tổng số điện thoại mà Sơn bán ra đã lên tới gần 200 chiếc. Sơn nghĩ rằng mình có thể bán hàng theo cách tương tự ở Úc. Chưa rõ là bán mặt hàng gì cho phù hợp với nơi mới này, Sơn bắt đầu quan sát và nghiên cứu.

 

Trong một lần đi tìm mua dây cáp cho máy tính của mình, Sơn nhận thấy dây cáp tại những của hàng của Úc có giá cao ‘chọc trời’, Sơn tiết lộ: “Ở đây có vài dây cáp lên tới 4-50 đô la, trong khi ở Việt Nam giá của nó chỉ khoảng trên dưới 30 nghìn đồng”. Sơn nảy ra ý định mua dây cáp máy tính với số lượng lớn từ Việt Nam mang sang Úc bán trên Internet. Thùng dây cáp đầu tiên ‘bốc hơi’ nhanh chóng chỉ trong vòng 3 tuần. Hơn 1000 đô la Úc tiền lời sau khi trừ mọi chi phí, trong khi không đòi hỏi phải cắt xén thời gian cho việc học hành đã là sự động viên to lớn cho một nỗ lực thử nghiệm. Sơn quyết định nhập một thùng dây cáp lớn hơn cho tháng tiếp theo.

 

 Du học sinh Úc khởi nghiệp từ Ebay

 Hình ảnh Nguyễn Bá Sơn tài thư viên (Minh Ngọc)

 

Mẹo bán hàng trên Ebay

 

Sau 2 tháng bán hàng qua Ebay, Sơn chia sẻ : “Khi bán cần chọn được thời gian hợp lý để phù hợp với đối tượng mua của mình”, Sơn giải thích, “Vì Ebay là một nơi tập trung rất nhiều người quan tâm tới hình thức đấu giá, trong trường hợp của những người quan tâm tới việc mua dây cáp họ thường tìm được thời gian rảnh để tham gia vào những cuộc đấu giá kết thúc vào lúc 9 tới 10 giờ tối, việc chọn đúng thời gian cho cuộc đấu giá kết thúc sẽ làm tăng gấp đôi cơ hội bán hàng của bạn trên mạng, để giá trị cuối cùng của món hàng sau cuộc đấu giá cao hơn”.

 

Khi mới bỡ ngỡ bước chân lên Ebay, Sơn đã không nhận ra được các chi phí nhỏ nhặt theo từng danh mục của Ebay khi cộng lại có thể trở thành rất lớn và cắt vào thu nhập của mình. Theo Sơn các chi phí sau cần phải để ý: chi phí liệt kê hàng hóa trên Ebay (listing fee), chi phí sau khi đã bán được (final value fee), và chi phí sử dụng Paypal. Với chính sách của Ebay khuyến khích người bán bắt đầu cuộc đấu giá với giá 0.99 cents, tận dụng điều này sẽ làm cho bạn tiết kiệm được 3 đô la chi phí liệt kê thông thường, đồng thời Sơn nhận ra việc bắt đầu cuộc đấu giá với giá 0.99 cents sẽ hấp dẫn được số lượng người quan tâm nhiều hơn, thậm chí tới 2 đến 3 lần.

 

Một mẹo nữa để có thể tránh được chi phí hình ảnh của sản phẩm là các bạn có thể đưa hình ảnh của sản phẩm lên một nơi bất kỳ, như flickr hoặc photobucket và đưa đường dẫn (url) dưới dạng html vào trong mục miêu tả (description) của ebay thay vì sử dụng hệ thống tải (upload) hình ảnh của ebay.

 

Sơn thú nhận thời gian đầu tiên khi là một thành viên hoàn toàn mới của Ebay, không có nhận xét từ khách hàng (feedback), việc bán hàng diễn ra rất khó khăn vì phải cạnh tranh với những người bán đã đứng vững với uy tín được xây dựng từ lâu. Sơn đã tự tạo cho mình cơ hội bằng cách lập một vài tài khoản khác, tự mua bán và tự nhận xét mà theo Sơn đặt tên là chiến lược “thổi kèn khen lấy”. Sau khi mọi thứ đã vào vòng quay thì việc duy trì vòng quay đó sẽ bớt đi khó khăn, tất cả những việc còn lại cần phải làm là cố gắng bán những hàng hóa chất lượng với giá cả cạnh tranh thay vì việc phải ngồi đối phó cái nhìn định kiến của người mua với một kẻ mới bắt đầu.

 

Theo Sơn việc kiếm được thu nhập vừa phải để đủ sinh sống ở Úc thông qua việc mua bán trên Ebay hoặc một trang mua bán trực tuyến bất kỳ là hoàn toàn có thể thực hiện được. Sơn nghĩ rằng có không ít người nghĩ tới chuyện mua bán trên mạng và cũng có không hiếm những người nhận ra được sự chênh lệch giá cả giữa Việt Nam và Úc, tuy nhiên đơn giản là họ đã không thực hiện nó. Sơn chia sẻ câu nói ưa thích của mình: “Nothing happens until you make it happen” – Không có gì xảy ra cho tới khi chính bạn sẽ là người đưa nó vào hiện thực.

 

Nguồn: Radio Australia Network

Share.

Leave A Reply