Du học sinh và cách đương đầu với động đất giỏi như người Nhật

0

SSDH – Một số điểm đến du học, du lịch nổi tiếng, quen thuộc với giới trẻ và du học sinh thường nằm trong vành đai núi lửa và có nguy cơ động đất rất cao như Indonesia, Philippines, Trung Quốc, Ấn Độ và đặc biệt là Nhật.

 

Do thường xuyên xảy ra động đất, Nhật có một bộ hướng dẫn toàn diện và cơ sở hạ tầng gần như tốt nhất thế giới, giúp người dân của họ có thể sống sót với tần suất các cơn động đất lớn nhỏ xảy ra trong năm.

 

Hãy cùng tham khảo bí quyết đương đầu với động đất của các bạn Nhật nhé. Nắm trong tay những bí quyết quan trọng nhất này, bạn sẽ dễ dàng ứng phó khi thảm họa xảy ra và giữ an toàn cho bản thân khi du học Nhật Bản hay ngay cả ở những nước khác đấy.

 

1. Những nguyên tắc an toàn

 

– Nếu bạn đang ở trong nhà:

 

  • Hãy ở yên ở đó. Rất nhiều nghiên cứu cho thấy thương vong xuất hiện khi mọi người cố gắng đi ra khỏi nhà đấy!
  • Nhanh chóng di chuyển đến vị trí an toàn như dưới gầm một chiếc bàn chắc chắn hoặc bên cạnh tường. Mục tiêu của việc này là tránh cho bạn bị đồ vật rơi vỡ trúng đầu và tựa mình vào những điểm tựa vững chắc của căn phòng.
  • Tránh ở gần cửa sổ, gương, kệ treo và nơi dễ bắt lửa. Nếu bạn không ở gần bàn nào cả, lấy tay che đầu và mặt lại và cuộn người trong góc trong cùng của nhà. Đặc biệt, bạn đừng cố gắng di chuyển vì có thể bị thương và không trốn ở cửa ra vào. Nếu động đất quá mạnh, khung cửa có thể bị sập, rất nguy hiểm đấy.

 

Du học sinh và cách đương đầu với động đất giỏi như người Nhật

Núp dưới gầm bàn, lấy tay bảo vệ mặt và đầu ngay khi có chấn động xảy ra nhé!

 

– Nếu bạn đang ở trên giường:

 

  • Hãy nằm yên và bảo vệ đầu của bạn bằng gối. Rất nhiều người vì hoảng hốt đã bị thương vì liều mạng bước chân trần xuống nền nhà đầy mảnh thủy tinh vỡ.
  • Trong trường hợp trên đầu bạn có đèn treo có thể rơi, nhanh chóng di chuyển đến nơi an toàn gần nhất, và nhớ cẩn thận đấy nhé.

 

– Nếu bạn đang nấu ăn:

 

  • Hãy tắt bếp và tránh xa nhà bếp ra. Nhà bếp là một trong những nơi nguy hiểm nhất vì có cả gas và lửa.
  • Đừng bao giờ ra khỏi nhà cho đến khi địa chấn qua đi. Không được sử dụng thang máy. Nếu phải ra ngoài và gặp dư chấn, hãy bình tĩnh bước đi chứ không chạy nhé, bạn có thể bị ngã rất mạnh do quán tính và bị thương trầm trọng hơn.

 

– Nếu bạn đang ở bên ngoài:

 

  • Hãy di chuyển đến khu vực mở, không đứng gần tòa nhà, cột điện, trạm điện thoại, cây… Rất nhiều trường hợp tử vong do bị tường đổ, vật rơi trúng đầu

 

– Nếu bạn đang ở nơi đông người:

 

  • Đừng hoảng loạn chạy đến cửa thoát hiểm. Nhiều người đã bị thương hoặc thậm chí tử vong chỉ vì tranh và giẫm đạp lên nhau. Ngoài ra, động đất có thể khiến cánh cửa đập qua lại rất mạnh làm bị thương những người ở gần cửa thoát hiểm.

 

– Nếu bạn đang lái xe:

 

  • Hãy giảm tốc độ từ từ và tấp vào lề. Tránh dừng trên cầu hay cầu vượt, cột điện, cây hay các biển hiệu lớn.
  • Nếu bạn đang ở trong ôtô, hãy ở yên trong đó.

 

– Nếu bạn ở gần sông hay biển:

 

  • Hãy di tản đến nơi cao hơn vì sóng thần đi kèm với động đất là có khả năng xảy ra.

 

– Nếu bạn đang ở trên núi

 

  • Hãy cẩn thận vì có thể xảy ra lở đất.

 

– Quên đồ đạc cá nhân đi. Trong trường hợp khẩn cấp, từng phần trăm giây cũng có thể cứu được sinh mạng của bạn.

 

Lưu ý những thành viên trong nhà những nguyên tắc an toàn này. Đặc biệt, bạn có thể chỉ định trước những vị trí an toàn trong nhà có thể ẩn náu khi động đất xảy ra và cảnh báo mọi người những chỗ cần tránh xa như trong hướng dẫn (cửa sổ, gương, kệ treo…).

 

Nhớ kỹ vị trí khóa nguồn nước, điện, ga tổng nhà bạn, cách đóng và dụng cụ cần để đóng (nếu có) để chủ động tắt ngay lập tức khi cần.

 

2. Chuẩn bị kho dự trữ khẩn cấp bao gồm:

 

Radio cầm tay và pin dự phòng: Không phải lúc nào bạn cũng có thể truy cập được Internet hoặc nghe radio thông qua điện thoại di động. Nếu bạn đang ở trong vùng có nguy cơ động đất và thiên tai cao, tốt nhất hãy tự trang bị cho mình một chiếc radio cầm tay để luôn cập nhật những tin tức mới nhất của chính quyền và lực lượng cứu trợ mà không bị phụ thuộc vào thời lượng pin yếu kém của điện thoại ngày nay hay sóng di động có thể chập chờn hoặc mất hẳn.

 

Đèn pin và pin dự phòng.

 

Bộ dụng cụ sơ cấp cứu.

 

Nước uống, thức ăn dự trữ, nước sử dụng và thuốc men trong 2 tuần, chăn/túi ngủ

 

Du học sinh và cách đương đầu với động đất giỏi như người Nhật

Gợi ý bộ dụng cụ trong trường hợp khẩn cấp (Survival Kit).

 

3. Nếu bạn ở vùng có khả năng xảy ra động đất cao:

 

– Hãy sắp xếp lại đồ đạc để giảm thiểu nguy cơ tai nạn cho chính bạn.

 

  • Cất những vật nặng ở kệ thấp hơn, đồ dễ vỡ trong tủ đặt dưới đất có cửa khóa lại, không treo gương, tranh ảnh ở gần nơi mọi người thường ngồi hay ngủ.
  • Đặt vật/chất lỏng dễ bắt lửa tránh xa nguồn kích hoạt như bếp ga, lò sưởi…

 

4. Sau khi động đất

 

Kiểm tra vết thương của bạn và những người xung quanh. Liên hệ với bên y tế nếu thấy cần thiết.

 

Kiểm tra thiệt hại. Nếu nhà bạn bị phá hủy quá nghiêm trọng, không nên ở nữa mà nên đợi đến khi cơ quan chức năng kiểm tra và xác định thiệt hại.

 

Nếu bạn bị rò gas, hãy đưa mọi người ra ngoài và mở hết cửa sổ. Nếu bạn biết làm và cảm thấy đủ an toàn, hãy khóa bình gas lại, sao đó báo cho bên sản xuất và cứu hỏa. Không sử dụng thiết bị điện nào trong thời gian bị rò gas, vì một tia lửa điện thôi cũng đủ làm khí gas bắt lửa.

 

Nếu bị mất điện, bạn hãy rút ổ cắm những thiết bị có công suất lớn nhằm tránh thiệt hại có thể xảy ra khi dòng điện đột ngột xuất hiện trở lại. Nếu bạn thấy tia lửa điện, dây điện bị xước, hoặc ngửi thấy mùi dây nhựa bọc dây điện bị chảy, hãy tắt ngay cầu dao chính. Nếu phải bước qua nước để cúp cầu dao, đừng tự làm một mình mà hãy nhờ lực lượng cứu hộ/chức năng giúp đỡ.

 

Hy vọng qua bài viết này, có thể giúp các bạn du học sinh có thêm những kiến thức cần thiết để bảo vệ an toàn cho mình và người thân khi có động đất xảy ra trên xứ người.

 

Nguồn: Tiin

Share.

Leave A Reply