Du học sinh và những cú sốc văn hóa

0
socvanhoaSSDH – “Sốc văn hoá” là một hiện tượng tâm sinh lý mà bất cứ du học sinh nào đều phải trải qua khi lần đầu tiên đến sống ở một đất nước xa lạ. Tuỳ thuộc vào sự hiểu biết, tuổi tác hay sự chuẩn bị về tâm lý của từng người mà mức độ ảnh hưởng của “sốc văn hoá” và thời gian vượt qua của mỗi người khác nhau. Người càng trẻ, khả năng thích nghi càng tốt thì ảnh hưởng sẽ ít đi; ngược lại những người lớn tuổi hơn thì khả năng thích nghi với sự thay đổi theo môi trường sống mới kém sẽ rất khó hoặc có thể không bao giờ vượt qua được cú “sốc văn hoá”.

Có 5 giai đoạn mà du học sinh sinh sống và học tập ở nước ngoài thường trải qua:

Hưng phấn: Ban đầu du học sinh cảm thấy rất hạnh phúc và háo hức khi tiếp cận, khám phá và trải nghiệm một nền văn hoá mới. Giai đoạn này thường được ví như giai đoạn “trăng mật” của các đôi tình nhân mới cưới. Quãng thời gian vui vẻ thường kéo dài không lâu và mức độ của sự hạnh phúc cũng có thể sẽ không bao giờ lặp lại.

Sốc văn hoá: Du học sinh bắt đầu cảm thấy “sốc” khi gặp những khó khăn về lối sống, nhà cửa, hệ thống giao thông, việc làm, mua sắm và ngôn ngữ.

Những điều chỉnh đầu tiên: Những vấn đề về nhà cửa và mua sắm dần dần không còn là vấn đề khó khăn với du học sinh. Du học sinh có thể chưa thể nói trôi chảy nhưng đã có thể diễn đạt những ý kiến và tình cảm cơ bản bằng ngôn ngữ bản xứ.

– Cảm giác biệt lập: Du học sinh phải sống xa gia đình và người thân nơi quê nhà một thời gian khá dài nên có thể cảm thấy cô độc. Một số người sẽ cảm thấy bực tức và mất tự tin do không thể thể hiện các ý kiến của mình bằng tiếng bản xứ như tiếng mẹ đẻ của mình hoặc do vẫn chưa tìm được việc làm hay nơi cư trú.

– Chấp nhận và hoà nhập: Những thói quen mới trong công việc, kinh doanh hay học tập được thiết lập. Du học sinh sẽ quen với những phong cách làm việc, tập quán, thức ăn và tính cách của những người bản xứ. Họ sẽ có thêm những người bạn mới, cộng đồng mới và ngôn ngữ bản xứ. Du học sinh dần nhận thấy họ như trở thành một phần của xã hội này.

Những du học sinh trải qua các giai đoạn trên theo nhiều cách khác nhau. Có người không bao giờ có giai đoạn “Trăng mật” vì hoàn cảnh đến đất nước mới này của họ là bắt buộc hay ngoài ý muốn. Ngoài ra, các yếu tố khác như tính cách cá nhân, tuổi tác, khả năng tiếp thu ngôn ngữ, hiểu biết về văn hoá nơi họ đến, sự ủng hộ của gia đình và người thân, các vấn đề về tài chính, việc làm và động lực đến sống ở nước ngoài cũng ảnh hưởng đến mức độ “sốc văn hoá” và khả năng và độ dài thời gian thích nghi để vượt qua “sốc văn hoá”.

MỘT VÀI LỜI KHUYÊN

Để sớm vượt qua “Sốc văn hoá” khi đến sống và học tập ở nước ngoài, những du học sinh cần tìm hiểu trước thật kỹ về văn hoá của đất nước mà mình sắp đến. Các tổ chức đưa học sinh du học hay tổ chức nhận nhập cư thường tổ chức các khoá học định hướng văn hoá nhằm giúp những du học sinh tìm hiểu về đất nước, con người và tập quán của người bản xứ. Dù vậy, những điều thu nhận từ các khoá học định hướng văn hoá vẫn chưa đủ, du học sinh cần tìm hiểu thêm qua những người đã từng sinh sống và học tập ở đất nước đó. Một nguồn thông tin khác là từ Internet hay sách báo khác. Càng hiểu kỹ về văn hoá nước sở tại thì mức độ và thời gian “sốc văn hoá” sẽ giảm đi rất nhiều và khả năng thích nghi sẽ nhanh hơn.

“Bất đồng ngôn ngữ” cũng là một trong những nguyên nhân cơ bản dẫn đến “sốc văn hoá”. Do đó, chuẩn bị thật tốt về ngôn ngữ để có thể giao tiếp tốt với người bản ngữ để tránh sự hiểu lầm do diễn đạt sai hay sự bực tức do không thể diễn đạt đúng ý nghĩ của mình bằng tiếng bản xứ.

Du học sinh cần chuẩn bị về mặt tâm sinh lý để đón nhận “sốc văn hoá” nơi xứ người. Cần tự hào về nền văn hoá gốc của mình nhưng cũng phải biết cách chấp nhận và tôn trọng nền văn hoá bản xứ hay các nền văn hoá khác đang tồn tại song hành với nền văn hoá bản xứ.

Theo equest

Share.

Leave A Reply