Đừng tử vì đạo nếu bạn muốn sáng tạo

0

Sẵn sàng du học – Muốn sáng tạo, trước hết bạn hãy vứt cái ý niệm về người nghệ sĩ đau khổ đi.

Con người là một sinh vật đầy mâu thuẫn. Ta có thể giữ trong đầu quan niệm rằng một nghệ sĩ thực thụ phải là một kẻ sống trong đau đớn quằn quại (từa tựa như Hàn Mặc Tử), mà vẫn tin rằng tạo ra một kiệt tác nghệ thuật để đời là điều duy nhất sẽ khiến ta được hạnh phúc và cuộc sống của ta có ý nghĩa. Suy nghĩ như vậy là cách khởi đầu một cuộc chiến chưa đánh đã thua, và có rất nhiều người yêu thích sự sáng tạo đã mắc kẹt trong cuộc chiến ấy.

Nhưng hãy thử lắng nghe một tác giả sách bán chạy, một người rõ ràng không hề mắc kẹt, nói gì về điều này. Tác giả của một cuốn sách đứng trong bảng xếp hạng sách bán chạy New York Times hơn 200 tuần, đã chuyển thể thành một phim Hollywood đình đám có Julia Roberts thủ vai chính, Elizabeth Gilbert là một nhà văn đủ thành công để hiểu hết các ngõ ngách của công việc sáng tạo.

Gilbert cũng sẵn sàng dạy bạn trở thành một người sáng tạo thành công như cô, nhưng trước hết, bạn phải vứt cái ý niệm về người nghệ sĩ đau khổ đi. Cuốn sách mới nhất của cô, Điều kỳ diệu lớn, đã khẳng định như vậy đấy.

Nghĩ lại xem vì sao bạn muốn có một đời sống sáng tạo? Nếu bạn đang theo đuổi tiền tài danh vọng, thì xin chia buồn, đây có lẽ không phải con đường tốt nhất cho bạn đâu. Bạn có thể viện dẫn hàng trăm hàng ngàn nghệ sĩ từ vô danh tiểu tốt đã một bước vụt sáng trên bầu trời danh vọng, nhưng như vậy cũng không khác gì dẫn ra những người đã trúng xổ số. Không có gì đảm bảo trong thành công của họ cả.

Cuốn sách Điều kỳ diệu lớn của Elizabeth Gilbert.

Cuốn sách Điều kỳ diệu lớn của Elizabeth Gilbert.

Elizabeth Gilbert, một người làm nghề viết văn, khẳng định rằng lĩnh vực sáng tạo chỉ toàn những nghề nghiệp tệ hại, nghề nghiệp không thể chu cấp cho bạn về mặt tài chính, thậm chí còn đòi hỏi bạn phải nuôi nó ấy chứ.

Còn nếu bạn muốn sáng tạo đơn giản vì bạn luôn yêu thích nghệ thuật và công việc sáng tạo, thì đây, đây mới chính là mấu chốt. Thực tế là hầu hết những con người sáng tạo đều bắt đầu như thế, vì niềm vui và niềm yêu thích. Tại sao những người vốn vui thích được sáng tạo cuối cùng lại trở thành những kẻ đau khổ dưới bàn tay nghệ thuật?

Vì chúng ta coi trọng mình quá, Gilbert trả lời. Nhưng ta lại thấy mình quá bé nhỏ trước nghệ thuật, những thứ mình sáng tạo ra không đủ kỳ vĩ, nên cái tôi của ta bị đe doạ nghiêm trọng. Ta tin rằng ta yêu nghệ thuật nhưng nó chẳng thèm đáp lại tình cảm của ta, ta sợ rằng ta sẽ chẳng bao giờ sản xuất ra được thứ gì xứng đáng với nghệ thuật, vậy là cái tôi xúi ta bỏ cuộc và trì hoãn việc sản xuất ra bất cứ thứ gì.

Thậm chí không phải chỉ có những kẻ vô danh tiểu tốt mới phải đối mặt với những dằn vặt giằng xé này, mà chính những nhà văn nổi tiếng cũng có lúc phải trải qua đấy. Chẳng phải chính Elizabeth Gilbert cũng là bạn thân của nỗi sợ hãi ư? Chẳng phải đến Harper Lee cũng thừa nhận rằng bà sợ sẽ không bao giờ vượt qua cái bóng quá lớn của Giết con chim nhại ư?

Nhưng sự sợ hãi chỉ cản trở và nỗi đau khổ không giúp bạn sáng tạo hơn. Nỗi sợ của Harper Lee không giúp bà viết thêm được gì cho đến cuối đời. Và chắc chắn nỗi đau khổ của người nghệ sĩ không xứng đáng được tôn sùng như nguồn gốc của tài năng, vì số người chiến đấu với chứng trầm cảm mà không cho ra tác phẩm nghệ thuật nào phải hơn hẳn số người trở thành Virginia Woolf hay Vincent van Gogh.

Theo lời Raymond Carver, “Đối với bất kỳ nghệ sĩ nào nghiện rượu, thì họ là một nghệ sĩ mặc dù họ bị nghiện rượu, chứ họ không trở thành một nghệ sĩ nhờ vào việc nghiện rượu đó.”

Mặt khác, sao bạn không thể vui vẻ mà sáng tạo? Có lẽ bạn sợ nếu bạn quá vui vẻ khi làm một việc gì thì việc đó không thể được nhìn nhận là nghiêm túc? Có lẽ bạn nghĩ, những điều này có thể có lý với Elizabeth Gilbert, nhưng tác phẩm của tôi chẳng có gì giống Ăn, Cầu nguyện, Yêu cả, nó phải là một kiệt tác về đời sống chính trị xã hội, tất nhiên tôi không thể vui vẻ rồi, tôi phải nghiêm túc!

Vậy thì đây, một tác giả viết về những đề tài nghiêm túc dành cho bạn: Brene Brown, nhà xã hội học, chuyên nghiên cứu về nỗi hổ thẹn và sự yếu đuối. Nhưng cô ấy có nhất thiết phải vật lộn khi viết ra những cuốn sách của mình không?

Thực ra là không, cô ấy đã viết sách bằng cách rủ hai người đồng nghiệp đến một căn nhà ven biển, nơi cô kể cho họ nghe về đề tài đang viết, trong khi họ giúp cô ghi chép, bản ghi chép sau đó được cô biến thành một bản thảo và tiếp tục chỉnh sửa khi kể thêm chuyện cho đồng nghiệp ghi chép. Đó là một quá trình đầy ắp tiếng cười, chẳng giống chút nào với hình ảnh một học giả dằn vặt đau khổ trong đơn độc trước bản thảo của mình.

Tác giả Ăn, Cầu nguyện và Yêu đưa tới cho độc giả một cách tiếp cận thú vị về chủ đề sáng tạo.

Tác giả Ăn, Cầu nguyện và Yêu đưa tới cho độc giả một cách tiếp cận thú vị về chủ đề sáng tạo.

Đây là lúc chúng ta quay lại với điểm mấu chốt: Bạn từng làm việc này vì bạn yêu thích nó. Nếu cuộc sống sáng tạo của bạn còn đau khổ hơn cuộc sống không sáng tạo, thì bạn có lý gì để bám vào nó? Nếu vì sáng tạo mà bạn đau khổ đến chết dần chết mòn thì ý tưởng sáng tạo của bạn sẽ bị chôn vùi, chứ có được lợi lộc gì kia chứ!

Và tất cả những điều này đến từ một tác giả sách bán chạy, người từng thề nguyện từ năm 16 tuổi rằng cô sẽ viết văn mãi cho dù kết quả ra sao và giữ trọn lời thề ấy, người từng làm nhiều công việc để duy trì thu nhập suốt khoảng thời gian cô đều đặn luyện viết mỗi ngày và ngay cả sau khi đã trở thành một nhà văn có sách xuất bản.

Việc viết lách của Elizabeth Gilbert không hề dễ dàng và cũng đòi hỏi tính kỷ luật cực kỳ cao, nhưng không có nghĩa là cô thấy cần phải là một kẻ tử vì đạo chiến đấu với cả thế giới để bảo vệ sự nghiệp văn chương của mình.

Ngược lại, cô khuyên bạn hãy tận hưởng niềm vui mà tình yêu giữa bạn và sáng tạo đem đến (bao gồm việc chưng diện để hẹn hò với ý tưởng của bạn khi bạn cảm thấy bế tắc). Đương nhiên trước hết bạn cần phải tin đó là một tình yêu từ hai phía, sáng tạo cũng yêu bạn, và chẳng có lý do gì để đau khổ ở đây cả.

Thay vì vật vã và mong rằng mình sẽ giống một nghệ sĩ thực thụ với sự vật vã ấy, sao không đơn giản là tin tưởng và nắm lấy Điều kỳ diệu lớn của bạn?

Cá Domino (SSDH) – Theo news.zing.vn

Share.

Leave A Reply