Được gì – mất gì khi du học Canada

0

SSDH – Canada được xếp hạng là một trong ba đích đến du học hấp dẫn nhất thế giới bởi Tổ chức Phát triển và Liên kết Kinh tế (OECD). Rất nhiều sinh viên và khách du lịch đã công nhận du học Canada là lựa chọn sáng suốt để phát triển tri thức và nghề nghiệp.

 du-hoc-canada.jpg

 

Cộng đồng người Việt tại Canada lớn thứ hai trên thế giới, tập trung tại các thành phố Toronto, Montreal và Vancouver, nơi có môi trường trong sạch và yên bình bậc nhất. Du học tại Canada ở các bậc Đại học, Cao đẳng, Trung học Công lập và Tư thục, các trường Anh ngữ đảm bảo cho học sinh có được bằng cấp được cả thế giới công nhận vì những nỗ lực hết sức nghiêm túc mà Canada đã đặt vào giáo dục.

 

Sinh viên Việt Nam dễ dàng tìm được việc làm thêm 20 giờ/tuần trong khi học cũng như việc làm ổn định sau khi tốt nghiệp. Canada có chính sách khuyến khích di dân tay nghề, nên sinh viên giỏi Việt Nam có thể được ở lại Canada học hỏi và làm việc sau khi tốt nghiệp.

 

Canada từ lâu đã được xem là một địa chỉ tin cậy về giáo dục của rất nhiều du học sinh trên toàn thế giới. Đối với du học sinh Việt Nam, chọn Canada là một sự lựa chọn an toàn nhưng liệu họ có phải đối mặt với thách thức nào không? 3 thách thức được phản hồi nhiều nhất dưới đây sẽ là những kinh nghiệm bỏ túi bước đầu cho bạn nào muốn trải nghiệm Canada nhé!

 

Tự lập

 du-hoc-canada-2.jpg

 

Đây là khó khăn đầu tiên được nhiều bạn phản hồi khi lần đầu tiên các bạn phải tự mình lo toan rất nhiều thứ cho cuộc sống xa nhà. Các bạn phải làm quen dần với với cuộc sống ở kí túc xá hoặc những ngôi nhà trọ; đi bus tới trường; tự giặt quần áo và chuẩn bị bữa sáng; tự điều hòa các mối quan hệ và nhất là tự lo cho mình không bị ốm. Bạn cũng phải tự lo lắng cho việc học bằng cách nghiêm khắc và có trách nhiệm hơn trong việc đảm bảo kết quả học tập một cách tốt nhất.

 

Có thể bạn sẽ cảm thấy cực kì stress và chán nản trong khoảng thời gian này, nhưng vượt qua được, bạn vô hình chung đã tạo được cho mình tinh thần và ý thức tự lập cao độ, không ỷ lại vào ba mẹ và sự giúp đỡ của người khác.

 

Quản lí tài chính

 

Đi du học đồng nghĩa với việc chấp nhận đầu tư một khoản tài chính lớn mà một phần không nhỏ trong số đó là các khoản sinh hoạt phí (nhà ở, đi lại, thực tập, du lịch, và vô vàn những chi phí không tên khác) tại Canada. Thông thường mức sinh hoạt phí trung bình tại Canada đối với du học sinh vào khoảng $10.000 mỗi năm. Việc chi tiêu không có kế hoạch sẽ khiến du học sinh lâm vào tình trạng thiếu hụt tài chính nghiêm trọng.

 

Với những khó khăn nêu trên, du học sinh sẽ phải tự mình cân đối chi tiêu và với nhiều bạn lựa chọn đi làm thêm là một giải pháp hữu hiệu.Theo đó, du học sinh có thể chọn làm thêm trong trường hoặc ngoài trường (cần có Giấy phép lao động); hoặc đăng kí tham gia các chương trình Thực tập (Internship) hoặc Liên kết làm việc (Co – op). Những công việc này không chỉ giúp du học sinh có thêm 1 khoản thu nhập bổ sung mà còn là dịp để tích lũy thêm kinh nghiệm làm việc thực tế quí báu cho mình.

 

Học tập vẫn là ưu tiên hàng đầu

 du-hoc-canada-3.jpg

 

Dù đã đọc và tìm hiểu rất nhiều về hệ thống giáo dục, phương pháp học tập ở đây, nhưng chắc chắn du học sinh Việt Nam sẽ không ít bỡ ngỡ khi lần đầu tiếp cận với một trong những nền giáo dục tiên tiến hàng đầu thế giới như Canada. Bạn sẽ “sốc” khi gặp phải những tình huống kiểu như: một ngày bạn đến lớp và nghe giáo sư thông báo rằng: “Các em có thắc mắc gì về nội dung buổi học không? Nếu không có câu hỏi nào thì lớp nghỉ”. Những thói quen cũ như: không đọc bài trước khi lên lớp, đi học trễ, thiếu tích cực trong làm việc nhóm, ngại hỏi hoặc tranh luận với giảng viên… sẽ là những trở ngại không nhỏ khiến du học sinh Việt Nam khó theo kịp chương trình học và hòa nhập mình vào môi trường học mới.

 

Để vượt qua được những thách thức trên, bạn phải ghi nhớ những “bí kíp” sau:

 

“Dính” với giảng viên: Chủ động hỏi và tranh luận với giảng viên là một trong những cách hiệu quả để du học sinh hiểu bài và nắm bài tốt nhất. Giảng viên ở tất cả các cấp học đều rất khuyến khích học sinh thể hiện ý kiến cá nhân, giảng viên sẽ chỉ đóng vai trò là người gợi mở hướng dẫn bước đầu và sau đó chính học sinh là người tìm tòi và lĩnh hội kiến thức đó.

 

Tự học, tự nghiên cứu là “thượng sách”: Thông thường, thời lượng lên lớp mỗi môn học không nhiều, trong khi phần lớn thời gian sẽ dành cho việc tự nghiên cứu bài vở để hoàn thành bài tập về nhà (home assignement), bài đọc (reading assignment) và bài viết (paper). Do đó, việc “đóng đô” ở thư viện 24/24 cũng sẽ là điều dễ hiểu. Điều “Được” lớn nhất mà du học sinh Việt Nam nhận được từ phương pháp học này đó là khả năng tư duy độc lập, tìm tòi và sáng tạo mọi lúc, mọi nơi, cũng như cải thiện được kĩ năng viết luận tiếng Anh – trở ngại lớn nhất của phần lớn học sinh Việt Nam hiện nay.

 

Tạm kết

 

Tính tự lập, khả năng quản lí tài chính và thay đổi phương pháp học tập chính là những “gạch đầu dòng” hữu ích cho bất cứ du học sinh Việt Nam nào quyết định chọn Canada như một điểm đến học tập đầy thử thách nhưng hứa hẹn nhiều điều thú vị này.

 

Đông Đức (SSDH) – Theo Dân trí

Share.

Leave A Reply