Giấc mơ du học Mỹ của học sinh Trung Quốc

0

Sẵn sàng du học – Số lượng học sinh Trung Quốc đi du học ở các nước phương Tây ngày càng tăng. Theo Viện Giáo dục Quốc tế của Mỹ, 10 năm qua, số lượng học sinh Trung Quốc Đại lục theo học tại các trường đại học và cao đẳng của Mỹ đã tăng gần gấp năm lần, từ 62.523 năm 2005 lên 304.040 vào năm 2015.

Học sinh ôn thi trong một trung tâm giáo dục tại Trung Quốc

Học sinh ôn thi trong một trung tâm giáo dục tại Trung Quốc

“Trào lưu” kéo dài nhiều năm 

Nhiều em trong số đó là con cái của giới tinh hoa đang lên ở Trung Quốc, những gia đình quyền thế có khả năng trả khoản học phí lên đến 60.000 USD mỗi năm tại những trường đại học hàng đầu nước Mỹ, chưa kể hàng chục nghìn đôla trước đó dùng để trang trải các chi phí ôn luyện, thi cử và nộp đơn.

Đối với các nhà giáo dục phương Tây, Trung Quốc vốn nổi tiếng với thành tích sản sinh ra "đội quân" học sinh trung học ưu tú, thường xuyên đứng đầu bảng xếp hạng các bài kiểm tra toàn cầu, bỏ xa học sinh Mỹ và Anh. Nhưng ngày càng ngày càng nhiều gia đình Trung Quốc quyết định dứt con em ra khỏi hệ thống giáo dục trong nước. Kết quả là bán các sản phẩm giáo dục cho học sinh Trung Quốc trở thành một ngành kinh doanh béo bở ở phương Tây.

Sinh viên Trung Quốc hiện chiếm gần 1/3 tổng số sinh viên quốc tế đang theo học ở Mỹ, đóng góp 9,8 tỷ USD mỗi năm vào nền kinh tế nước này. Ở Anh, du học sinh Trung Quốc cũng thuộc nhóm đứng đầu về số lượng. Theo Báo cáo Hurun, khảo sát thường niên về tầng lớp thượng lưu Trung Quốc, xu hướng này chưa có dấu hiệu chững lại, 80% các gia đình giàu có ở đất nước tỷ dân có kế hoạch cho con đi du học.

Không phải tất cả học sinh Trung Quốc đều khao khát đi du học để thoát khỏi hệ thống thi cử áp lực trong nước và tiếp cận kiểu giáo dục khai phóng, tự do ở nước ngoài. Như một chuyên gia tư vấn giáo dục nhận xét, nhiều gia đình Trung Quốc cho con học tại một trường đại học phương Tây như là cách để thể hiện đẳng cấp, giống như việc "mua một món hàng hiệu". 

Bên cạnh đó, những học sinh không đủ năng lực vượt qua kỳ thi quốc gia vào đại học trong nước, đi du học là một lối thoát, một cách để tạo lợi thế cạnh tranh trong thị trường lao động và hôn nhân ngày càng khốc liệt tại quê nhà. Đối với các gia đình giàu có muốn tìm một nơi cất trữ tài sản, cho con đi du học là bước đi đầu tiên để chuyển tài sản ra nước ngoài, đầu tư vốn thậm chí cuối cùng là di cư.  

Đa phần sinh viên Trung Quốc được nhận vào các trường đại học lớn ở các bang nước Mỹ. Nhiều trường nằm ở miền trung tây xa xôi, nơi số lượng du học sinh Trung Quốc lên tới hơn 4.000 trên tổng số hơn 30.000 sinh viên trong trường. Với số lượng áp đảo như vậy, sinh viên Trung Quốc thậm chí có thể tập hợp lại và hình thành một phiên bản thu nhỏ của các khu phố Trung Hoa ngay bên trong khuôn viên trường.

Dẫu vậy, các trường đại học hàng đầu nước Mỹ vẫn có một sức hút khó cưỡng với nhiều gia đình Trung Quốc. Tất cả các học sinh Trung Quốc có ý định đi du học đều có thể đọc vanh vách tên của 10 trường hoặc 20 trường đại học danh tiếng nhất của Mỹ. Và cuộc đua vào những trường này vô cùng khốc liệt.

Năm 2016, trong tổng số 40.000 học sinh Trung Quốc nộp đơn vào các trường đại học Mỹ, chỉ khoảng 200 em đỗ vào các trường hàng đầu. Một chuyên gia tư vấn giáo dục tại Bắc Kinh nói: "Đại học Harvard chỉ chấp nhận 7 hoặc 8 học sinh Trung Quốc mỗi năm, một trong số đó thường là con cái của tài phiệt hoặc quan chức lãnh đạo". So sánh với tỷ lệ đỗ của học sinh Mỹ, sẽ thấy khe cửa dành cho học sinh quốc tế hẹp như thế nào.

Đơn cử vào năm 2015, khoảng 9,7% số học sinh bản xứ ứng tuyển vào Học viện Công nghệ Massachusetts (MIT) được chấp nhận, nhưng chỉ gần 3% số học sinh quốc tế lách qua "khe cửa hẹp" này thành công.

Những cuộc “chạy đua”

Quá trình nộp đơn phức tạp và rắm rối. Bên cạnh các bài kiểm tra chuẩn hóa như SAT, ACT, và TOEFL (kiểm tra trình độ tiếng Anh), các trường đại học Mỹ còn yêu cầu bảng điểm, thư giới thiệu của giáo viên, bài luận giới thiệu về bản thân và nhiều bài luận bổ sung khác. Đối với hệ thống giáo dục Trung Quốc, nơi mà các trường đại học chỉ dựa vào điểm thi đầu vào để tuyển chọn sinh viên, những yêu cầu trên hoàn toàn xa lạ.

Chưa dừng lại ở đó, phần khó khăn nhất là các trường đại học Mỹ muốn chọn ra những cá nhân xuất sắc, chứng minh tiềm năng qua các hoạt động ngoại khóa và các trải nghiệm sống độc đáo, hoặc bất cứ hoạt động gì khiến các em trở nên khác biệt so với đám đông.

"Làm sao học sinh Trung Quốc có thể xây dựng một hình ảnh cá nhân độc đáo để thuyết phục đội ngũ tuyển sinh của các trường đại học Mỹ?" Đối với nhiều học sinh, quá trình này là một hành trình "vật vã" khám phá bản thân. Nhưng đối với một số khác, việc đột ngột phải định nghĩa con người mình và tìm ra sự khác biệt của bản thân tạo ra một áp lực vô cùng lớn, khiến các em và cha mẹ các em sẵn sàng làm mọi thứ để đạt được mục tiêu.

Một vụ bê bối đã xảy ra vào tháng 5/2015, khi 15 thí sinh ảo, tất cả đều mang quốc tịch Trung Quốc, bị cáo buộc ở Mỹ vì âm mưu sử dụng hộ chiếu giả để đi thi hộ. Nghĩa là có những học sinh Trung Quốc thậm chí không cần động đến một chiếc bút mà vẫn đạt điểm tuyệt đối.  

Việc chèo lái đến bến bờ Mỹ khó khăn đến mức gần như tất cả các gia đình Trung Quốc đều thuê tư vấn giáo dục chuyên nghiệp để hướng dẫn con mình trong quá trình nộp đơn. Điều này biến cuộc chạy đua vào các trường đại học Mỹ trở thành một cuộc đua. "Một khi cha mẹ biết bạn học của con mình có người tư vấn. Họ sẽ cảm thấy tội lỗi nếu không thuê cho con họ", Jiang Xueqin, một chuyên gia trong ngành nói.

Tư vấn giáo dục ở Trung Quốc là một ngành đang phát triển bùng nổ, theo một số ước tính, ngành công nghiệp này gặt hái hơn nửa tỷ đôla mỗi năm. Trong một môi trường cạnh tranh khốc liệt, các gia đình thường mất phương hướng và mù mờ thông tin, các tư vấn tuyển sinh trở thành những người có tiếng nói. Nhiều tư vấn viên vừa cầm tiền của gia đình học sinh vừa nhận tiền hoa hồng từ các trường đại học đang tìm kiếm những học sinh có khả năng đóng học phí. Các tư vấn viên này, đến lượt họ, trả tiền cho các trường trung học Trung Quốc để lôi kéo học sinh dùng dịch vụ của mình.

Bản thân các trường đại học Mỹ cũng học được bài học nghi ngờ tính xác thực của các hồ sơ ứng tuyển từ Trung Quốc. Sự ngờ vực của các trường thường dựa vào những kinh nghiệm "đau thương", phần lớn với các trường hợp sinh viên Trung Quốc có điểm TOEFL cao và những bài luận sâu sắc, trau chuốt nhưng trên thực tế không diễn đạt nổi một câu rõ nghĩa bằng tiếng Anh. Một số ít trường giải quyết vấn đề bằng cách phân bổ kinh phí để xác minh từng bộ hồ sơ. Tuy nhiên, nhiều trường, trước khoản học phí kếch xù mà sinh viên Trung Quốc đem lại, chẳng bận tâm làm điều tương tự.

Các loại giấy tờ chứng nhận do trường trung học ở Trung Quốc cấp có thể không đáng tin cậy. Một học sinh kể rằng các giáo viên "đơn giản bịa ra điểm số một cách ngẫu nhiên". Giáo viên Trung Quốc không có thói quen viết thư giới thiệu cho học sinh vì vậy các em phải tự soạn những bức thư này, và theo lời một nhân viên tư vấn du học thì "học sinh coi chúng như một bài tập viết theo phong cách sáng tạo mà trong đó các em phải viết bằng giọng của người khác".

Hiện tượng gian lận phổ biến đến mức có hẳn một ngành dịch vụ xác thực hồ sơ xin học của học sinh Trung Quốc. Do không ai có thể chứng minh một học sinh đạt điểm số SAT hoàn hảo là nhờ năng lực thực sự hay nhờ sự gian dối. Cũng không ai có thể chứng minh được trải nghiệm được miêu tả trong một bài luận là trải nghiệm thực hay chỉ là sản phẩm của trí tưởng tượng.

Vì vậy nhiều công ty như Vericant có trụ sở ở Bắc Kinh ra đời. Công ty này ghi hình các buổi phỏng vấn bằng tiếng Anh với các thí sinh rồi đăng lên mạng để cho các trường đại học và cao đẳng bên Mỹ có thể đánh giá xem liệu thực lực của học sinh có khớp với điểm thi hay không. Trong một giải pháp khác, ngày càng có nhiều các công ty du học cao cấp có uy tín tự chọn lựa và gửi các học sinh xuất sắc đến các trường đại học hàng đầu.

Thái Hải (SSDH) – Theo Báo Pháp Luật

Share.

Leave A Reply