Giấc mơ ‘xuất khẩu’ giáo dục

0

Sẵn sàng du học – Hiện Bộ GDĐT đang theo dõi, quản lý khoảng 20.000 lưu học sinh nước ngoài đến từ khoảng 64 nước trên thế giới học tập tại Việt Nam. Câu hỏi đặt ra là, giáo dục Việt Nam cần làm gì để thu hút du học sinh nước ngoài, đẩy mạnh “xuất khẩu” giáo dục tại chỗ?

Cả nước có gần 1.100 tổ chức đăng ký dịch vụ kinh doanh tư vấn du học.

Cả nước có gần 1.100 tổ chức đăng ký dịch vụ kinh doanh tư vấn du học.

Xu hướng du học nước ngoài tăng

Theo báo cáo thường niên Open Doors của Viện Giáo dục Quốc tế (IIE), lượng du học sinh Việt Nam tại Mỹ tăng năm thứ 17 liên tiếp. Cụ thể, năm học  2017-2018, Việt Nam đứng thứ 6 trong danh sách những nước dẫn đầu về du học sinh tại Mỹ. Trong đó có 69,6% người học ĐH, 15,2% sau ĐH, 8,6% tham gia thực tập không bắt buộc, và 6,6% còn lại theo học các chương trình không cấp bằng.

Cũng theo IIE, năm 2017 có khoảng 5.000 du học sinh Việt Nam học tập tại nước Anh. 

Ông Shannon Leahy- Tham tán của Cơ quan thương mại và đầu tư Chính phủ Australia tại Việt Nam cho biết, học sinh Việt Nam lựa chọn du học Australia ngày càng nhiều, hiện du học sinh Việt Nam đông thứ 5 trong tổng số du học sinh tại Australia. Số liệu thống kê gần nhất của Bộ GDĐT Australia, tính đến quý I/2017, sinh viên Việt Nam đến Úc là 19.708 người, chiếm 4,1% trong tổng số sinh viên quốc tế. 

Trước đó, vào tháng 4/2018, số liệu từ Cơ quan Giáo dục quốc tế Canada cũng cho thấy trong năm học 2016 – 2017, số lượng du học sinh Việt Nam tại Canada tăng hơn 89% so với năm học trước, lên gần 15.000 người. 

Trong khi đó, theo thống kê của Bộ GDĐT, tại thời điểm tháng 5/2018, có khoảng 6.365 lưu học sinh Việt Nam diện học bổng có sử dụng ngân sách nhà nước đang học tập tại 43 nước trên thế giới, trong đó tập trung đông nhất tại châu Âu với hơn 4.000 lưu học sinh. 

Trong 20.000 lưu học sinh nước ngoài đến Việt Nam, đông nhất là lưu học sinh Lào, Campuchia, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản…

Theo đánh giá của các chuyên gia, nếu như trước đây thường phải có học bổng học sinh, sinh viên mới đi du học thì hiện nay thị trường du học đã đa dạng hơn rất nhiều. Ngoài những học sinh có thành tích học tập xuất sắc xin được học bổng thì nhiều gia đình có điều kiện kinh tế tốt, quyết định đầu tư cho con đi du học theo diện học bổng toàn phần hoặc bán phần hoặc chi trả hoàn toàn. Hàng tỷ USD mỗi năm được các gia đình người Việt chi tiêu cho việc du học ở nước ngoài. Liệu giáo dục Việt Nam có thể thăng hoa?

Thu hút FDI vào giáo dục 

Trong bối cảnh hội nhập toàn cầu hiện nay, giáo dục trở thành một ngành xuất khẩu mũi nhọn của nhiểu nền kinh tế trên thế giới. Tại Việt Nam, khái niệm “xuất khẩu giáo dục” vẫn còn khá mới mẻ bởi lâu nay chúng ta thường có xu hướng đi du học nước ngoài chứ không nghĩ rằng Việt Nam cũng là vùng đất học đầy lý tưởng cho sinh viên quốc tế. 

Theo PGS.TS Phạm Tất Dong- Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Khuyến học Việt Nam, kết quả thăng hạng của một số trường ĐH của Việt Nam trên bảng xếp hạng QS và một số tổ chức khác vừa qua sẽ là một trong những yếu tố góp phần thu hút thêm nhiều du học sinh nước ngoài tới Việt Nam học tập. Tuy nhiên, câu hỏi Việt Nam sẽ trở thành nguồn cung cấp sinh viên du học hay thu hút sinh viên tới du học nhìn chung còn phụ thuộc rất nhiều vào chính sách mở cửa của các trường ĐH trong nước, phụ thuộc vào trình độ sử dụng tiếng Anh và các ngoại ngữ khác trong khu vực ở mức độ nào và các chương trình, bằng cấp được liên thông, công nhận giữa các trường trong khu vực và thế giới. 

Đặc biệt, vấn đề bằng ĐH của Việt Nam bao giờ được quốc tế công nhận là yếu tố quan trọng nhất để thúc đẩy du học sinh nước ngoài tới Việt Nam. Cho rằng thành công của một trường ĐH nào đó trên thị trường giáo dục phần lớn phụ thuộc vào trình độ quốc tế hóa của nó, ông Dong nhìn nhận thực tế, hiện nay các giáo sư của Việt Nam đi giảng ở nước ngoài rất ít và việc thu hút các giáo sư, tiến sĩ nước ngoài đến Việt Nam giảng dạy còn hạn chế. Chương trình, giáo trình giảng dạy của Việt Nam hầu hết do giáo viên, giảng viên trong nước biên soạn, chưa được tiêu chuẩn hoá và công nhận trên trường quốc tế. 

“Để hội nhập giáo dục thì một trong những bước quan trọng cần phải tăng cường sự hợp tác giữa các cơ sở giáo dục trong nước và nước ngoài. Cụ thể, cần đẩy mạnh sự hợp tác, liên hết không chỉ ở cấp ĐH, CĐ mà kể cả ở cấp phổ thông. Không chỉ riêng lĩnh vực khoa học tự nhiên mà khoa học xã hội phía Việt Nam cũng cần tăng cường hợp tác với quốc tế. Tôi tin rằng, nếu có được sự hợp tác này thì chất lượng giáo dục của  ta sẽ có những tiến bộ đáng kể”- ông Dong nhấn mạnh. 

Tại Việt Nam, một số trường ĐH đã đi tiên phong từ nhiều năm nay trong việc mở rộng liên kết đào tạo, tuyển sinh sinh viên quốc tế. 

Dưới góc nhìn kinh tế, một chuyên gia đặt bài toán để hạn chế lượng du học sinh Việt Nam ra nước ngoài, có thể thu hút đầu tư FDI vào lĩnh vực giáo dục Việt Nam. Một khó khăn nảy sinh đó là mức học phí nếu cao thì học sinh chọn lựa du học ở nước ngoài, ngược lại mức học phí thấp thì nhà đầu tư sẽ lỗ. Nguyên nhân là vì vận hành hệ thống trường quốc tế rất tốn kém vì mọi chi phí đều cao. Từ cơ sở vật chất, trang thiết bị, đến lương của nhân viên phải theo chuẩn quốc tế. Vì vậy, chuyên gia này kiến nghị Nhà nước đưa ra những chính sách khuyến khích cho đầu tư giáo dục như miễn thuế dài hạn, cho sử dụng đất miễn phí… Có như thế thì giá học phí thấp xuống và nhiều gia đình Việt Nam có khả năng trang trải chi phí cho học sinh học tập trong nước. 

Thái Hải (SSDH) – Báo Đại Đoàn Kết

Share.

Leave A Reply