Giáo dục Úc và nhu cầu hướng về châu Á

0
48Sự giảm sút liên tục số lượng học sinh theo học ngôn ngữ và các môn học về châu Á một lần nữa hối thúc nước Úc hành động mạnh hơn để cải thiện tình hình và xây dựng vị trí chiến lược trong kỷ nguyên mang tên châu Á này.

Thiếu hụt nghiêm trọng

Phần lớn học sinh Úc hiện tại không học gì về Á châu. Đó là nhận định của Darragh O Keeffe, tác giả của một bài viết công bố trên tạp chí Education Review vào tháng Ba vừa qua.

Theo đó thì, có ít hơn 6% học sinh lớp 12 học ngôn ngữ châu Á. Trong số này, 94% học tiếng Trung là người gốc Hoa. Với Hàn Quốc thì con số này là gần 100%. Ở môn học lịch sử hiện đại, có tới 65% học sinh chọn học về lịch sử nước Đức, 19% chọn Nga và chỉ 2% là chọn Trung Quốc.

Nhìn lại quá khứ, những năm 1970, 1980 là thời kỳ cao điểm của những môn học về châu Á ở Úc. Theo Giáo sư Tim Lindsey, Giám đốc Trung tâm Luật Á châu thuộc Đại học Melbourne, điều nghịch lý là vào những năm 1960, khi Thủ tướng Robert Menzies đang nắm quyền với chính sách ‘nước Úc của người da trắng’, thì tỉ lệ học sinh chọn học các môn về châu Á vẫn nhiều hơn bây giờ.

Sự sụt giảm bắt đầu từ thập niên 1990 đã thúc đẩy nước Úc triển khai chương trình khuyến khích giáo dục hướng về châu Á giai đoạn 1999-2002, gọi tắt là chương trình NALSAS (National Asian Languages and Studies in Australian Schools). Chương trình này lúc bấy giờ đã làm tăng gấp đôi số học sinh theo học ngôn ngữ Á.

Nhưng, kể từ sau 2002 đến nay, xu hướng này lại đổi chiều và đi xuống.

Theo thông tin của quỹ Giáo dục Á châu (Asia Education Foundation – AEF), thuộc Trung tâm AsiaLink, Đại học Melbourne, thì năm 2010 tình hình trên vẫn chưa được cải thiện.

Đơn cử, các môn học về ngôn ngữ và xã hội Indonesia mỗi năm mất gần 10 ngàn học sinh kể từ 2005. Tương tự, tiếng Nhật giảm 20% người học và chỉ còn được dạy chủ yếu ở bậc tiểu học. Tiếng Hàn gần như không còn tồn tại trong hệ thống trường phổ thông và đại học.

Nói chuyện trên Đài Úc hồi đầu tháng 3, Jenny McGregor, Giám đốc điều hành của AsiaLink, cũng cho biết: “Thật thảm hại là hiện tại cả nước Úc chỉ có 250 học sinh không phải người gốc Hoa đang theo học tiếng Trung”.

Yêu cầu hành động

Tình trạng thiếu hụt, cả trên phương diện giảng dạy ngôn ngữ cũng như các môn học về Á châu, đã thúc đẩy giới quan sát và các nhà giáo dục kêu gọi một chiến lược hành động quốc gia mới.

Từ năm 2009, bà Julia Gillard, khi đó là Bộ trưởng Giáo dục, đã triển khai chương trình ‘Asia Literacy’ (tạm dịch: xóa mù ngôn ngữ châu Á), với mục tiêu tăng gấp đôi lượng học sinh theo học ngôn ngữ châu Á vào năm 2015, với kinh phí hàng năm là hơn 15 triệu đô Úc.

Con số này dù được hoan nghênh nhưng bị chê là quá ít. Năm 2010, chính phủ lại quyết định rót hơn 60 triệu cho chương trình NALSAS. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Thương mại, Tiến sĩ Craig Emerson, trong cuộc nói chuyện trên Đài Úc, thì chừng đó vẫn là chưa đủ. Ông so sánh rằng chỉ có chưa đầy 2000 trong số 5000 người được trao học bổng của Úc đang theo học tại châu Á, trong khi có gần nửa triệu sinh viên Á học tập tại Úc tính đến cuối năm ngoái.

Tuy nhiên, điều quan trọng, theo các chuyên gia, là chính phủ phải nhìn xa hơn việc khuyến khích học tiếng Á châu. Nhiều nhà giáo dục, các doanh nhân Úc kêu gọi một chiến lược hướng đến đào tạo lực lượng lao động hiểu biết về châu Á.

Cùng quan điểm này, Giám đốc AEF, bà Maureen Welch, cho rằng: “Giới nghiên cứu gửi thông điệp đến các nhà hoạch định chính sách rằng đã đến lúc cần đưa các môn học về châu Á vào chương trình chính thức, thay vì chỉ là một lựa chọn rất phụ như hiện nay”.

Kỷ nguyên châu Á lên ngôi

Châu Á, chiếm hơn 60% dân số thế giới và 30% diện tích địa cầu, là châu lục lớn nhất, với hai quốc gia đông dân nhất là Trung Quốc và Ấn Độ. Châu Á cũng là nơi có nhiều nền văn minh rực rỡ của nhân loại và nhiều tôn giáo nhất.

Ngoài những lí do này, sự phát triển của hàng loạt quốc gia ở đây, kể từ sau Chiến tranh Thế giới Thứ hai, và gần đây là sự trỗi dậy của Trung Quốc, đã khiến khu vực này trở nên sôi động hơn bao giờ hết, mà giới quan sát đã phải gọi là kỷ nguyên châu Á lãnh đạo thế giới.

“Quyền lực kinh tế đã thay đổi, từ Atlantic nay tới Pacific”, Giáo sư Tim Lindsey nói, “Ai là đối tác thương mại lớn nhất của nước Úc? Đó chính là các quốc gia Đông Nam Á, kế đến là Trung Quốc, Nhật Bản. Trong khi đối tác phương Tây đang tụt hạng”.

Cùng với lí do về kinh tế, khi ở tầm vĩ mô cũng như vi mô, ngày càng có nhiều hoạt động thương mại của Úc gắn liền với châu Á, thì vấn đề an ninh quốc phòng cũng được giới quan sát nói tới.

Giáo sư Lindsey tóm tắt: “Châu Á chính là chìa khóa, cả về chiến lược cũng như kinh tế. Khả năng người Úc được trang bị hiểu biết châu Á sẽ quyết định vị trí của nước Úc trong thế kỷ Á châu này”.

“Nếu chúng ta không đầu tư từ bây giờ, chúng ta sẽ đe dọa tương lai của thế hệ trẻ Úc khi để mất cơ hội nghề nghiệp liên quan đến châu Á của họ”, Kathe Kirby, Giám đốc điều hành của AEF nói.

(Nguồn Bay vút)
Share.

Leave A Reply