Giáo sư Đại học Yale: Người nổi bật khi đi học cũng nổi bật khi đi làm

0

Sẵn sàng du học – Nghiên cứu chỉ ra rằng những cá nhân được nhiều người yêu thích khi còn đi học có xu hướng được tuyển dụng, thăng tiến, lên lương dễ dàng hơn các đồng nghiệp có trình độ tương đương khác khi đi làm.

Hồi đi học, bạn có hay đứng từ xa nhìn trộm hội học sinh nổi tiếng trong trường thường tụ tập với nhau ở canteen không? Bạn bị dàn cán bộ lớp loại ra khỏi mọi danh sách tập văn nghệ của trường? Còn đau hơn nỗi đau không có ai mời đi prom trường là khi mẹ gợi ý "Sao con không đi với các bạn?". Đó là những ác mộng tệ nhất với bất kỳ học sinh trung học nào.

"Nếu đôi khi bạn cảm thấy nơi làm việc giống hệt trường học thì bạn cũng không nhầm đâu, Mitch Pristein", giáo sư tâm lý Đại học Yale đồng thời là tác giả cuốn sách "Popular: The Power of Likability in a Status-Obsessed World" bật mí.

Nghiên cứu của vị giáo sư này chỉ ra rằng quan niệm về sự nổi tiếng trong những năm đi học mà nhiều người thường nhăn mặt khi nhớ về không có vẻ mai một khi người ta lớn lên, thậm chí còn ngày càng bành trướng trong thế giới của những người trưởng thành.

Giờ nó không còn được gọi là "nổi tiếng" nữa, Prinstein dùng thuật ngữ "được yêu thích" và "địa vị" để miêu tả thứ từng khiến nhiều người khốn khổ hồi còn đi học. Người "được yêu thích" biết cách làm người khác cảm thấy mình được coi trọng, không bị gạt ra khỏi các cuộc vui và tất nhiên luôn thấy vui vẻ trong khi "địa vị" bị chi phối bởi sự chú ý, quyền lực, tầm ảnh hưởng và hình ảnh một người trong con mắt của những người khác. Những ai từng học qua trung học đều phân biệt được hai kiểu nổi tiếng này.

Theo giáo sư Pristein, khi đã là những người trưởng thành, địa vị xã hội trở nên quan trọng hơn nhiều so với những gì chúng ta vẫn tưởng, hay vẫn hy vọng. Vậy sân chơi của sự nổi tiếng diễn ra ở công sở như thế nào?

ssdh-sinh-vien1

 

Được yêu thích để được thăng tiến

Rõ ràng là việc ai đó được thăng tiến không chỉ phụ thuộc vào mỗi năng lực của người đó mà còn bao gồm nhiều yếu tố khác. Nghiên cứu chỉ ra rằng những cá nhân được nhiều người yêu thích khi còn đi học có xu hướng được tuyển dụng, thăng tiến, lên lương dễ dàng hơn các đồng nghiệp có trình độ tương đương khác khi đi làm. Xác suất những người này hài lòng với công việc, hạnh phúc với gia đình cao hơn và họ cũng ít nguy cơ vướng vào các tệ nạn hay mắc chứng trầm cảm hơn.

Bạn đã bao giờ tham gia một cuộc họp và chứng kiến một anh bạn với phong thái tự tin và tự nhiên hơn mọi người khác, luôn đề xuất những ý tưởng khả thi được các sếp ủng hộ chưa? Khả năng rất cao là anh này từng làm lớp trưởng, chi hội trưởng, chủ tịch và vân vân các vị trí lãnh đạo khác khi còn đi học. Bây giờ thì anh ta đang trên đà tiến đến các vị trí lãnh đạo của công ty bạn.

Dẹp những ghen tị qua một bên, bạn có công nhận là những người như vậy thực chất rất gây thiện cảm không? Tại sao? Prinstein trả lời rằng đó là vì anh ta biết cách khiến người khác cảm thấy mình được coi trọng, không bị gạt ra rìa và những người được yêu thích như thế là những lãnh đạo tuyệt vời nhất.

Thế nhưng vẫn còn một nhóm những người "nổi tiếng" khác ngồi chung bàn ở canteen trường. Hội này đúng như tên gọi, được nhiều người biết đến nhưng Prinstein gọi đây là nhóm "cà khịa". Những người này vô cùng tự tin nhưng xây dựng bộ nhận diện theo cách hoàn toàn trái ngược với nhóm người được yêu thích: Đây là những kẻ chuyên đi bắt nạt, mỉa mai thất bại của người khác để nâng bản thân mình lên. Phần đông mọi người né nhóm này như né tà vì sợ bị làm bẽ mặt và trở thành trò cười cho cả trường. Những người như vậy cũng có "địa vị" trong trường nhưng không phải ai cũng yêu thích họ.

Người "cà khịa" thăng tiến trong sự nghiệp được vì biết cách duy trì "phong độ". Làm việc với những người như vậy không dễ chịu chút nào. Họ bắt nạt những người làm việc cho mình, trịnh thượng với đồng nghiệp, kiểm soát người dưới quyền bằng cách hạ bệ họ công khai. Nhóm người này được các công ty tuyển vào vì họ có thể bật chế độ thân thiện khi cần thiết. Họ được thăng tiến vì họ nhận ra và đưa được cho cấp trên những điều các sếp muốn: kết quả. Nếu bạn đen đủi gặp phải cấp trên "cà khịa", nhiều khả năng mục kinh nghiệm làm việc trong CV của bạn sẽ còn dài thêm.

Thế nhưng vẫn có những công việc phù hợp với nhóm người "cà khịa" này. Theo Prinstein, "Họ có thể là những lãnh đạo lý tưởng cho các dây chuyền lắp ráp nhà máy nhưng họ sẽ không có đất dụng võ khi làm ở những vị trí đòi hỏi sự hợp tác và làm việc nhóm."

 

ssdh-sinh-vien

Bạn là kiểu người "đi không ai biết ở không ai hay" hay kiểu "bị cô lập"? Điều này có ý nghĩa như thế nào ở môi trường công sở?

Nghiên cứu của giáo sư Prinstein chỉ ra rằng mức độ nổi tiếng của một thiếu niên sẽ xếp cô/cậu ấy vào một trong năm kiểu người: trung bình, được chấp nhận, không được quan tâm, bị cô lập hay kiểu "cà khịa" được đề cập ở trên. Khoảng 50% thiếu niên thuộc kiểu trung bình, tức là phần đông các bạn ở độ tuổi này được yêu quý bởi một số người đồng thời bị một số người khác có ác cảm, các em có những người bạn thân của riêng mình và không quá lo lắng về việc mình bị bắt nạt.

Những đứa trẻ gặp nhiều khó khăn hơn là những em không được quan tâm hoặc bị cô lập. Nhóm thiếu niên không được quan tâm không ai yêu và cũng không ai ghét. Bạn bè trong lớp, trong trường không có nhiều ấn tượng và coi đối tượng này như vô hình.

Vô hình nơi công sở thì không được dễ chịu như ở trường học. Luôn ẩn dật, không xây dựng bất kỳ mối quan hệ nào đẩy kiểu người này đến nguy cơ bị đẩy đi hết vị trí này đến vị trí khác. Tuýp người "vô hình" nên làm việc dưới trướng người thủ lĩnh có thể giúp công việc của họ được nhiều người biết đến và công nhận hơn. Ở góc độ khác, đây lại là những nhân viên có khả năng thích nghi linh hoạt nhất. Họ luôn giữ im lặng và chịu khó lắng nghe. Họ không gặp khó khăn khi bị điều chuyển công tác vì khả năng thích nghi của mình.

Nhóm thiếu niên bị cô lập ở trường trung học bị ghét nhiều hơn là được yêu quý. Những người này ở công sở thường kém hợp tác và giao tiếp cũng không phải điểm mạnh của họ, ngoài ra đây cũng có thể là những thành phần chuyên đi bắt nạt. Họ hay nói không đúng lúc đúng chỗ, dễ làm mất lòng người khác. Tuy nhiên vẫn có những cá nhân làm tốt với vai trò nhân viên của mình, họ ý thức được nhu cầu của người khác, nhạy cảm với các rắc rối và biết cảm thông.

Vậy rất lâu sau khi bạn đã tốt nghiệp, sự nổi tiếng có còn quan trọng với bạn?

"Chắc chắn", Pristein khẳng định. "Không nhân viên nào có thể tiến lên cấp lãnh đạo nếu không nổi bật và được lòng nhiều người, không người quản lý nào có thể duy trì một nhóm nhân viên tâm huyết và thiện chiến nếu người ấy không hiểu bản chất của sự nổi tiếng; nhân viên nào cũng muốn mình được yêu thích và trân trọng, công ty hiểu và đáp ứng được nhu cầu này thì mới mong thành công ."

Cá Domino (SSDH) – Theo Trí Thức Trẻ

Share.

Leave A Reply