Hành trình du học từ Việt Nam qua tới Canada và đi xa hơn nữa

0

Sẵn sàng du học – Sau mỗi bài chia sẻ về những điều mình trải nghiệm, tìm hiểu về hành trình du học, sinh sống, đi làm ở Canada, mình nhận thêm một số lời mời kết bạn, một số tin nhắn hỏi thăm, xin tư vấn. Và với tính cách bao đồng của mình, mình thường kiên nhẫn, lịch sự trả lời.

canada

Vì mình xuất thân con nhà không giàu, được giáo dục trong môi trường tôn giáo từ nhỏ, lớn lên làm thầy giáo, bon chen qua làm kinh doanh, lấy vợ và làm cha của hai con nhỏ, giờ rước lấy thân phận du học sinh đúng nghĩa nên mình rất hiểu về tâm tư, nguyện vọng, cung bậc cảm xúc của các các bậc cha mẹ và các em chuẩn bị hành trang du học ở tận Canada xa xôi này. Hiểu thì chia sẻ, lợi cho ai thì tốt người đó, chứ hại thì mình không cho phép bản thân làm. Mình sợ tạo nghiệp dữ. Giới thiệu dài quá, giờ mới vô chủ đề: “Hành trình du học – Từ Việt Nam qua tới Canada và xa hơn vậy nữa”.

1. Ở Việt Nam, nếu muốn du học, hãy nghĩ ngay đến các điều kiện sau: 

– Tiền: Không có tiền đủ để du học tự túc thì hãy ngưng mơ mộng đi Canada vì thủ tục đầu tiền là “tiền đâu”. Tính đơn giản, mỗi năm học phí trung bình bậc cao đẳng, đại học là 14,000 – 25,000 đô Canada học phí (250,000,000 – 450,000,000 đồng) tùy vào ngành học, trường học. Tiền thuê nhà, ăn uống, giải trí, mua sắm lặt vặt, điện thoại, trà sữa, hẹn hò,…mất thêm 10,000 – 15,000 đô Canada (180,000,000 – 250,000,000 đồng) nữa tùy theo đẳng cấp sinh hoạt và khu vực sinh sống, học tập. Như vậy một năm đầu tiên, một du học sinh phải bỏ ra 430,000,000 – 700,000,000 đồng để được có mặt và học tập tại một trường nào đó ở Canada. Hãy đừng nghe bất kì ai, bất kì công ty tư vấn nào nói với bạn rằng chỉ cần chừng 500,000,000 đồng là có thể có Visa qua Canada học tự túc. Nếu năng lực tài chánh yếu thì xin hãy khoan nghĩ đến giấc mơ du học bởi lẽ gánh nặng sẽ làm còng lưng, quật chết ý chí, làm vỡ vụn giấc mơ của bạn và gia đình.

– Năng lực học tập: Nếu muốn vào học cao đẳng hay đại học hay cao học ở bất kì trường nào ở Canada, năng lực học tập khi còn ở nhà trường phổ thông, cao đẳng, đại học tại Việt Nam phải trên mức trung bình (6.5 trở lên) thì may ra mới có khả năng đáp ứng một trong các điều kiện để xin nhập học và Visa. Đừng đổ thừa giáo dục Việt Nam lạc hậu nên không thích học và kết quả học tập trung bình dưới 6.5. Ở Việt Nam mà học không qua nổi bậc trung bình thì khó có khả năng học được gì ở Canada này. Mà khi xét hồ sơ, trường cũng chê; khi xét Visa, lãnh sự cũng chê. Vì vậy, nếu muốn du học, hãy học khá một chút. Còn nếu đã qua tuổi học phổ thông trung học rồi mà lỡ đã ham chơi nên điểm thấp thì cứ thử vận may (rất thấp), cải thiện tiếng Anh đạt IELTS cao ngất ngưỡng để bù vào năng lực học tập, giải trình thật thuyết phục và chờ quyết định của lãnh sự coi Visa có được cấp không. Nếu không được cấp Visa thì thôi, đành chịu ở nhà khởi nghiệp. Người có ý chí, thái độ cầu tiến, hoài bão lớn lao thì ở đâu cũng dễ thành công, không nhất thiết phải du học làm gì.

– Trình độ tiếng Anh: xa rồi cái thời không có tiếng Anh vẫn đi du học hà rầm. Với chương trình SDS (Study Direct Stream) đã bắt đầu có hiệu lực thì IELTS Academic thấp nhất là 6.0 và không có kỹ năng nào dưới 6.0. Vì sao cần IELTS trên mức đó? Vì nếu thấp hơn thì khó lòng học kịp chương trình chỉ dạy bằng tiếng Anh. Chính phủ Canada yêu cầu trình độ tiếng Anh như vậy đối với du học sinh là để đảm bảo chất lượng học tập, uy tín bằng cấp và khả năng xin việc làm sau khi tốt nghiệp. Nếu muốn du học mà lẹt đẹt trình độ tiếng Anh thì thôi, hãy hát câu “đường thỉnh kinh còn xa”. Nói gì nói, có tiếng Anh tốt là lợi thế vô đối khi du học. Vì vậy, ngay từ khi ở Việt Nam, chịu khó học tiếng Anh cho thật tốt, đừng vội một hai qua Canada sớm làm gì cho tốn tiền. Lãnh sự yêu cầu thấp nhất là IELTS 6.0 thì gắng lấy 6.5 trở lên rồi đi cho chắc. Ở nhà ăn cơm gà với ba mẹ thêm một thời gian cho vui vẻ đôi bên. Đừng lo Canada đóng cửa với du học sinh. Còn lâu mới có chuyện đó. Canada chỉ đóng cửa với du học sinh có đầu vào kém thôi. 

2. Ở Canada, du học sinh nên làm gì?

– Ưu tiên việc đi học: Xác định mục tiêu ban đầu là đi học để lấy kiến thức để sau này làm việc và lấy cái bằng để hợp thức hóa quá trình xin việc nên nhất định phải học. Đôi khi học nản lắm, khó lắm, nhưng phải ráng vì nó là yếu tố quyết định cho tương lai sau này của bạn tại đất nước chưa phải là quê hương của mình. Tích cực tham gia hoạt động của lớp, nhất là các giờ thảo luận. Tính cách rụt rè, ít nói, thụ động cần phải thay đổi ngay, đừng lấy cớ này cớ nọ để ngồi im trong giờ học. Nếu có thể, hãy làm cho giáo viên nhớ mặt bạn, nhớ tên bạn một cách tích cực nhất qua quá trình tham gia phát biểu, tích cực tỏa sáng.

– Tham gia hoạt động tình nguyện: Canada đánh giá cao tinh thần tích cực tham gia các hoạt động tình nguyện vì cộng đồng, từ phạm vi nhà trường đến toàn xã hội. Bất kì trường nào cũng có thông tin về các hoạt động tình nguyện này. Bạy hãy nhanh chân và chọn đăng ký tham gia khi có thể. Điều này hoàn toàn có lợi cho bạn về nhiều mặt. Công việc tương lai cũng có thể đến từ quá trình tham gia hoạt động nguyện của bạn. Vốn tiếng Anh giao tiếp, kiến thức về văn hóa, xã hội cũng từ đó mà hình thành, tích lũy. Đừng đổ thừa vì bận học, vì trời lạnh, vì không có xe để tham gia. Hoạt động tình nguyện có thể chỉ là vài giờ mỗi tuần chứ không chiếm hết thời gian học của bạn.

– Tìm việc làm thêm: Ở Canada, du học sinh chính khóa được phép đi làm, có đóng thuế đàng hoàng, lương tối thiểu hiện nay là 14 đô/giờ. Du học sinh có thể làm những việc mà luật pháp không cấm và làm đúng theo số giờ cho phép (20 giờ/tuần và mùa hè có thể làm toàn thời gian). Có nhiều du học sinh không được phép đi làm hoặc được phép nhưng đi làm bất hợp pháp (gọi là làm chui), nhận tiền mặt, không đóng thuế. Bưng phở, chạy bàn, làm móng, làm trang trại,…nhận tiền mặt là những việc như vậy. Đề tài này khá nhạy cảm; tuy nhiên, hợp pháp bao giờ cũng tốt hơn bất hợp pháp nhất là ở xứ thượng tôn luật pháp như Canada. Quyết định hình thức đi làm nào là tùy bạn. Đi làm thêm vừa có tiền, vừa có thêm kinh nghiệm, mở rộng quan hệ xã hội, nâng cao khả năng quản lý thời gian, cân đối việc học và làm, giúp du học sinh trưởng thành hơn và biết trân trọng sức lao động, giá trị đồng tiền hơn. Hãy bỏ thân phận cậu ấm, cô chiêu, ông chủ, bà hoàng khi ở Việt Nam đi và bắt đầu làm việc. Người khác làm được thì mình làm được, đừng ngại.

– Hãy thay đổi lối suy nghĩ và thái độ sống: Ở Việt Nam, đa số chúng ta phàn nàn về nhiều thứ xấu xí, tiêu cực thì qua tới đây rồi, hãy bỏ dần những thứ xấu xí đó đi. Bớt thù hằn, bớt ích kỷ, bớt cái tôi lớn như bầu trời và sống văn minh (cứ cho là văn mình hơn ở nhà), tôn trọng pháp luật, sống ngay thẳng và thân thiện, giúp đỡ người khác nhiều hơn chút nữa. Bỏ xứ mà đi, còn mang theo những điều xấu xí chi cho nặng. Nếu không giúp được ai thì hạn chế hại người khác, tạo nghiệp ác sau này bị đọa. 

Bài viết chia sẻ của tác giả Facebook Tôn Thất Hòa, bài viết đã được tác giả đồng ý cho phép Vietcan Media Ltd. re-publish trên https://tincanada.net Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả, bạn đọc tự kiểm chứng! Chúng tôi xin chân thành cảm ơn tác giả bài viết, Tôn Thất Hòa, đã đồng ý để chúng tôi re-publish lại bài viết này.

Thái Hải (SSDH) – Theo Tin tức Canada

Share.

Leave A Reply