Hành trình “từ sông ra biển lớn”…

0

SSDH – Trang Anh là cựu học sinh chuyên Anh, THPT Năng khiếu Trần Phú – Hải Phòng. Năm lớp 12, cô bắt đầu sang Mỹ theo chương trình Giao lưu Văn hoá Việt – Mỹ. Ấp ủ giấc mơ giành học bổng Mỹ từ lâu, Trang Anh cố gắng chuẩn bị hồ sơ du học với điểm số đẹp.

 

 Hành trình “từ sông ra biển lớn”…

 

Hành trình “từ sông ra biển lớn”…

 

Trang Anh là cựu học sinh chuyên Anh, THPT Năng khiếu Trần Phú – Hải Phòng. Năm lớp 12, cô bắt đầu sang Mỹ theo chương trình Giao lưu Văn hoá Việt – Mỹ. Ấp ủ giấc mơ giành học bổng Mỹ từ lâu, Trang Anh cố gắng chuẩn bị hồ sơ du học với điểm số đẹp.

 

Tuy điểm TOEFL khá tốt nhưng điểm SAT không cao, cuối cùng cô được học bổng bán phần vào trường ĐH University of Saint Thomas, Minnesota, Mỹ.

 

“Hồi đấy mình buồn lắm vì ngay từ hồi học lớp 12 mình đã xác định mục tiêu học tiến sĩ ở một trường trong top 10 của Mỹ mà cuối cùng lại học ĐH ở một trường ít người biết đến thế này sẽ rất khó đạt được ước mơ ấp ủ bấy lâu.

 

Hơn nữa, 4 năm học ĐH mình được gia đình hỗ trợ phí sinh hoạt, mỗi hè về thấy tóc ba mẹ bạc thêm một chút thấy rất xót xa, chỉ mong muốn làm lên tiến sĩ để được trường trả tiền lương hàng tháng và không là gánh nặng kinh tế của gia đình nữa”, Trang Anh chia sẻ.

 

Vì thế, suốt 4 năm ĐH, cô cố gắng học thật tốt để không bị một điểm B nào. Hè năm thứ 2 ĐH, bạn bè về nhà chơi hết, duy Trang Anh ở lại học GRE thi ngay năm ấy, phòng khi điểm chưa tốt còn thi lại năm sau để không trượt mục tiêu.

 

Biết thư giới thiệu của các giáo sư rất quan trọng, cứ sau giờ học, cô gái Hải Phòng ở lại nói chuyện, hỏi bài để các giáo sư hiểu mình hơn. Sự nhiệt huyết được ghi nhận, vị giáo sư dạy Địa lý ở trường ĐH đã chọn Trang Anh làm trợ giảng trong 4 năm liền (2009-2013). Trang Anh còn là gia sư nước ngoài duy nhất ở khoa Kinh tế tại trường ĐH trong 3 năm (2010-2013).

 

Năm 2012, cô sinh viên năm 3 ĐH xin làm thực tập sinh nghiên cứu không lương tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và Quốc tế (2012) và Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ – ASEAN (2012) để tăng khả năng được nhận vào trường tốt.

 

“Mình nghe các anh chị đang học cao học nói là muốn làm tiến sĩ thì nên tìm giáo sư làm về mảng nghiên cứu của mình nên mình đi lùng sục các giáo sư nghiên cứu về kinh tế, chính trị Việt Nam ở Mỹ. May thay ở trường Duke lại có một thầy rất giỏi nghiên cứu về Việt Nam – giáo sư Edmund Malesky.

 

Mình nói chuyện với thầy, cuộc nói chuyện diễn ra khá suôn sẻ. Duke lại là một trường ĐH danh tiếng, nằm trong top 10 ngành mình học”, Trang Anh kể lại hành trình quyết tâm chinh phục học bổng Tiến sĩ ĐH danh giá.

 

Ngoài ra, cô gái Việt cũng tích cực tham gia các hoạt động tình nguyện như: dạy thêm cho các em nhỏ học tiểu học, làm người tổ chức các sự kiện cho các sinh viên quốc tế tại trường ĐH.

 

Sự kiện tiêu biểu bao gồm đi xây nhà cho những người có mức thu nhập thấp (Habitat for Humanity), đóng gói thực phẩm gửi cho các trẻ em nghèo ở các nước kém phát triển (Feed My Starving Children)… Vì thế, Trang Anh vinh dự nhận giải thưởng Leadership for International Students của trường ĐH dành cho sinh viên quốc tế có năng lực lãnh đạo.

 

Tốt nghiệp ĐH loại ưu trong top 1% của trường, giấc mơ học bổng tiến sĩ toàn phần ĐH Duke (hạng 7 trường ĐH quốc gia) của cô gái Việt đã thành hiện thực ngay sau đó với giá trị “trong mơ”: gần 385.000 USD cho 5 năm (khoảng 8,6 tỉ đồng Việt Nam).

 

“Cánh én” khát khao góp sức cho quê hương

 

Trang Anh cho biết nước Mỹ mang lại cho cô cơ hội kết bạn với bạn bè không biên giới, có điều kiện đi thực tập, đi học, đi du lịch nước ngoài, làm công tác xã hội… Và tất nhiên, chặng đường du học không là hoa hồng.

 

“Những năm tháng học ĐH ở Minnesota nhiều khi nhiệt độ giảm xuống âm 30 – 40 độ C. Mỗi khi đi chợ mình phải đi bộ một chặng dài cả dặm và chờ xe buýt trong cái rét căm căm. Có lúc vai đeo ba lô, 2 tay cầm 2 túi đồ ăn to bị trượt ngã vì băng tuyết rất trơn trong khi trời đã tối thui, thấy tủi thân muốn khóc nhưng rồi vẫn phải tự mình đứng dậy đi tiếp…”, cô kể.

 

Hành trình khẳng định mình của Trang Anh xuất phát từ mong muốn chứng minh bản thân, đóng góp cho quê nhà và minh chứng khả năng của phái nữ.

 

“Ba mình là con trưởng và nhà mình chỉ có 2 chị em gái. Ba mẹ mình hay bị trêu chọc. Mình tức lắm và muốn chứng tỏ rằng điều gì con trai làm được thì con gái cũng làm được.

 

Con gái hoàn toàn có thể học giỏi, có bằng cấp cao, làm lãnh đạo và được mọi người yêu quý, tôn trọng như con trai. Mình quyết tâm cố gắng hết sức để làm ba mẹ mình tự hào, và có thể tự hào hơn ba mẹ của nhiều bạn trai khác.

 

Hôm nhận email báo tin được học bổng toàn phần Tiến sĩ ĐH Duke, mình cảm thấy bao công sức đổ ra suốt 4 năm không hề vô ích. Còn mục tiêu đóng góp cho quê hương, mình hi vọng sẽ thực hiện được trong tương lai gần.

 

Biết bao thế hệ học sinh ra đi nhưng không phải ai cũng muốn quay trở lại. Kể cả những người đã từng nghĩ đến việc trở về, có mấy ai không lo sợ “một cánh chim én chẳng làm nên mùa Xuân”? Nhưng nếu cánh én nào cũng nghĩ như vậy, liệu mùa Xuân có bao giờ đến trên đất mẹ thân yêu?”, Trang Anh nói.

 

Nguồn: Dân trí

Share.

Leave A Reply