Hành trình vào Ivy League: “Công thức” nào để giành vé vào trường tinh hoa?

0

Sẵn sàng du học – Ở Mỹ, Trung Quốc, Việt Nam… có tổ chức du học nói rằng, họ có thể giúp bạn trẻ xây dựng một bộ hồ sơ vào trường Ivy League, điều đó có đúng? Liệu có công thức bí mật để giành vé vào nhóm trường ưu tú?

Xem thêm: Hành trình vào Ivy League: Ai sẽ là người hợp với nhóm trường “tinh hoa”?

Ở phần 1, các chuyên gia đã nhấn mạnh đến việc nhóm trường Ivy League không dành cho số đông ứng viên nhưng nó cực kỳ nhiều nguồn lực cho những ai phù hợp.

Vậy, nếu đã nhận ra đây là môi trường tốt thì ứng viên phải làm gì để thành công trong mục tiêu này?

Với kinh nghiệm tốt nghiệp thạc sĩ 2 trường Ivy League (Đại học Harvard và Đại học Columbia), chị Đào Thu Hiền chia sẻ: “Thú thật, trước đây mọi người hỏi tôi, tại sao Hiền lại đi học được hai trường này?

Tôi thường tìm được lý do tôi cho rằng nó là hợp lý nhất để hy vọng giải đáp thắc mắc của mọi người. Tôi giải thích với họ, tôi khá may mắn. Thời điểm tôi đi học, sinh viên Việt Nam đi sang Mỹ học tập còn rất ít.

Ở Comlumbia từ năm 1975 (sau chiến tranh) cho đến năm tôi đi học (năm 1997), chưa có một học sinh nào từ Việt Nam sang. Họ có thể có người Mỹ gốc Việt nhưng chưa có ứng viên từ Việt Nam sang và họ rất phấn khởi vì có tôi làm “chuột bạch”. Đó là một điều may mắn.

Thứ hai, tôi cũng chuẩn bị hồ sơ rất kỹ càng. Tôi đã tích luỹ rất nhiều kinh nghiệm với các trải nghiệm không giống ai cả trước đó. Tất cả những lý do này đều là những yếu tố ảnh hưởng đến bộ hồ sơ của tôi ứng tuyển vào trường Ivy League”.

Chị Đào Thu Hiền, tốt nghiệp Thạc sĩ ngành Quản lý công Đại học Harvard và Thạc sĩ báo chí tại Đại học Columbia, Mỹ.

Chị Đào Thu Hiền, tốt nghiệp Thạc sĩ ngành Quản lý công Đại học Harvard và Thạc sĩ báo chí tại Đại học Columbia, Mỹ.

Nữ thạc sĩ cho hay, có một số điều chị ít khi nói ra vì có thể mọi người sẽ không tin, chị thực không học giỏi lắm. Khi ứng tuyển vào Harvard, Đào Thu Hiền đã học xong đại học ở Việt Nam và tốt nghiệp một Đại học ở Việt Nam với điểm trung bình 8.0 – nằm nhóm loại ưu (2% của lớp) nhưng nó cũng không phải cao so với điểm chuẩn bây giờ.

Những điểm như GRE, TOEFL cũng dễ đạt điểm cao tuy nhiên cá nhân chị cũng chỉ đạt điểm mà nhà trường yêu cầu chứ không xuất sắc.

Gia đình chị có bố mẹ làm công chức bình dị và không có tiền cho con đi học nước ngoài nên chị phải tự lo, xin nhà trường hỗ trợ cho mình và cũng không có họ hàng làm to để được bảo trợ…

“Như mọi người biết, không ít trường hợp con cháu được vào trường Ivy League vì bố mẹ đã ủng hộ tiền hàng triệu đô cho nhà trường. Rõ ràng, tôi không có cơ hội đó.

Và phía trường, khi nhận hồ sơ của tôi sẽ không phải là một nguồn tiền mà thậm chí, họ phải cho mình tiền để mình theo học được. Tôi là trường hợp cần hỗ trợ”, Hiền kể.

Đại học Ivy không tìm sinh viên muốn vào trường và dừng lại ở đó…

Vậy điều gì của ứng viên ảnh hưởng nhiều đến việc thuyết phục hội đồng tuyển sinh các trường Ivy League thực sự?

“Tôi nghĩ lý do tôi được trường chọn vì tôi không đặt mục tiêu phải vào các trường Ivy League”, chị Hiền nhấn mạnh.

“Nghĩa là khi nộp hồ sơ tôi cũng chọn một số trường nhưng mục tiêu của mình phải là mục tiêu bên ngoài bộ hồ sơ này. Hội đồng tuyển sinh nhìn vào hồ sơ chính là nhìn vào cái mà họ tin tưởng vào, muốn ủng hộ mình.

Họ nhận ra rằng, người này có đến đây học, ở trường này hoặc vào một trường khác học, người ta vẫn theo đuổi mục tiêu đó và người ta vẫn sẽ thành công. Đó chính là những người mà nhà trường họ đang tìm kiếm.

Họ không chỉ muốn tìm một người chỉ muốn vào đây thôi và dừng lại ở đây. Và sau này thì sao, bạn phải ra trường, bạn phải thành công thì bạn mới là sản phẩm tốt của trường.

Đây là điều rất quan trọng nhưng nó khó có thể xây dựng lên được. Tất cả diễn ra rất tự nhiên, có thể chúng ta không nghĩ lại và phân tích vì điều đó.

Nghĩ đi nghĩ lại, tôi thấy nó là một yếu tố khá đặc thù của trường Ivy”, cô gái Việt tốt nghiệp hai trường Ivy League hé lộ.

Không tìm những người chỉ muốn vào Ivy. Vậy họ tìm ai?

Theo chuyên gia này, họ thường đi tìm sinh viên có 3 yếu tố.

Thứ nhất, các em phải đạt năng lực học thuật xuất sắc – thể hiện qua điểm số (trên trường, các kỳ thi chuẩn hoá, giải thưởng quốc gia, quốc tế).

Thứ hai, các em thể hiện tiềm năng có thể thành công cao trong cuộc sống của mình. Nó thể hiện ở giai đoạn các em theo học cấp 3 hoặc từ nhỏ – những gì các em làm trong hoặc ngoài nhà trường nhưng nó đã có kết quả rồi và kết quả đó nó sẽ thể hiện tiềm năng là các em sẽ thành công cao hơn thế nữa sau này.

Thứ ba, tiềm năng mà các em có thể trở thành người lãnh đạo, những người có thể tạo sự thay đổi cho cộng đồng và thế giới, thể hiện qua mục tiêu ngắn và dài hạn của các em.

Nếu các em chỉ có cái 1, cái 2 nhưng cái 3 các em không nói ra được… không biết tôi muốn làm gì sau này là thiếu sót lớn. Chẳng hạn, bạn biết mình đi học Y nhưng không biết sau này sẽ làm gì thì điều đó chưa đủ.

Nó phải thể hiện tham vọng, hứa hẹn về tương lai mà họ muốn nhìn thấy ở học sinh của trường.

Không dễ dàng để một ứng viên “lọt mắt xanh” hội đồng tuyển sinh của 8 trường Ivy League.

Không dễ dàng để một ứng viên “lọt mắt xanh” hội đồng tuyển sinh của 8 trường Ivy League.

Ngoài ra, các trường đại học Ivy và top cao tại Mỹ, mỗi năm phải tuyển 300-4.000 sinh viên tuỳ theo sĩ số quy mô của trường và họ muốn tìm cộng đồng các ứng viên, bao gồm rất nhiều em xuất sắc, mà khi kết hợp lại sẽ thành một cộng đồng đa dạng và toàn diện.

Điều này có nghĩa họ không đi tìm những học sinh toàn diện mà lại giống nhau, nghĩa là 100% học sinh giỏi lập trình hay 100% học sinh chỉ giỏi hoạt động xã hội hay 100% học sinh giỏi về nghệ thuật.

Họ không tìm một tuýp người mà tìm cộng đồng đa dạng các tuýp người, để khi cộng hưởng lại nó thành môi trường đa dạng và giúp các học sinh tốt lên.

Thạc sĩ Đào Thu Hiền lưu ý, khi học sinh thể hiện 3 yếu tố trên thì các em không thể đi “copy” câu chuyện hay bộ hồ sơ của người khác mà các em phải thể hiện cái gì đó là của mình. Đừng bao giờ so sánh mình với người khác bởi nếu vậy, bạn đang tạo ra một phiên bản với người khác và tăng sự cạnh tranh với chính mình.

Nếu em chỉ thể hiện em là em và chính như là em, thì em sẽ là nhân tố đặc biệt. Khi em chọn ngành học hay các trường nói đó, sẽ có những người khá giống mình nên vẫn có cạnh tranh, nhưng cách tốt nhất là thể hiện chính mình”.

Câu chuyện trên cũng thể hiện ở trải nghiệm cá nhân của nữ thạc sĩ. Khi Hiền nộp hồ sơ vào Harvard hay Columbia, hồ sơ của chị không phải hồ sơ xuất sắc nhưng đổi lại, có những thứ mà người khác không có.

“Đó là tôi rời Việt Nam tới Mỹ để theo đuổi đam mê làm phóng viên quốc tế ở hãng AP. Sau đó, tôi chuyển về Canada để trở thành phóng viên tài chính đưa tin mảng ngân hàng cho hãng tin Bloomberg khi tôi 26 tuổi.

Tôi không học sinh ra ở Canada hoặc Mỹ, không là người nói tiếng Anh tự nhiên những vẫn chứng tỏ được năng lực của mình một cách vượt trội bằng cách thể hiện mình cạnh tranh được chính người Mỹ hoặc Canada trên mảnh đất của họ, ở nơi mà tiếng Anh là tiếng mẹ đẻ của họ.

Chẳng hạn, một người Mỹ sang Việt Nam, làm cho báo Nhân dân và viết bài cho Quốc hội bằng tiếng Việt thì rõ ràng mọi người sẽ nghĩ rằng họ rất độc đáo, có gì nổi trội hơn người khác.

Có thể chỉ một vài người có cái riêng vậy thôi và bạn có cái đó thì đó mới chính là cái mang ra để cạnh tranh chứ không phải điểm số. Bởi điểm số là cái gần như ai cũng làm được”, chị Hiền dẫn chứng.

Hoặc trường hợp của anh Don Phan (Tốt nghiệp cử nhân tại Đại học Yale, hiện đang Quản lý mảng Kinh doanh của công ty Amazon) là người thế hệ đầu tiên của một gia đình Việt Kiều ở bang Louisiana, miền nam nước Mỹ.

Anh là người Mỹ gốc Việt nên khi nộp đơn vào Đại học Yale và đó không phải là lợi thế vì có nhiều người Mỹ gốc Á cũng nộp đơn vào các trường Ivy.

Nhưng có một điều may mắn, bang này ở miền nam Mỹ và khá nghèo nên ít học sinh cấp 3 ở bang đó vào được trường Ivy. Và câu chuyện của anh Don cũng là thiểu số.

Tuy nhiên, anh đã được nhận vào trường Yale vì thể hiện tiềm năng của mình ở một hồ sơ ngoại khoá rất “khủng” và nó rất khác bạn bè của anh.

Có vài điểm chính, anh là người sáng lập phân hiệu của một tổ chức phi chính phủ uy tín về nhân quyền trên toàn cầu, ở trường anh theo học.

Hè nào, anh cũng đi làm thêm ở AT&T công ty viễn thông lớn nhất ở Mỹ. Là một học sinh cấp 3 mà làm được việc đó thì minh chứng anh không phải là một người bình thường, khi mà những việc đó thường là việc của người lớn và người lớn đôi khi còn không chăm chỉ chịu khó đến mức như vậy.

Đó là ví dụ thứ hai về về làm thế nào để ứng viên trở nên nổi trội.

Rốt cuộc, có công thức “bí mật” nào không?

Câu hỏi thứ ba được đặt ra, liệu có công thức nào học sinh có thể luyện để vào trường Ivy League nói riêng và các trường top cao của Mỹ được không?

Trả lời câu hỏi này, chị Hiền cho kết luận: “Với 3 tiêu chí phía trên mà tôi nói, có lẽ nói không sai khi có một công thức nhất định để vào Ivy, tức là hồ sơ phải thể hiện được tất cả mảng đó. Và mọi người cũng có thể lập trình, rèn luyện cho con mình để con có thể đạt được những yếu tố kể trên.

Tại Mỹ, tôi gặp một gia đình Việt kiều và họ có 4 người con học trường Ivy và ông bố có nói với tôi, anh rèn bọn nó từ bé. Chúng cứ hết cấp 3 là vào được trường Ivy League. Đấy là bằng chứng sống".

Ở Mỹ, Trung Quốc, Việt Nam có những tổ chức nói rằng họ có thể giúp bạn xây dựng một bộ hồ sơ… Họ cũng đúng một mặt nhất định vì bộ hồ sơ nộp vào Ivy phải đạt những tiêu chí nhất định của những trường này.

Nhưng nếu chúng ta hãy suy nghĩ kỹ về việc, trường Ivy không đi tìm học sinh chỉ muốn vào trường Ivy… Chúng ta có thể rút ra kết luận, công thức ở đây chỉ dừng lại ở những gì có thể coi là cần “tối thiểu” ở những gì họ cần có.

Đó là điểm số trên lớp, điểm chuẩn, yếu tố học thuật đo đếm được nhưng chúng tôi ước tính, nó chỉ chiếm 1/3 bộ hồ sơ của học sinh. Còn 2/3 còn lại là phần mềm, nó thể hiện các em là người xuất chúng, nổi trội thì các em phải chuẩn bị rất sớm nếu muốn thiết kế hồ sơ ứng tuyển vào Ivy.

Và nếu chúng ta muốn thiết kế nó đi chăng nữa, nó phải là quá trình tạo ra sự phát triển cá nhân theo mục tiêu rất lâu dài và phải được làm một cách tự nhiên nhất có thể.

Nếu nó được làm cả một quá trình tự nhiên, dài lâu cũng như em học sinh có thể đi theo mục tiêu đó, phản hồi rồi làm nó tốt lên và cuối cùng nó trở thành cuộc sống, con người thật của các em chứ không phải những “checklist” (danh sách) mà chúng ta dựng lên để bộ hồ sơ đẹp. Nó là một con đường dài.

Cũng quan trọng không kém, nếu muốn hướng một học sinh vào con đường đó thì phải có sự phù hợp với các em, các em phải hứng thú, tiếp nhận nó, biến nó thành động lực cho mình và đến một lúc nào đó, bố mẹ không phải là người “cầm tay chỉ việc” cho các em làm điều đó mà nó thành quá trình phát triển tự nhiên của một đứa trẻ".

Cử nhân Đại học Harvard có mức lương 74.800 - 146.800 USD (tương đương 1,7 - 3,4 tỷ đồng)/năm.

Cử nhân Đại học Harvard có mức lương 74.800 – 146.800 USD (tương đương 1,7 – 3,4 tỷ đồng)/năm.

“Người ta thường nói, môi trường tạo ra đứa trẻ rất lớn và chúng ta hoàn toàn có thể hướng các em đến môi trường đó bằng cách giúp các em định hướng các em tới những mục tiêu cụ thể”, thạc sĩ Đào Thu Hiền nhấn mạnh.

Mời độc giả đón đọc kỳ sau: "Hành trình vào Ivy League: P3 – Thuật toán lọc chọn hồ sơ của các trường".

Thái Hải (SSDH) – Theo Dân trí

Share.

Leave A Reply