Hoa Kỳ: Trường đại học phải đối mặt với sự sụt giảm số lượng sinh viên quốc tế

0

Sẵn sàng du học – Theo số liệu mới đây của Viện Giáo dục Quốc tế, lượng sinh viên quốc tế bậc Cử nhân và sau đại học tại các trường đại học và cao đẳng Hoa Kỳ năm 2016-17 giảm 2,1% tức gần 5.000 sinh viên.

ssdhduhocmy1

Với mức học phí trung bình là 25.000 đô la Mỹ một kì, các cơ sở giáo dục đại học có thể phải chịu tổn thất lên tới 125 triệu đô la. Sự sụt giảm trong việc tuyển sinh đã có dấu hiệu từ những năm trước và không cần đến sự ảnh hưởng của cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ thì những con số trên cũng khiến không ít nhà tuyển sinh phải lo ngại.

Cuộc khảo sát Fall 2017 International Student Enrollment Survey do tổ chức phi lợi nhuận Open Doors thực hiện đã chỉ ra rằng sự giảm thiểu đáng kể của số lượng sinh viên quốc tế có thể tiếp tục xảy ra với tỉ lệ cao hơn. Chỉ trong năm nay con số này đã lên tới 6,9%.

Tuy nhiên, tình trạng này cũng diễn ra khác nhau ở các trường. Trên tổng số các trường ở Hoa Kỳ, có tới 45% trường ghi nhận sự xụt giảm về tỉ lệ sinh viên là du học sinh, 25% vẫn giữ được tình trạng ổn định và 31% còn lại báo cáo sự tăng trưởng trong số lượng sinh viên quốc tế.

Sự phụ thuộc thái quá và “hiệu ứng Trump”

Sau cuộc khủng hoảng kinh tế, nhiều cơ sở giáo dục đại học nhận ra nhu cầu cấp bách về tuyển sinh quốc tế. Đồng thời, họ cũng lập tức nắm bắt thời cơ khi nhận thấy một lượng lớn du học sinh tiềm năng từ giới thượng lưu Trung Quốc hay các học bổng hào phóng của Chính Phủ Ả rập, cũng như đội ngũ sinh viên theo đuổi tấm bằng Thạc sĩ Kỹ thuật của Ấn Độ.

Chính điều này đã dẫn đến tình trạng các trường đại học đang quá phụ thuộc vào một số “quốc gia nguồn”. Và khi các nguồn này dần “cạn kiệt” hay đơn giản là không còn dồi dào như trước do sự khai thác quá triệt để thì rõ ràng, chính sách tuyển sinh đa dạng hóa mới thực là chiến lược lâu dài và đem lại hiệu quả cao.

Thêm vào đó, “hiệu ứng Trump” cũng đem lại những ảnh hưởng tiêu cực đặc biệt là gây ra sự lo ngại cho sinh viên về triển vọng nghề nghiệp cũng như các khoản đầu tư mà Chính phủ dành cho giáo dục đại học.  Một cuộc khảo sát mới đây được thực hiện bởi StudyPortals lấy ý kiến của 1,815 sinh viên, trong đó có tới 2/3 người cho rằng họ không còn hứng thú với việc học ở Mỹ khi thấy được sự hạn chế về việc làm dành cho sinh viên quốc tế.

Nhận diện thương hiệu và học phí

Ngoài hai nguyên nhân kể trên, một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng thiếu hụt sinh viên quốc tế tại các trường đại học của Hoa Kỳ chính là học phí. Cuộc khảo sát của StudyPortals cũng chỉ ra rằng mức học phí tăng cao, cộng với cơ hội việc làm ngày càng khan hiếm khiến cho du học sinh từ các nước “ngại” đặt chân đến Mỹ hơn.

Bên cạnh đó, sự cạnh tranh trong “thị phần” sinh viên quốc tế cũng ngày càng trở nên gắt gao khiến cho việc các trường muốn gia tăng lượng sinh viên này của mình không còn dễ dàng như trước. Yếu tố tiên quyết giúp các trường có thể “lọt vào mắt xanh” của du học sinh chính là nhận diện thương hiệu, tiếp đến là tiềm tăng tuyển dụng và danh tiếng của trường.

Các trường đại học nên làm gì?

Các trường đại học phải xác định được mục tiêu của mình một cách rõ ràng trước các cuộc tuyển sinh bằng cách phân khúc sinh viên quốc tế, đồng thời chỉ cho họ thấy những lợi ích khác biệt khi theo học tại trường. Bên cạnh đó, việc hứa hẹn về những cơ hội việc làm hay các chương trình thực tập cũng hết sức quan trọng.

Với xu hướng toàn cầu hóa đang ngày càng trở nên mạnh mẽ hiện nay, việc mở thêm các chi nhánh tại các quốc gia khác trên thế giới cũng nên được các trường đại học thực hiện trong tương lai gần, nhằm gia tăng số lượng sinh viên quốc tế của mình.

Người dịch: Ánh Dương (SSDH)

Share.

Leave A Reply