“Isle of Dogs” – Kể chuyện loài chó theo phong cách Wes Anderson

0

Sẵn sàng du học – Với tựa phim hoạt hình mới Isle of Dogs (Đảo Chó), vị đạo diễn của Moonrise Kingdom và The Grand Budapest Hotel là Wes Anderson một lần nữa gây kinh ngạc bởi góc nhìn điện ảnh độc, đẹp, dị của mình.

Trong lịch sử của bộ môn nghệ thuật thứ bảy, giới mộ điệu khi nhắc về những vị đạo diễn huyền thoại sẽ nghĩ đến Alfred Hitchcock, Stanley Kubrick, Kurosawa Akira… Còn khi nói về những nhà làm phim đầy thực lực của thời hiện đại, thì không thể không kể đến James Cameron, Steven Spielberg, David Fincher,… "Quái kiệt" Wes Anderson cũng nằm trong số những cái tên đương đại làm nên chuyện, nhưng cái cách người đàn ông này kể chuyện trên màn ảnh lại gợi nhắc những gì là giá trị xưa cũ và độc đáo mà ít có những đạo diễn hiện đại làm được.

Giữa một rừng những nhà làm nghệ thuật hoặc là "thợ săn Oscar", hoặc cố dùng kỹ xảo cháy nổ để thu lời từ những thương hiệu đã kéo lê thê, Wes Anderson nổi lên như một nghệ sĩ thích chơi đùa với những đứa con tinh thần của mình. Đến với vị đạo diễn xuất thân vùng Texas là đến với những thế giới kỳ ảo mà anh đã tạo ra những một vị thần tinh nghịch, đầy ngẫu hứng và không màng đến logic. Và, kể cả khi chúng ta đã tiên liệu tất cả những sự bất thường này, Wes Anderson vẫn thôi gây mê hoặc, thậm chí là gây sốc với phim hoạt hình mới của mình – Isle of Dogs (Đảo Chó).

Nội dung quái chiêu

ssdh-isle-of-dogs

 

Chuyện phim diễn ra trong một tương lai giả định của Nhật Bản, tại thành phố hư cấu Megasaki. Lúc này, một dịch cúm chó đã đe dọa sức khỏe của cư dân nơi đây, buộc Thị trường Kobayashi (Kunichi Nomura) ký sắc lệnh cách ly toàn bộ loài chó khỏi con người. Cụ thể, những chú chó sẽ bị chia cắt khỏi chủ nhân, và đồng loạt được thả đến một đảo hoang đầy khí độc.

Vài năm sau, loài chó tại đây đã thích nghi với cuộc sống mới, dần thành lập những "bang hội" chó riêng với mục đích tranh giành thức ăn. Trong đó, nổi bật nhất là nhóm 5 chú chó sở hữu tên rất ngầu: Rex (Edward Norton), King (Bob Balaban), Boss (Bill Murray), Duke (Jeff Goldlum) và Chief (Bryan Cranston).

Cho đến một ngày nọ, từ trên trời cao rơi xuống một cậu bé người Nhật mang tên Atari (Koyu Rankin). Để tìm lại chú chó trung thành tên Spots, Atari đã liều lĩnh cướp một chiếc máy bay, đơn thân độc mã lao đến Đảo Chó. Cảm phục tấm chân tình của người chủ bé con, 5 "lão đại" đã quyết định cùng cậu thực hiện một chuyến phiêu lưu tìm lại cậu chó mất tích kia.

Năm Mậu Tuất đi làm phim chó

"Đạo diễn Mỹ đi làm phim về văn hóa Nhật, hẳn là một mớ hổ lốn nữa đây!" Đây có lẽ là điều mà phần đông khán giả sau khi xem những hình ảnh đầu tiên của Isle of Dogs đã cảm nhận, và hẳn là Wes Anderson cũng đã lường trước điều này.

ssdh-isle-of-dogs1

Trên thực tế, vị đạo diễn còn tỏ vẻ muốn thách thức cái định kiến ấy, thông qua việc… làm tới bến. Khi động chạm chủ đề liên quan đến xứ sở mặt trời mọc, nhiều nhà làm phim sẽ chọn cách dựng an toàn, tránh đề cập quá chi tiết để không phải lộ cái sai, cái thiếu sót. Nhưng Wes Anderson thì ngược lại, bởi cứ khoảng năm phút thì chúng ta lại thấy một nét văn hóa Nhật chễm chệ xuất hiện trên phim, từ trận đấu vật sumo, cơm bento, sushi, chữ kanji, kịch nói, và cả… Yoko Ono vợ của cố nhạc sĩ huyền thoại John Lennon nữa. Những chi tiết ấy có cái được khắc họa rất tỉ mỉ, cái khác thì lại được "chế biến" tạo không khí hài hước. Đây có lẽ là lối làm phim hùng hồn thay cho lời "tuyên chiến" của Anderson: "Tôi có thể nghiên cứu về nước Nhật, hoặc cũng có thể không. Nhưng không ai có thể phàn nàn được đâu!" Lão tóc dài này còn "chơi lớn", khi từ đầu phim đã đập vào mặt người xem dòng khuyến cáo đanh thép: "Chó sẽ nói tiếng Anh, nhưng tiếng Nhật thì không phụ đề".

Dấu ấn của điện ảnh Nhật Bản

Vừa hay, khi thời điểm 2018 cũng là năm Mậu Tuất theo tín ngưỡng của người phương Đông. Năm Chó làm phim về chó, không quá lạ với một cái đầu lập dị như Wes Anderson. Trong phim mới, chó không chỉ là những người hùng, mà còn mang trong mình một biểu tượng rất riêng, đố bạn biết đó là biểu tượng gì?

Nếu vẫn chưa nghĩ ra, hãy nhớ lại xem đâu là đức tín đáng quý nhất của loài chó. Chính xác, đó không gì khác ngoài lòng trung thành. Isle of Dogs đặt ra một tình huống khá mỉa mai khi những vị chính khách vốn bài trừ chó thì lại rất… yêu mèo, mỗi vị có một con mèo theo hình thù giống y hệt chủ. Kể cả biểu tượng của thành phố Megasaki cũng là một con mèo. Nhưng những con mèo ấy lại không biết khóc vì chủ, không biết đứng bên cạnh giường bệnh của Atari như chú chó Spots.

ssdh-isle-of-dogs2

 

Đến đây, có thể thấy rõ sự hâm mộ của tay đạo diễn người Mỹ dành cho tiền bối Kurosawa Akira. Vị đạo diễn chuyên về dòng phim samurai đã để lại cho đời di sản lớn là những tựa phim huyền thoại như Seven Samurai, The Hidden Fortress, Rashomon,… và Wes Anderson từng là một cậu trai trẻ nghiền ngẫm đắm đuối những thước phim ấy.

Hình ảnh những chú chó trên Đảo Chó có thể ví như các ronin – những samurai mất chủ, khi chúng trở nên hung bạo vì bị đẩy vào đường cùng, nhưng vẫn giữ nguyên phẩm hạnh chờ ngày chủ nhân xuất hiện. Kể cả loài chó hoang như Chief trong tâm khảm cũng là sự trung thành với loài người, tuy mù quáng như vô cùng đáng quý. Có lẽ trước Wes Anderson, chưa có ai diễn đạt thông điệp "Chó là bạn của loài người" theo một cách đầy trừu tượng như thế.

Một bộ phim của Wes Anderson "không lẫn vào đâu được"

Lối xây dựng mạch truyện theo chương hồi trong The Grand Budapest Hotel (Khách Sạn Đế Vương) một lần nữa xuất hiện trong Isle of Dogs. Nhưng lần này tác phẩm lại không giống một quyển tự truyện, mà tựa hồ như những vở kịch nói ngày xưa của người Nhật. Tay đạo diễn thậm chí còn mở đầu phim bằng một truyện ngắn tưởng chừng chẳng "ăn nhập" gì, về một cậu bé samurai và hồn ma không đầu của gã bạo chúa, để rồi sự liên kết giữa truyện ngắn này và mạch truyện chính dần phát triển xuyên suốt phim tạo bất ngờ cho người xem.

ssdh-isle-of-dogs4

 

Chúng ta cũng không thể nhắc về một tựa phim hoạt hình mà không kể đến phần đồ họa.Trên thực tế, Isle of Dogs được thực hiện dưới phong cách stop-motion, tức sử dụng liên hoàn cử động của những mô hình để tạo hình cảnh động. Vào năm 2009, Wes Anderson cũng thử nghiệm phong cách này với Fantastic Mr. Fox (Gia Đình Nhà Cáo), và những được không ngớt những lời khen ngợi từ các chuyên gia. Nhưng Isle of Dogs sẽ khác phim về Ngài Cáo một chút, cụ thể hơn là sẽ tăm tối hơn rất nhiều.

Phim hoạt hình mới sở hữu rất nhiều phân đoạn tả thực tương đối ghê rợn đối với trẻ em, như cảnh Chief cắn cụt tay một thành viên của băng chó thù địch, hay cảnh dòi bọ bâu vào đống đồ ăn trên hòn đảo. Phương pháp tả thực này tạo ra sự đối lập rõ ràng so với những yếu tố trào phúng xuất hiện trong phim càng nổi bật thêm cái đầu óc lạ lùng và tuyệt vời của người cầm trịch.

ssdh-isle-of-dogs3

 

Tất nhiên, xây dựng một câu chuyện hư cấu về một nền văn hóa khác biệt văn hóa phương Tây cũng mang đến cho Isle of Dogs những ý kiến trái chiều. Nhiều khán giả sau khi xem phim đã cho rằng hình tượng người Nhật bị bêu xấu, khi được khắc họa là những kẻ cuồng tín, độc đoán, còn lời thoại không được phụ đề càng khiến cho ngôn ngữ xứ Phù Tang như những tiếng gào rú vô nghĩa và hoang dại.

Song, dù có đứng về phe ủng hộ hay chống đối Isle of Dogs, người xem không thể phủ nhận được giá trị nghệ thuật mà bộ phim mang lại. Trong năm Chó, dùng chuyện loài chó để nói chuyện loài người, nói về những xung đột căng thẳng nhất của xã hội hiện đại theo một cách dí dỏm nhất, hẳn chỉ có thể là Wes Anderson.

Cá Domino (SSDH) – Theo kenh14.vn

Share.

Leave A Reply