Khi Nguyễn Đình Tú kể chuyện về giới doanh nhân

0

SSDH – Ẩn đằng sau bộ vest lịch lãm của một ông chủ lớn là biết bao những truân chuyên, cùng vô số mưu toan trên thương trường. Đời là thế, tham vọng luôn đi liền với nỗi ưu tư.

Trong số các nhà văn thuộc thế hệ 7X, Nguyễn Đình Tú được đánh giá là một cây viết sung sức. Không chỉ viết đều tay, anh còn luôn biết cách làm mới mình để độc giả không cảm thấy nhàm chán. Dù đã tạo dựng được chỗ đứng riêng với thể loại trinh thám nhưng Nguyễn Đình Tú không chịu bó mình trong giới hạn của thể loại. Là một người kể chuyện có duyên, anh hào hứng khi khai phá những địa hạt khác của văn chương.

Và cuốn tiểu thuyết thứ mười, với nhan đề đầy chất thơ, Giọt sầu đa mang chính là thử nghiệm mới của nhà văn đất Cảng. Không phải tử tù, chẳng cần nữ quái, hay một phận người kinh qua nhiều cơn binh lửa của chiến tranh, lần này Nguyễn Đình Tú chọn viết về một doanh nhân, hơn thế nữa đó còn là một nhân vật đang sống và vẫn tiếp tục cống hiến.

Tiểu thuyết Giọt sầu đa mang.

Tiểu thuyết Giọt sầu đa mang.

Lấy nguyên mẫu từ cuộc đời của doanh nhân Phạm Phúc Toại, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Hoàng Long, nhân vật Mười Phúc đã hiện lên thật sống động trong trang văn của Nguyễn Đình Tú. Hình ảnh của một ông chủ lớn không chỉ được xây dựng bằng những mảng miếng kinh doanh táo bạo, đầy quyết đoán. Người đọc sẽ thấy trong đó chân dung của một con người từng trải với lắm nỗi đa mang.

Từ khi còn nhỏ, cậu bé Mười “lù”, biệt danh của nhân vật Mười Phúc, đã bộc lộ năng khiếu kinh doanh chỉ bằng thúng bánh bò của mẹ. Nhưng ở cái thời bom rơi đạn lạc, chẳng ai nghĩ tới chuyện làm doanh nhân. Sinh ra trong gia đình có truyền thống hoạt động cách mạng, chàng thiếu niên Mười Phúc sau khi tốt nghiệp trường thiếu sinh quân đã nuôi chí hướng kế nghiệp cha và anh. Nhưng cuộc đời đầy rẫy những bất ngờ!

Ban đầu, để kiếm tiền cưới vợ và lo kế sinh nhai cho gia đình nhỏ, Mười Phúc bắt đầu khởi nghiệp bằng việc đi buôn thuốc lá. Cả khu rừng đôi khi được nhen mầm từ một nhành cây nhỏ, thế nên việc một tập đoàn lớn như Hoàng Long được gây dựng từ bao thuốc lá cũng chẳng có gì lạ.

Là một người đã kinh qua nhiều biến thiên của thời cuộc, song hành cùng chuyện đời của doanh nhân Mười Phúc và quá trình gây dựng tập đoàn Hoàng Long là câu chuyện về nền kinh tế thị trường còn non trẻ của đất nước những năm đầu Đổi Mới. Khó khăn chồng chất khó khăn, những người mở đường như Mười Phúc ngoài “cái đầu lạnh” còn cần phải liều lĩnh và sẵn sàng đương đầu với thất bại.

Tuy kể về cuộc đời của một nhân vật có thật, nhưng Giọt sầu đa mang được định danh là tiểu thuyết chứ không phải một cuốn hồi kí. Là một người kể chuyện có duyên, Nguyễn Đình Tú luôn biết làm thế nào để tác phẩm của mình trở nên hấp dẫn. Từ cuộc gặp gỡ của ông Mười Phúc và cô sinh viên hiền lành Hồng Ngự, chuyện đời, chuyện làm ăn của một ông chủ lớn dần được hé lộ.

Là một tiểu thuyết mang đậm tính thế sự, nhưng Nguyễn Đình Tú luôn biết cách tạo bất ngờ cho người đọc bằng nghệ thuật xây dựng tình huống mang hơi hướng trinh thám hình sự. Sự xuất hiện của nhận vât Hồng Ngự sẽ làm người đọc tò mò và cứ thế theo chân nhà văn cho đến khi tìm ra lời đáp thỏa đáng.

iọt sầu đa mang không thôi thúc người ta phải đọc liền một mạch như những cuốn tiểu thuyết tâm lý-hình sự của Nguyễn Đình Tú, nhưng cuốn tiểu thuyết này sẽ khiến độc giả muốn đọc lại lần thứ hai. Rời ra những tên tội phạm khét tiếng hay những vụ án giết người man rợ, nhà văn đã tìm ra cách mới để những độc giả yêu thích sáng tác của anh không phải thất vọng.

Khi viết về một nhân vật đang và gặt hái được không ít thành tựu, nếu kể không khéo, nhà văn sẽ rơi vào kiểu ký về người thật, việc thật với giọng văn giàu cảm hứng ngợi ca. Là một nhà văn có nghề, với vốn sống phong phú, Nguyễn Đình Tú đã biết tiết chế ngòi bút của mình. Anh đã dung hòa khéo léo giữa hình ảnh một doanh nhân tài ba và một người đàn ông từng trải, chịu không ít truân chuyên.

Bởi thế nhân vật Mười Phúc hiện lên vừa gần gũi, vừa sống động nhưng cũng không kém phần bay bổng. Là một nhà văn sinh ra và lớn lên ở miền Bắc, nhưng Nguyễn Đình Tú đã sử dụng nhuần nhuyễn những phương ngữ đặc trưng của người Nam Bộ để tạo nên một giọng kể rất tự nhiên mà sinh động, gần gũi như chính nhân vật đang trải lòng mình.

Cá Domino (SSDH) – Theo news.zing.vn

Share.

Leave A Reply