Kinh nghiệm làm việc bán thời gian của một du học sinh ngoài EU

0

Sẵn sàng du học – Đại sứ sinh viên Chloe, người đã phải làm công việc bán thời gian để chi trả cho học phí tại đại học The Hague, chia sẻ kinh nghiệm rút ra từ chính bản thân mình.

sinh-vien-lam-them

Tác giả: Phương Minh Nguyễn (Chloe) – đại sứ sinh viên – Đại học Khoa học Ứng dụng Hague vào ngày 02 tháng 1 năm 2019 11:46 AM

Chuyên mục: Vấn đề tài chính

Tôi đang học năm cuối đại học tại Hà Lan. Trong bốn năm, tôi đã làm việc part – time trong ba nhà hàng khác nhau. Mỗi nhà hàng đều mang đến cho tôi một trải nghiệm và bài học đáng giá. Trước khi chia sẻ câu chuyện của mình, tôi muốn thông báo cho bạn một số thông tin cần nắm được trước khi bắt đầu công việc bán thời gian ở Hà Lan nếu bạn là công dân không thuộc EU:

  • Ở các thành phố lớn, tiếng Hà Lan không bắt buộc. Nhiều công ty vẫn tuyển dụng bạn nếu bạn chỉ nói tiếng Anh. Tuy nhiên, hãy cố gắng học một số cụm từ tiếng Hà Lan cơ bản, nó sẽ hữu ích cho bạn. Tôi cũng làm việc cho 3 nhà hàng khác nhau bằng cách chỉ nói tiếng Anh.
  • Chỉ đồng ý nhận việc khi bạn có giấy phép làm việc hợp lệ được đăng ký bởi nhà tuyển dụng. Khi bạn nộp đơn xin làm việc bán thời gian tại một công ty/nhà hàng, bắt buộc sinh viên/công dân ngoài EU phải có giấy phép làm việc. Bạn sẽ phải cung cấp cho họ số chứng minh thư, tài khoản ngân hàng, số BSN và bằng chứng đăng ký của trường đại học. Giấy phép làm việc cho sinh viên có thời hạn một năm, bắt đầu từ tháng Chín. Do đó, công ty phải nộp đơn xin gia hạn giấy phép làm việc cho bạn nếu tiếp tục công việc sau tháng Chín mỗi năm.
  • Mức lương tối thiểu là 5 euro/giờ. Tuy nhiên, theo luật pháp Hà Lan, các độ tuổi nhất định sẽ có mức lương theo giờ khác nhau. Càng lớn tuổi, mức lương sẽ càng cao.
  • Theo luật pháp Hà Lan, học sinh được phép làm việc 10 giờ/tuần trong các tháng học và 40 giờ/tuần vào mùa hè.
  • Tất cả công ty/nhà hàng đều phải ký hợp đồng với nhân viên.

Trải nghiệm với công việc bán thời gian đầu tiên

Công việc part – time đầu tiên của tôi là phục vụ bàn trong một nhà hàng cao cấp. Tất cả nhân viên phải mặc đồng phục: áo sơ mi trắng, quần và giày đen. Nhân viên sẽ được đào tạo cẩn thận và có trả lương trước khi chính thức làm việc. Do đây là nhà hàng chuyên nghiệp, nên họ đã xin giấy phép lao động cho tôi rất nhanh chóng cũng như trả lương nhiều hơn số tiền quy định trong luật pháp Hà Lan. Mọi thứ dường như là một nơi lý tưởng cho đến khi tôi nhận ra rằng công việc này quá sức với mình. Cụ thể, hầu hết thời gian tôi phải mang vác vật nặng và ca làm việc luôn kết thúc lúc 11 giờ tối hoặc lâu hơn nếu vẫn còn khách hàng. Hơn nữa, nhà hàng khá xa chỗ tôi ở. Khi về đến nhà, tôi mệt mỏi đến nối đi ngủ với lớp trang điểm và bộ đồng phục. Sáng hôm sau, tôi lại phải dậy sớm để đến trường học. Tôi cảm thấy như mình bị quá tải. Sau 4 tháng làm ở đó, tôi quyết định nghỉ việc.

Bài học đầu tiên rút ra: Bạn nên chọn một công việc bán thời gian phù hợp với thể chất và thời gian biểu. Việc học luôn là ưu tiên hàng đầu.

Trải nghiệm với công việc bán thời gian thứ hai

Lần này tôi làm nhân viên phục vụ cho một nhà hàng Việt Nam. Do đó, tôi sử dụng tiếng Anh với khách hàng và tiếng Việt với các đồng nghiệp. Nhân viên mới phải thử việc trong vòng 3 ngày và không có lương mà chỉ được hỗ trợ chi phí đi lại. Vì nhà hàng nhỏ và không có nhiều khách hàng nên khối lượng công việc nhẹ hơn nhiều. Tuy nhiên, mức lương mà tôi nhận được chỉ là 5 euro/giờ – mức lương tối thiểu. Sau 5 tháng, tiền lương của tôi không những không đổi mà ngoài việc phục vụ, tôi còn phải làm những công việc khác hoàn toàn không liên quan đến vị trí của mình như rửa bát đĩa, lau sàn nhà và đồ đạc, v.v. Cuối cùng, khi tôi phàn nàn rằng mức lương quá thấp so với tuổi của mình (lúc đó tôi 21 tuổi, theo luật pháp Hà Lan mức lương của tôi sẽ vào khoảng 7 euro/giờ), họ từ chối tăng lương do lợi nhuận của nhà hàng quá thấp. Thêm đó, về khía cạnh pháp lý, họ đã không đăng ký giấy phép làm việc cho tôi và liên tục tìm những lý do để trốn tránh câu hỏi về vấn đề này. Thực tế họ sẽ mất tiền nếu thực hiện đúng luật. Tôi quyết định nghỉ viêc vì không muốn chịu bất kỳ rủi ro nào liên quan đến pháp luật.

Bài học thứ hai rút ra: Ngay cả khi bạn cần tiền để trang trải chi phí sinh hoạt, đừng mạo hiểm làm việc nếu không có giấy phép làm việc. Bạn nên trực tiếp thảo luận và hỏi người sử dụng lao động/người quản lý của bạn về giấy phép làm việc và hợp đồng làm việc. Ngoài ra, bạn cần tìm kiếm thông tin về luật liên quan đến mức lương tối thiểu cho các độ tuổi khác nhau.

Kết lại:

Sau khi gửi rất nhiều CV xin việc, tôi đã tìm được một nơi hoàn hảo: gần nhà, có hợp đồng pháp lý và giấy phép làm việc được cung cấp rất nhanh sau khi tôi bắt đầu công việc. Thời gian làm việc và mức lương phù hợp với độ tuổi. Chủ lao động giải thích mọi thứ cho tôi rõ ràng, trực tiếp và toàn diện. Về ngôn ngữ, tôi cũng chỉ sử dụng tiếng Anh, nhưng vẫn cố gắng học thêm một số cụm từ tiếng Hà Lan thông dụng để kết nối với khách hàng tốt hơn. Bên cạnh đó, môi trường làm việc cởi mở và thoải máido đồng nghiệp cũng là những người trẻ tuổi đến từ các quốc gia khác nhau. Bây giờ, tôi hạnh phúc và hài lòng với công việc bán thời gian của mình ở đây.

Tôi mong với những chia sẻ trên, bạn sẽ dễ dàng tìm được một công việc bán thời gian phù hợp mà không phải lo lắng về vấn đề pháp lý và tài chính.

Người dịch: Bảo Dung (SSDH)

Share.

Leave A Reply