Kinh nghiệm nộp hồ sơ MBA: Kiên trì và Quyết tâm sẽ được đền đáp

0

SSDH – Lưu ý: Bài viết có dùng khá nhiều từ ngữ chuyên ngành hoặc giữ nguyên tiếng Anh vì lý do cách viết của tác giả và phong cách chung của cộng đồng xin học bổng.

 

Kinh nghiệm nộp hồ sơ MBA: Kiên trì và Quyết tâm sẽ được đền đáp

 

1. Mở đầu

 

Lúc đầu tôi không có ý định viết bài trên Hall of fame đâu. Phần vì bản tính lười viết lách, chỉ thích tranh cãi một hai câu chứ không quen viết theo kiểu mở bài, thân bài, kết luận. Phần vì khi nhìn lại cả quá trình nộp hồ sơ, các bước thực hiện đều theo “sách” không có gì đặc biệt. Tuy nhiên, vào cái thời điểm cuối tháng 5 này, khi còn 3 tháng trước ngày nhập học, tôi đã bắt đầu cảm nhận sức nóng của khối lượng công việc đang chờ mình trong 2 năm tới. Không viết lúc này thì đúng là chẳng còn lúc nào. Dù sao đi nữa, đối với tôi, việc nộp hồ sơ MBA thành công là một cột mốc quan trọng. Tôi muốn ghi lại quá trình này cho chính tôi, giúp tôi hiểu kĩ hơn về những đặc điểm của mình, những quyết định mà mình đã theo đuổi với hy vọng tôi có thể làm tốt trong các công việc tiếp theo. Tôi cũng muốn chia sẻ với mọi người nhất là với những bạn đang và sẽ có ý định học MBA. Mong rằng sẽ giúp các bạn có những thông tin cập nhật hơn. Sự thành công của tôi trong quá trình nộp hồ sơ đã phụ thuộc phần lớn vào những chia sẻ của những người đi trước.

 

2. Chuận bị hồ sơ

 

Đối với tôi chuẩn bị hồ sơ không phải là quá trình một năm hay hai năm. Mà thật sự đó là một quá trình dài hơi hơn thế. Chuẩn bị hồ sơ không chỉ là chuẩn bị những con số mà phải thật sự chuẩn bị cả bản thân. Tôi rất ấn tượng những bạn trẻ có tham vọng, tự tin và luôn lập cho mình kế hoạch tỉ mỉ để thực hiện điều mình muốn. Rất nhiều bạn giờ mới học năm thứ nhất, thứ hai đại học nhưng đã chuẩn bị GMAT, tìm hiểu về MBA. Tôi nghĩ các bạn đang đi đúng hướng. Tuy nhiên, đừng để tham vọng, sự tự tin của mình làm mất đi sự kiên nhẫn một yếu tố rất quan trọng cho một sự thành công bền vững.

  • Tiếng Anh căn bản

Tôi bắt đầu nghĩ về việc du học từ khi mới đỗ đại học. Tôi xác định cho mình sẽ theo đuổi cao học tại nước ngoài chứ không bỏ dở việc học trong nước để du học đại học. Lí do lớn nhất là tôi không tự tin về khả năng tiếng Anh của mình khi đấy. Tôi thi đại học khổi A mà bị dính một bệnh người ta gọi là “học lệch”. Tiếng Anh tốt nghiệp ở phổ thông tôi còn cực kì chật vật chứ đừng nói IELTS hay TOEFL. Tuy nhiên một kế hoạch nâng cấp Tiếng Anh tỉ mỉ đã giúp tôi phần nào cải thiện được cái điểm yếu đấy. Tôi cố bằng được để thi vào lớp học vượt tiếng Anh đầu tiên của Ngoại Thương hồi đó. Bắt đầu như một đứa tiếng Anh dốt nhất lớp nhưng do phải học với mấy bạn chuyên Anh từ bé nên mình không thể cam phận “đội sổ” mãi được. Để cải thiện khả năng nói của mình, đến năm thứ 2 tôi đăng kí đi thi public speaking của đại sứ quán Úc. Vụ này là do bạn gái thúc ép. Thế quái nào tôi lại được chọn để thi chung kết, rồi cuối cùng cũng được một cái giải. Sau quá trình liên tục thúc (ép) bản thân như thế, tôi nhận thấy tôi đã học được rất nhiều. Trong giai đoạn chuẩn bị nhập học MBA này, tôi cũng đang cố gắng lặp lại cái cách tôi cải thiện Tiếng Anh như hồi đại học đó. Hy vọng sau 3 tháng tôi sẽ tự tin hơn trong môi trường tiếng Anh bản địa.

  • TOEFL

Tôi thi TOEFL tháng 5/2009. Tôi không thể dành nhiều thời gian vào TOEFL vì tôi phải thi trong đúng giai đoạn bắt đầu công việc mới ở môi trường mới. Tôi thi paper-based (thi trên giấy) cho nó nhanh.

  • GPA & GMAT

Hồi học đại học, tôi rất chú trọng đến GPA. Tôi nghe ngóng thế nào mà hiểu rằng GPA dưới 8.00 thì khỏi nghĩ đển học bổng thạc sĩ sau này. Về sau, mới biết là không đến mức như thế. GPA không quan trọng trong hồ sơ (xếp sau GMAT và TOEFL). Tuy nhiên, việc nghiêm túc với GPA giúp tôi có một số cơ hội nhất định để tham gia nhiều hơn vào các hoạt động ở trường đại học cũng như của doanh nghiệp. Những cơ hội này thật sự có tác động đến việc chuẩn bị kĩ năng.

 

Câu chuyện GMAT của tôi thì loằng ngoằng hơn một tẹo. Trước đó tôi có một vài dịp thi GMAT bằng tiếng Việt, phần quantitive (toán định lượng) thôi, nên cũng biết phần quantitive rất dễ làm với dân Việt Nam. Nhưng phần verbal (ngôn ngữ) thì đúng là khó hơn tôi tưởng tượng. Tôi còn nhớ buổi đầu tiên tôi đụng vào bài GMAT là buổi làm test với nhóm GMAT của vợ tôi (nhóm của Sơn, Hằng, Huy). Tôi đang loay hoay với câu verbal số 10 gì đấy thì mới ớ ra là đã hết giờ. Tôi lúc đấy còn nghĩ chắc tại mình chưa quen chứ làm gì mà khó thế. Tôi ôm cuốn OG10 một tuần rồi làm thử prep test luôn. Nhìn điểm số 630 tôi mới thấy nóng gáy thật sự. Thời gian lúc đó cũng không còn nhiều nữa (khoảng 3 tháng trước khi tôi rời Việt Nam) mà tôi lại muốn thi trước khi đi. Vậy là phải vào khuôn khổ đàng hoàng thôi.

 

Tôi lập cho mình kế hoạch ôn GMAT nghiêm túc hơn. Có 2 cuốn tôi ôn nhiều nhất là OG và 1000 câu verbal. Ngoài ra cũng nên dùng test set của GMAT Club nữa. Các câu hỏi khó hơn thi thật một tí nhưng rất tốt để các bạn luyện cách quản lý thời gian và làm quen với một bài đầy đủ. Hồi đấy cứ đi làm về là ôm sách GMAT. Buổi trưa nghỉ ở công ty, in mấy trang verbal trong cuốn 1000 câu ra quán nước ngồi nhai vừa nhâm nhi ly cà phê. Ôi sao mà sung sướng!! Hồi luyện GMAT tôi gặp vấn đề về mất tập trung, không nghiêm túc trong lúc làm test. Không hiểu tôi mắc cái chứng bệnh đấy từ khi nào. Cuối cùng tôi nghĩ ra cách dĩ độc trị độc: cuối tuần ra làm test trong quán cà phê, nhạc ầm ĩ, các bà các cô buôn chuyện xung quanh. Cách luyện công này xem ra cũng hiệu quả khi tôi làm được một số bài test kha khá để đi thi.

 

Tôi thi GMAT đầu tháng 2/2009 (ngay sau tết âm lịch). Không hiểu có phải do ăn bánh chưng nhiều quá không mà kết quả không được như ý lắm: 700 (Q49,V35). Cũng không dưới một lần tôi có ý định thi lại. Nhưng rồi do phải chuẩn bị di lý rồi phải lo ổn định này nọ ở nơi mới nên đành thôi. Dành thời gian tập trung vào các phần khác trong hồ sơ.

  • Kinh nghiệm làm việc

Có lẽ đây là phần tôi chuẩn bị chu đáo nhất. Và cũng có lẽ vì thế mà tôi hơi ít quan tâm đến các test scores khác. Sau khi ra trường tôi làm kiểm toán. Nhưng tính tôi thích đi đây đó xa xa một chút nên tôi chuyển sang làm cho Maersk. Tôi đã rất may mắn, rất may mắn được vào chương trình rotation của Maersk. Bốn năm ở đây cho tôi rất nhiều thứ, cải thiện cả về khía cạnh công việc lẫn con người. Chia tay một môi trường tốt đã cho mình nhiều cơ hội như thế thật không phải là quyết định dễ dàng trên khía cạnh cá nhân đối với những bạn đã gắn bó với công ty tương đối sâu sắc như tôi. Tuy nhiên, cuộc sống luôn vận động và tôi cũng hiểu rằng phải trau dồi thêm nhiều kĩ năng để tiếp tục theo đuổi ước mơ của mình.

  • Chọn trường

Tôi làm trong lĩnh vực transportation và supply chain nên cái tên đầu tiên tôi nghĩ đến là MIT. Đã có một giai đoạn tôi chỉ muốn nộp MIT và chỉ MIT mà thôi. Hơn nữa MIT cũng có quan hệ rất tốt với công ty của tôi, cùng cộng tác trong khá nhiều dự án liên quan đến supply chain. Tuy nhiên, quá trình tìm hiểu về trường, về MBA, và self-assessment (tự đánh giá) đã thay đổi quyết đinh chọn trường của tôi. Tôi hiểu ra rằng tôi không muốn đi học MBA để quay lại ngành mình đã làm trong 4 năm vốn đã có khá nhiều kinh nghiệm thực tế. Tôi muốn sang một ngành mới mà ở đó các kĩ năng học được trong MBA sẽ cần thiết hơn. Tôi cũng muốn profile của mình toàn diện hơn hiện tại để giúp mình xử lý những thay đổi tốt hơn trong tương lai. Sau rất nhiều cân nhắc, cả trên khía cạnh sở thích, lẫn khả năng hoàn thành essay trong Round 1, tôi quyết định đặt cửa Chicago Booth và Wharton. Cả hai trường này đều mạnh về finance. Đây cũng là một lĩnh vực mà tôi muốn bổ sung để trở nên toàn diện hơn. Giữa Chicago và Wharton tôi thật sự không thiên về trường nào và tự nhủ được bất kì trường nào đều tốt cả. Chicago có địa điểm tốt hơn. Nhưng Wharton có vẻ có các khóa non-finance tốt hơn một tẹo. Trong giây phút thả trí tưởng tượng bay xa (bệnh “đếm cua trong lỗ” này rất dễ mắc trong quá trình nộp hồ sơ), tôi tự hỏi nếu được cả hai sẽ đi trường nào. Sau 4 năm làm ở Maersk, thời gian tôi được làm gần gia đình thật quá ít ỏi. Quãng thời gian này giúp tôi hiểu cần phải cân bằng giữa công việc và gia đình thế nào. Ở Chicago, khả năng hai vợ chồng thăm nom nhau cũng tốt hơn (vợ tôi đang ở Minnesota). Đó là chưa kể sẽ thuận lợi hơn rất nhiều cho quá trình chạy đi chạy lại kiếm việc sau này.

  • Networking và Essays

Networking và essays là hai công việc phải làm song song với nhau sau khi đã hoàn thành các test scores và chọn trường vì hai việc này bổ trợ cho nhau rất tốt. Networking nên tập từ lúc nộp hồ sơ đối với nhưng ai không phải là party boy/girl hay không có thói quen socialize với người lạ nhiều. Không nên chỉ coi Networking là kĩ năng cần có với MBA admit hay students mà đó là skills tối quan trọng với bất cứ ai làm business.

 

Networking đã giúp tôi trả lời cho câu hỏi Why school (Tại sao lại chọn trường này) như thế nào?

 

Tôi xin có một vài dòng riêng cho mục networking vì nó đóng một phần rất quan trọng trong kết quả nộp hồ sơ của tôi. Hồi mới đến Rotterdam, tôi tự nhủ thế này là tiêu rồi. Ở nhà còn được bạn bè rủ đi đón đoàn sinh viên này đoàn sinh viên nọ chứ ở Hà Lan thì đâu có dễ. Mà mình lại lạ nước lạ cái. Deadline Round 1 thì sắp chỉ còn vài tháng nữa. Không may cho tôi, ở Hà Lan không có alum club (alumni club – CLB cựu sinh viên) của Wharton. Sau này tôi mới biết dân Wharton ở Hà Lan toàn dân expat, sau đợt khủng hoảng đã về nước hoặc chuyển đi nơi khác hết rồi. Sau khi cố gắng liên hệ với một vài cựu sinh viên của Wharton mà không được, tôi tìm ra được một bác tốt nghiệp từ năm 80s. Cố gắng hẹn với bác ấy một cuộc nói chuyện mà cũng không thành vì bác ấy hỏi tôi có quan hệ lâu năm gì với Hà Lan không thì mới gặp. Nếu không thì sang nước khác. Sau này tôi mới hiểu là bác ấy rất bận và vì cũng bực vì dân Hà Lan đi Wharton mấy năm rồi ít quá nên bác ấy muốn dành tài nguyên cho những ai đi học rồi về tạo network ở Hà Lan. Tuy nhiên sau nhiều nỗ lực tìm liên hệ với trường tôi cũng có được 2 cuộc chat chít với 1 sinh viên và một cựu sinh viên nhân dịp họ về thăm nhà. Hai cuộc nói chuyện rất hữu ích giúp tôi cảm thấy liên kết với trường hơn.

 

Câu chuyện networking của tôi với Chicago thì hoàn toàn khác hẳn. Có thể nói là không thể thuận lợi hơn. Tôi nghĩ nó là cái duyên. Tôi tìm hiểu trên Alum club của Chicago hồi tháng 6. Thật may, đúng lúc đó có một buổi ăn tối giữa cựu sinh viên và một giáo sư dạy marketing của Chicago sang Tilburg hội thảo. May hơn nữa, sau này tôi mới biết đây là event chính thức duy nhất trong năm cho sinh viên tương lai. Mục đích của tôi trong cuộc gặp này không chỉ là tìm hiểu thêm về trường mà còn muốn tạo một ấn tượng tích cực về bản thân mình vì tôi biết người phỏng vấn tôi sẽ có mặt ở đó. Một bữa tối rất thân mật cởi mở với cựu sinh viên và giáo sư giúp tôi có cảm nhận rất tốt về Chicago và sẵn sàng để có những suy nghĩ của riêng mình khi trả lời câu hỏi Why Chicago? Sau bữa tối này, tôi vẫn duy trì liên hệ tốt với những cựu sinh viên mà tôi gặp. Đến khi phỏng vấn, người phỏng vấn đúng là một cậu trong số những alumni đó. Điều này giúp tôi tự tin hơn ít nhiều và thực hiện buổi phỏng vấn tổt hơn. Trên thực tế, sau buổi phỏng vấn tôi rất tự tin về cơ hội vào Chicago.

 

Nói về networking thì cũng cần kể đến việc connect với các anh chị Việt Nam đã và đang học tại trường. Công việc này vô cũng thuận lợi vì anh Tài, chị Lê, anh Tường, anh Lân đều rất supportive. Tôi bắt đầu connect với các anh chị từ tầm tháng 5, tháng 6. Gửi hồ sơ hoàn chỉnh để mọi người comment trong tháng 8. Từ đó đến tháng 10 mọi người liên tục feedback và cho những lời khuyên rất hữu ích giúp tôi hoàn chỉnh nội dung. Đến khi được mời phỏng vấn, các anh chị và cả Cường nữa bắt đầu giúp tôi mock interview (phỏng vấn thử). Khi nhìn lại quá trình này, tôi tự nhận thấy mình đã chuẩn bị nghiêm túc để để xứng với sự nhiệt tình của mọi người. Bản essay đẩu tiên tôi gửi để các anh chị comment là bản tôi đã tự sửa ít nhất mười lần. Tôi tự đặt cho mình 1 yêu cầu là chỉ nên yêu cầu mọi người xem cho một lần nên phải chuẩn bị thật kĩ. Dù sau đó các anh chị đểu muốn review nhiều hơn 1 lần, nhưng tôi nghĩ đó là nguyên tắc để làm việc hiệu quả giữa “người dạy” và “người học”.

 

Bài học kinh nghiệm

 

Dù có một quá trình chuẩn bị essay khá nghiêm túc nhưng tôi không tránh khỏi mắc sai lầm. Sai lầm này cũng đến từ bản tính cứng đầu và có phần bảo thủ của tôi. Về mặt nội dung, essay cho cả hai trường Chicago và Wharton tôi đều làm tốt, cảm giác viết thoải mái và tự nhiên, phản ánh con người của mình. Tuy nhiên, essay, một khi đã tâm đắc, thì như đứa con dứt ruột đẻ ra, không muốn bỏ đi đoạn nào. Tôi mắc lỗi lố số từ quy định hơi nhiều nhất là đối với Wharton mặc dù đã được khuyến cáo. Tôi không chắc đó có phải là lí do tôi bị danh sách chờ bên Wharton sau này hay không. Nếu đó là sự thật thì tôi rất tiếc vì công sức tôi bỏ vào essay của Wharton thật sự đáng kể. Tôi muốn note lại cái lỗi này ở đây để cho các bạn đi sau tránh. Đối với mục đích ứng tuyển là tư vấn như tôi mà không chịu nói thẳng vấn đề để vẫn nằm trong mức giới hạn thì đó thật sự là một sai lầm chết người.

  • Acceptance, fellowship và loan

Cuộc chiến vẫn tiếp tục ngay cả khi bạn đã có chấp nhận nhập học từ trường. Đó là cuộc chiến hỗ trợ tài chính. Cam go không kém. Tôi hỏi kinh nghiệm của Cường về cách “mè nheo” scholarship/fellowship (học bổng/học bổng giao lưu ngắn hạn). Do tôi thuộc Chicago Round 1, nên việc xét fellowship của không có kết quả ngay vì các fellowship sẽ được quyết định vào Round 2. Điểm này có thể hơi khác với Wharton (xét corporate fellowship thường round 1). Thế nên, bạn nào apply Chicago năm sau không phải vội Round 1 đâu. Tôi có một khoản scholarship nho nhỏ từ Chicago sau khi được admit nhưng tôi vẫn hi vọng được thêm một chút. Anh Nam giúp tôi liên hệ với một cựu học sinh kì cựu trong advisory board của Chicago. Sau đó tôi có được nói chuyện với một cựu học sinh kì cựu khác qua điện thọai. Tôi cố gắng sell kế hoạch của mình, biết đâu họ có thể đề cập đến tên tôi trong cuộc họp fellowship committee sau này. Vài tuần sau đến hạn tôi viết thêm cái essay, phỏng vấn thêm với một công ty consulting cho 1 corporate fellowship. Thật may, tôi được corporate fellowship đó, đỡ được một chút gánh nặng tiền nong và hy vọng sẽ thuận lợi hơn trong việc tạo mối quan hệ cho công việc mà mình muốn theo đuổi sau này.

 

Mặc dù vậy, học Chicago vẫn đồng nghĩa với việc chịu một khoảng nợ lớn. Với tôi đó không phải là quyết định dễ dàng. Nhưng tôi nhớ lại câu chuyện deal với tiếng anh ngày xưa của mình. Tôi mong rằng khoản loan này sẽ không là trở ngại mà là động lực để tôi cố gắng phát triển kĩ năng và hoàn thiện bản thân hơn.

 

3. Lời kết

 

Tôi xin tạm đặt theme cho bài viết này của tôi là sự kiên nhẫn, có mục tiêu và kế hoạch thực hiện mục tiêu rõ ràng sẽ mang đến thành công. In my case, patience and tenacity of purpose pay off!

 

Thành công trong quá trình apply của tôi nhờ vào sự giúp đỡ của rất nhiều người bạn. Tôi muốn nhân cơ hội này để gửi lời cám ơn đến: anh Tường, anh Lân, chị Lê, anh Tài, Cường, chị Chi, anh Nam, chị Ngân, chị Hường. Có người bạn tôi không nói lời cảm ơn trên open forum nhưng có ảnh hưởng rất nhiều đến tôi từ trước đến giờ.

 

Phụ Lục

 

Note lại mấy cái quick stats của tôi. Tôi cũng là thằng tò mò, cũng thích benchmark thế này thế kia. Đôi khi đọc stats cũng để biết mình cần fulfil điểm gì. Thế nên, dù stats vẫn chỉ là stats nhưng hy vọng vẫn có ích.

  • Age: Sắp 28
  • GPA: 8.3 Ngoại Thương
  • GMAT: 700 (Q49,V35), thi 1 lần
  • TOEFL: 610
  • Kinh nghiệm: 5 years in total: 1 year Auditor/Big four, 2.5 years Sales, Operations, Customer Service in Transportation/Logistics in Vietnam, 1.5 years Strategy, Product development in Rail transport in Europe.

 

Nguồn: FB-Scholarship for Vietnamese students

Share.

Leave A Reply