Kinh nghiệm săn học bổng từ du học sinh 9x

0

SSDH – Bắt đầu có ý định du học khá muộn, Nguyễn Hoàng Long (học sinh lớp 12 chuyên Anh, Trường PT Năng khiếu, ĐH Quốc gia TP.HCM) đã nỗ lực gấp đôi để hoàn thiện hồ sơ xin học bổng…

Và Hoàng Long đã nhận được suất học bổng toàn phần của Macalester College, Mỹ (nằm trong top 24 National Liberal Arts College).

150317duhoc4

Áp lực nhất là viết bài luận

Cuối năm lớp 11, Hoàng Long mới bắt đầu ôn các kỳ thi chuẩn hóa IELTS, SAT… Đến đầu năm lớp 12, anh nộp hồ sơ đến các trường đại học ở Mỹ. “Để tìm hiểu cách viết bài luận (eassay), mình tạo tài khoản trên commonapp.org và coalitionforcollegeacceess.org. Tiếp đến, mình nhờ thầy dạy học năm lớp 10 làm người hướng dẫn (counselor) và xin thư giới thiệu từ thầy cô trong trường. Sau đó, mình lên ý tưởng cho bài luận chính (personal statement) và lên danh sách 20 trường sẽ nộp hồ sơ. Mình cũng cần chuẩn bị các giấy tờ quan trọng và “portfolio” thật tốt để thể hiện bản thân nhiều hơn với ban tuyển sinh”, chàng trai sinh năm 1999 kể.

Song song với việc nộp hồ sơ du học, Hoàng Long vẫn phải học tốt trên lớp vì điểm trung bình trên lớp (GPA – Grade Point Average) là một yếu tố quan trọng trong hồ sơ.

Ngoài ra, anh còn tích cực tham gia các hoạt động xã hội như “AbunDance”, “Đường đến tri thức”, “Project Sparks”… Theo Hoàng Long, không chỉ các hoạt động xã hội mới gây ấn tượng với ban tuyển sinh, đôi khi, việc tham gia vào câu lạc bộ mình yêu thích cũng có thể gây thích thú đối với ban tuyển sinh trường.

Trong suốt quá trình chuẩn bị hồ sơ, viết bài luận là áp lực lớn nhất với Hoàng Long. Anh vốn không hay viết nên mất khá nhiều thời gian để lên chủ đề. Khi có ý tưởng thì việc viết và diễn đạt đòi hỏi bạn phải thể hiện gọn ý, từ ngữ chính xác. Hoàng Long chia sẻ: “Nếu những bài luận chính có đề chung chung, dễ hiểu thì những bài luận phụ để giúp nhà tuyển sinh đi sâu hơn trong việc tìm hiểu con người của từng học sinh sẽ hóc búa và khó hiểu hơn nhiều. Mình phải viết hơn 20 bài luận phụ cho các trường. Thậm chí có trường, mình phải viết 4 bài để nộp đơn trên CommonApp và học bổng”.

Biết được điểm bất lợi của mình là gấp rút về mặt thời gian nên Hoàng Long phải làm đề thi thử và viết “essay” mỗi ngày. Lúc làm bài, anh phải đặt thời gian và làm nghiêm túc như thi thật. Các mẹo ôn SAT hiệu quả và hướng dẫn viết “essay” một cách kỹ càng có thể dễ dàng kiếm được trên trang “PrepScholar”. Ngoài ra, nguồn ôn SAT uy tín có thể kể đến là các đề luyện tập “online” trên CollegeBoard và KhanAcademy, các cuốn đề của Ivy Global, ETS, Kallis, The College Panda và Kaplan.

Cần chú ý lỗi chính tả và ngữ pháp

Theo Hoàng Long, chủ đề cho các bài luận khá đa dạng. Bạn có thể chọn những đề tài mình cảm thấy quan trọng, có ý nghĩa với bản thân hoặc những điều rất bình dị như sở thích cá nhân, câu chuyện tuổi thơ, bộ phim bạn yêu thích. Quan trọng là cách bạn viết phải truyền tải thông điệp đến người đọc. Bài luận có thể kết hợp các yếu tố như miêu tả, tự sự một cách hợp lý để tạo hứng thú và gây bất ngờ cho người đọc.

Đặc biệt, bạn cần chú ý lỗi chính tả và ngữ pháp vì chính những điều nhỏ nhặt đó lại thể hiện sự cẩn thận, tâm huyết mình dành cho bài luận. Không những vậy, việc đọc các bài luận của những người đi trước sẽ giúp bạn tìm được cảm hứng viết bài. Tuy nhiên, bạn không nên để nó ảnh hưởng nhiều đến ý tưởng sẵn có của mình, cũng như việc đưa bài cho người khác đọc cũng cần có chọn lọc.

“Mỗi yếu tố trong quá trình chuẩn bị hồ sơ xin học bổng đều rất quan trọng. Vì bạn không nằm trong ban tuyển sinh nên không thật sự biết họ sẽ đánh giá và coi trọng điều gì. Mỗi trường đều có tiêu chuẩn đánh giá riêng, có trường đánh giá cao thành tích học tập hơn, có trường đi đánh giá cao bài luận và các hoạt động xã hội hơn. Thay vì xem xét cái nào quan trọng hơn cái nào, mình nên làm tốt mọi thứ để bộ hồ sơ của mình hoàn thiện nhất có thể”, Hoàng Long bật mí.

Để cân bằng giữa việc học trên lớp và việc nộp đơn du học, bạn phải hiểu rõ rằng, việc học tốt trên lớp (điểm GPA cao) sẽ đóng góp phần quan trọng trong hồ sơ. Không những thế, Hoàng Long phải luôn tính “phương án B” là giả dụ mình không đi được Mỹ thì còn có kiến thức thi đại học để học trong nước. Hiểu được điều đó, Hoàng Long đã cố gắng học và làm bài ngay trên lớp, về nhà tập trung viết bài luận và ôn SAT. Anh phải “hy sinh” thời gian ngủ và các sở thích cá nhân để có nhiều thời gian trong việc hoàn chỉnh hồ sơ. Để chuẩn bị nhập học vào tháng 8 năm nay, Hoàng Long tìm hiểu về bang sẽ sinh sống và học tập, chuẩn bị phỏng vấn visa, nói chuyện giao lưu với các anh chị sinh viên Việt Nam đang học tại đó để tìm hiểu thêm về việc học và ăn ở khi sang bên đấy.

Để tìm hiểu các học bổng du học Mỹ, Hoàng Long cho biết, có thể tìm trực tiếp trên website trường hoặc search Google “Tên trường + financial aid for international students” hoặc có thể vô phần “Financial Aid Resources” trong CommonApp để ấn vô đường link dẫn đến phần hỗ trợ tài chính của mỗi trường mình nộp.

Theo: Sinhvienusa

Share.

Leave A Reply